Samsung là một OEM smartphone lớn nhất ở thời điểm hiện tại, với thị phần toàn cầu là trên 40%. Họ rất được ưa chuộng ở các thị trường như Việt Nam, châu Á, châu Âu và đương nhiên là cả nước nhà Hàn Quốc nữa.
Là một Android OEM smartphone, tuy nhiên chiến lược của họ lại rất khác so với các OEM smartphone Android còn lại. Vậy bí quyết thành công của họ là gì, khi mà có vô số các hãng smartphone Android như vậy?
Mục Lục Nội Dung
#1. Cách định giá của người dùng và của Samsung
Mình nói như này đi cho các bạn dễ hình dung: Đối với Samsung, phân khúc 2 đến 5 triệu đối với họ là phân khúc giá rẻ. Còn đối với người dùng, khi mà các OEM Trung Quốc đã lấn chiếm mọi sân chơi, phân khúc giá rẻ đối với người dùng là từ 3 triệu trở xuống.
Samsung coi mức giá 5 đến 15 triệu là smartphone tầm trung, còn với phần lớn người dùng, phân khúc này là từ 3 đến 10 triệu.
Tương tự như vậy, Samsung coi phân khúc cận cao cấp cho tới cao cấp là từ 15 đến 30 triệu, còn với người dùng thì chỉ từ 10 đến 17 triệu.
Rõ ràng với sự bành trướng của các thế lực OEM Trung Quốc, cách định giá của người dùng đã thay đổi rất nhiều, và có sự phân hóa rất rõ rệt với các phân khúc, nhưng cách định giá này lại cách biệt quá nhiều so với Samsung.
Đây là ảo tưởng về giá, hay là họ có những thứ chất lượng hơn, đáng tiền hơn so với phần đa còn lại?
#2. Chiến lược của Samsung
Với người dùng Samsung, có lẽ họ cũng nhận ra chiến lược này khi so sánh với các smartphone khác: Chiến lược cao cấp hóa máy phân khúc giá rẻ.
Điều này không khó thấy, vì nó phủ mọi phân khúc của Samsung, đương nhiên là trừ phân khúc cao cấp, vì nó đã cao cấp nhất thì sao thấy được sự cao cấp hóa ở phân khúc này nữa!
Những thứ dễ thấy: Smartphone phân khúc giá rẻ và tầm trung có màn hình lớn. Đồng thời, tấm nền chúng sử dụng đa số là Super AMOLED, tấm nền cây nhà lá vườn rất đắt đỏ, với độ phân giải có thể lên tới 2K.
Họ đem xuống phân khúc này những cảm biến camera lớn hơn cả flagship, những công nghệ flagship chưa từng có, những thiết kế đặc trưng của dòng Galaxy S và Galaxy Note. Và cái mà họ cắt giảm đi chính là cấu hình, để tái phân khúc những chiếc máy xịn xò mà đúng ra chỗ của nó không phải ở phân khúc đó.
Ví dụ đi: Galaxy A51 và Galaxy A71 với cảm biến vân tay trong màn hình, camera macro, có nhiều camera sau, thiết kế màn hình đục lỗ,… sẽ không có gì là lạ nếu họ bán con máy này với giá quanh quẩn 15 củ vì nhìn chung, nó chẳng còn thua kém mấy so với chiếc Galaxy S10, tuy nhiên con chip lại tái phân khúc nó xuống tầm trung.
Tiếp theo: Galaxy A80 với thiết kế cụm camera sau xoay lật, viền màn hình mỏng, chất liệu kính cao cấp, nó có thể là một flagship của một OEM Trung Quốc nếu họ sử dụng con chip 855 thay vì con chip 730 như vậy.
Đó cũng chính là lí do mà trong năm 2019 vừa rồi, họ bỏ qua các con chip Snapdragon hướng vào khả năng gaming như Snapdragon 855+ hay Snapdragon 730G, cũng như không tham gia vào cuộc chạy đua Gaming phone.
Đơn giản vì họ không thấy có lợi nếu họ tham gia vào. Và như vậy, chỉ có mỗi mấy anh Trung Quốc là ham cấu hình thôi.
Smartphone Samsung có những thiết kế bắt mắt hơn: Mình đã giải thích lí do tại sao màu sắc ảnh hướng lớn đến doanh số của mọt chiếc smartphome rồi, và Samsung biết điều này nên họ áp dụng rất triệt để.
Nếu từ năm 2018 trở về trước, Samsung chỉ có 3 màu sắc chủ đạo cho tất cả các phân khúc điện thoại từ giá rẻ tới cao cấp (đó là vàng đồng, xám bạc và đen) thì bây giờ đã khác.
Smartphone hiện nay có đủ 7 sắc cầu vồng, hay màu Aura Glow cũng đủ màu của cầu vồng nữa. Điều này dễ dàng thúc đẩy doanh số bán hàng trong phân khúc giá rẻ của họ, đặc biệt là các máy của dòng Galaxy A.
Tóm lại, từ chiến lược mà họ sử dụng, cộng thêm giá trị thương hiệu của họ thì mức giá mà họ đưa ra cao hơn so với các OEM khác là có lí do. Nhưng theo cá nhân mình thì vẫn hơi bị ảo giá một chút, các bạn có thấy thế không?
#3. Kết luận
Bằng cách cải tiến chất lượng toàn diện thay vì chỉ chọn cấu hình, Samsung đã có chỗ đứng rất vững chắc trong lòng người dùng, cho dù những gì họ làm có vẻ vẫn chưa được tối ưu lắm, hay là không phù hợp với đa dạng người dùng.
Nhưng vẫn phải công nhận một điều, Samsung áp dụng chiến lược này từ trước đến nay rất tốt và đã đem lại cho họ cái thứ hạng không thể bị lung lay trên thị trường di động.
Các bạn thấy sao về chiến lược này của Samsung, hay các bạn thích các chiến lược của những OEM Trung Quốc hơn? Hãy để lại comment phía dưới bài viết này nhé !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com