Theo mình thấy, nhiều bạn học tiếng Anh nói chung đều gặp phải vấn đề với bài đọc hiểu, đơn giản bởi vì mức độ khó nhằn và mức độ phức tạp của nó.
Bài đọc hiểu tiếng Anh là dạng bài không thể thiếu và nó chiếm một điểm số khá lớn trong các bài thi chuyển cấp, bài thi chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL… Tuy nhiên, như mình đã nói ở trên, nhiều bạn lại mắc phải những lỗi khá là cơ bản, khiến cho việc làm bài thi không được hiệu quả.
Vậy nên, trong bài viết này mình sẽ phân tích một số lỗi thường gặp trong quá trình làm bài đọc hiểu tiếng Anh và đồng thời cũng đưa ra cho bạn một số lời khuyên để giúp bạn làm bài đọc hiểu tiếng Anh được hiệu quả hơn nhé.
Một số lỗi thường gặp trong quá trình làm bài đọc hiểu tiếng Anh như: không hiểu đề bài, nội dung bài khóa, ngụ ý của tác giả, không biết từ, cụm từ mới… Điều này khiến cho hầu hết học sinh đều sợ, hoang mang khi đối diện với bài đọc hiểu.
Lời khuyên của cá nhân mình dành cho các bạn, giúp các bạn vượt qua bài đọc hiểu tiếng Anh hiệu quả như sau:
Mục Lục Nội Dung
- #1. Không quá hoang mang với lượng từ mới trong bài đọc hiểu
- #2. Đừng bao giờ cố dịch hết cả bài
- #3. Suy nghĩ thấu đáo cho những câu hỏi ngụ ý
- #4. Trả lời câu hỏi theo trình tự từ trên xuống
- #5. Các câu hỏi về từ đồng nghĩa
- #6. Câu hỏi về ý kiến/ thái độ của tác giả
- #7. Chú ý đến những từ khóa quan trọng trong câu hỏi
#1. Không quá hoang mang với lượng từ mới trong bài đọc hiểu
Mục đích chính nhất của bài đọc hiểu là để kiểm tra kĩ năng đọc hiểu chứ không phải tập trung nhiều vào phần kiểm tra vốn từ vựng.
Vậy nên, khi làm bài đọc hiểu, điều quan trọng là phải gạch chân key words, tìm manh mối, nội dung liên quan trong bài, từ đó tìm ra đáp án đúng nhất cho câu hỏi.
#2. Đừng bao giờ cố dịch hết cả bài
Việc dịch hết cả bài vừa tốn thời gian, vừa khiến bạn hoang mang và rối mắt với một lượng lớn nội dung, từ mới.
Dịch hết cả bài còn khiến bạn rơi vào tình trạng lan man, không tập trung vào đúng trọng tâm => khiến cho việc tìm ý chính càng trở nên khó khăn.
Việc bạn cần làm là đọc lướt (skimming), đọc các câu đầu và cuối đoạn, và các câu có từ in đậm để lấy ý chính trước nhé.
#3. Suy nghĩ thấu đáo cho những câu hỏi ngụ ý
Với mỗi câu hỏi cần sự suy luận logic cao, ngụ ý, infer từ nội dung bài, bạn phải xâu chuỗi, thâu tóm nội dung trong vòng nghi vấn và tìm ra đáp án.
#4. Trả lời câu hỏi theo trình tự từ trên xuống
Một điều khá thú vị là nội dung trả lời cho các câu hỏi thường theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Biết được mẹo này, bạn có thể dễ dàng theo dõi key words hay nội dung đắt giá cho từng câu hỏi theo thứ tự mà đỡ mất công bới tung cả bài khóa lên.
#5. Các câu hỏi về từ đồng nghĩa
Đối với các câu hỏi từ đồng nghĩa, trái nghĩa, các bạn sẽ thay thế từ in đậm bởi các từ trong câu trả lời để xét mức độ phù hợp. Từ thích hợp sẽ phải xuất đầu lộ diện ngay thôi.
#6. Câu hỏi về ý kiến/ thái độ của tác giả
- Dạng: What is the author’s opinion / attitude in the text?
- Hoặc: Which of the following most reflects the author’s opinion?
- Một số đáp án thường thấy: Neutral (trung lập), Supportive (ủng hộ); Skeptical (nghi ngờ)…
Bạn phải tập trung vào giọng văn, cách sử dụng từ ngữ, cách thêm dấu câu, xuống dòng… Đọc kỹ đoạn đầu và đoạn cuối vì thường 2 đoạn này biểu hiện rất rõ ý của tác giả.
#7. Chú ý đến những từ khóa quan trọng trong câu hỏi
Có một thực tế phũ phàng là khá nhiều bạn làm sai những câu đáng tiếc vì không đọc kỹ đề bài, hiểu sai từ khóa trong câu hỏi.
Ví dụ:
- Similar – Synonym ( Đồng nghĩa)
- Opposite – Antonym ( Trái nghĩa)
- Except – NOT mention – LEAST likely… (không được nhắc đến, ít có khả năng xảy ra)
- Inferred ( Được suy ra)
- Implied ( Được ngụ ý)
Vâng, trên đây là một số lời khuyên giúp bạn làm bài đọc hiểu tiếng Anh hiệu quả. Chúc các bạn đạt được điểm số cao trong các bài đọc hiểu nhé.
CTV: Yên Tử – Blogchiasekienthuc.com