Câu chủ động và câu bị động được coi là kiến thức nền tảng trong môn tiếng Anh. Tuy nhiên, mặc dù đã được ôn đi ôn lại rất nhiều lần nhưng có không ít bạn vẫn chưa thể xác định rõ ràng được cách làm ?
Việc không chắc chắn vào kết quả của mình khiến một số bạn hoang mang mỗi khi làm đề thi. Chính vì thế mà trong bài viết này mình sẽ giúp các bạn giải quyết việc chuyển câu chủ động sang câu bị động trong Tiếng Anh một cách nhanh gọn nhất nhé !
Mục Lục Nội Dung
#1. Xác định tân ngữ trong câu chủ động
Chắc chắn với một dạng đề chuyển từ câu chủ động sang câu bị động trong tiếng Anh sẽ không còn là “nỗi lo” của nhiều bạn nữa nếu các bạn chịu khó đọc chi tiết từng ý mình đã nêu ra. Nên nhớ hãy thực hiện tuần tự theo số thứ tự nhé, đó coi như là các bước để làm bài đấy!
Đầu tiên là việc chúng ta xác định tân ngữ. Vậy tân ngữ là gì? Tân ngữ thường đứng sau động từ, tân ngữ có thể chỉ người hoặc chỉ vật. Các bạn chỉ cần hiểu thế là đủ, đừng nghĩ quá phức tạp lên vì thực tế dạng bài này vô cùng dễ dàng để “ăn điểm” đấy nhá!
Trước khi đi vào việc phân tích trình tự làm, mình xin giới thiệu với các bạn kiến thức cơ bản này trước. Trong tiếng Anh quy định việc sử dụng của chủ ngữ là S (viết tắt của từ Subject), động từ là V (viết tắt của từ Verb), tân ngữ là O (viết tắt của từ Object), còn nhiều từ ngữ viết tắt cho tính từ và trạng từ và các từ loại.
Nhưng mình đang nói đến việc chuyển câu chủ động thành câu bị động trong tiếng Anh nên các bạn chỉ cần tập trung vào ba loại chủ ngữ (S), động từ (V) và tân ngữ (O) là được nhé!
Chẳng hạn trong ví dụ dưới đây, “me” và “ a mouse” được coi là các tân ngữ của câu:
- He gave me a watch
- A cat catches a mouse
#2. Xác định động từ và thì của động từ trong câu
Có thể nói trong câu bị động, ngoài tân ngữ còn có động từ là những yếu tố rất quan trọng để người học có thể chuyển câu một cách chính xác nhất. Thì của động từ được chia trong câu bị động không hề khó, điều quan trọng là các bạn không được chủ quan, cần phải nhìn thật kỹ càng để tránh trường hợp xảy ra sai sót một cách đáng tiếc.
Căn cứ vào thì của động từ, chúng ta sẽ biết cần phải áp dụng công thức nào cho câu bị động. Chẳng hạn như với câu a ở phần 1(He gave me a watch), động từ ở đây là “gave” được chia ở thời quá khứ đơn nên chúng ta sẽ áp dụng công thức câu bị động ở thời quá khứ đơn.
Trước khi chuyển, các bạn cũng cần nắm được chính xác công thức cơ bản của câu bị động với các thì của động từ. Với thời quá khứ đơn sẽ khác với quá khứ hoàn thành hay quá khứ tiếp diễn. Dưới đây mình sẽ liệt kê ra một số cấu trúc cơ bản nhất để các bạn có thể dễ dàng hình dung hơn nhé!
- Cấu trúc với thời hiện tại đơn: S + is/are/am + done (động từ được chia ở thì quá khứ phân từ II)
- Cấu trúc với thời hiện tại tiếp diễn: S + is/are/am+ being + done
- Cấu trúc với thời hiện tại hoàn thành: S + have/has been + done
- Cấu trúc với thời hiện tại hoàn thành tiếp diễn: S + have/ has been being + done
- Cấu trúc với thời quá khứ đơn: S + was/were + done
- Cấu trúc với thời quá khứ tiếp diễn: S + was/ were being + done
- Cấu trúc với thời quá khứ hoàn thành: S +had been + done
- Cấu trúc với thời quá khứ hoàn thành tiếp diễn : S + had been being+ done
- Cấu trúc với thời tương lai đơn: S + will be + done
- Cấu trúc với thời tương lai hoàn thành: S + will have been + done
Ngoài ra có thể còn có cấu trúc kiểu “to be done” với động từ thể “to V” hay “being done” với động từ thể “Ving”. Các bạn cần căn cứ vào từng dấu hiệu nhận biết riêng để xác định thể loại ở thời của động từ.
#3. Chuyển câu chủ động thành câu bị động hoàn chỉnh
Với một câu bị động hoàn chỉnh cần phải có tân ngữ (của câu chủ động) được chuyển thành chủ ngữ trong câu bị động, có thời của động từ và có đối tượng làm nên hành động. Nghe có vẻ hơi mông lung, nhưng xem xong ví dụ dưới đây, bạn sẽ hiểu ngay thôi.
- Câu chủ động: My father grew the lemon tree yesterday
- Câu bị động: The lemon tree was grown by my father yesterday
Phân tích: Trong câu chủ động, chúng ta có tân ngữ “the lemon”, thời quá khứ và người làm ra hành động là “my father”.
Khi chuyển sang câu bị động “the lemon tree” không còn là tân ngữ nữa, lúc này nó có vai trò là chủ ngữ trong câu”, động từ “grew” ở thời quá khứ được chuyển về thời quá khứ phân từ II, ta dùng “by my father” để chỉ người trồng cây chanh đó là “do bố của tôi” trồng chứ không phải ai khác.
Các bạn chỉ có thêm “by” ở phía sau khi biết rõ người làm ra hành động là ai, một người cụ thể và rõ ràng. Có một số câu có chủ ngữ của câu chủ động là các đại từ bất định (chẳng hạn như someone, somebody, nobody) thì không cần thêm “by” ở phía sau. Ví dụ như trong câu sau đây:
- Câu chủ động: Someone gave him flowers on his birthday
- Câu bị động: He was given flowers on his birthday
Trên đây là từng bước cơ bản để bạn có thể chuyển câu chủ động sang câu bị động trong tiếng Anh. Hi vọng rằng bài viết có thể giúp bạn giải quyết dạng đề này một cách dễ dàng và hiệu quả hơn !
CTV: Yên Tử – Blogchiasekienthuc.com