Hệ điều hành điện thoại được nâng cấp với tốc độ chóng mặt trong vài năm gần đây, mới ngày nào mình còn ao ước lên được Android 9, rồi đến Android 10, thì nay phiên bản Android 12 “Snow Cone” đã rục rịch ra mắt rồi ◔◡◔
Mục Lục Nội Dung
#1. Lý do bạn nên mua smartphone đời mới?
Nhiều bạn sẽ nghĩ những thông tin trong bài viết này sẽ sớm lạc hậu, nhưng mình xin khẳng định rằng: có rất nhiều người đến hết cuộc đời vẫn chỉ dùng Android bản cũ (tầm Nougat, Oreo cho đến Pie), nhất là mấy bạn không am hiểu về công nghệ.
Bởi vấn đề là thế này, trừ những máy như Google Pixel là“gà nòi” của Google (được ưu tiên lên đời trước tiên, Google sản xuất nó mà lại), thì còn lại, một smartphone Android thông thường sẽ được lên đời thêm tầm 2 phiên bản Android là hết.
Kể cả các dòng flagship (ví dụ như con Galaxy Note 8 của mình đây, ban đầu chạy Android 7, hiện tại thì dừng lại ở Android 9 và chỉ nhận thêm các cập nhật về bảo mật mà thôi, mặc dù cấu hình khá mạnh: RAM 6GB, chíp Exynos 8895).
Lưu ý: Phiên bản HĐH mới bao giờ cũng có những tính năng ở phiên bản cũ, có thể nó sẽ lược bỏ những thứ ít dùng hoặc đã lỗi thời để cải tiến những tính năng tiện lợi hơn, nên chắc chắn rằng việc cập nhật không bao giờ là “lỗ” thưa các bạn.
Vậy hãy cùng mình tìm hiểu xem, lý do là gì mà mình lại khuyên bạn nên ưu tiên mua những smartphone mới ra, chạy Android Snow Cone thay vì tìm các flagship cũ, flagship xách tay “vang bóng một thời” nhé.
#2. Sơ bộ về tính năng mới trên Android 12
// Mình nói đến Android 12 là vì nó sắp là phiên bản mới nhất ở thời điểm hiện tại. Còn về sau này, với bất kỳ một phiên bản Android mới hơn thì bạn cũng nên nâng cấp lên bản mới nhất mà máy hỗ trợ nhé.
Hiện tại thì mình đang dùng Android 9 OneUI của Samsung nhưng mình thấy tính năng/giao diện cũng khá là ok, nên mình không đề cập nhiều những thứ bề ngoài của HĐH nữa ha.
Những tính năng mình liệt kê ở bên dưới có thể ở những phiên bản Android cũ hơn cũng đã có rồi, nhưng mình xin khẳng định rằng, ở phiên bản mới thì chắc chắn nó sẽ được cải tiến để tốt hơn, có chăng là bạn chưa dùng quen nên không thích nó mà thôi:
- Gọi SOS: Bạn chỉ việc nhấn liên tục vào phím
NGUỒN
để gọi (số khẩn cấp bạn có thể tự thêm trong phần Cài đặt), thay vì như trên Android 11, bạn phải thực hiện nhiều thao tác: giữ nút Nguồn => chọn Gọi khẩn cấp => chọn Gọi 911 chẳng hạn. - Thêm bộ giải mã video tự động: Mình nói đơn giản thế này cho bạn dễ hiểu, nếu ứng dụng phát video không hỗ trợ HEVC thì Android 12 sẽ tự chuyển đổi video sang chuẩn cũ hơn để tương thích với nó.
- Hỗ trợ âm thanh dạng “không gian-spatial audio”: Hỗ trợ chuẩn MPEG-H, lên đến 24 kênh (thay vì chỉ 8 kênh như phiên bản trước).
- Định dạng hình ảnh mới AVIF: Hay còn gọi là AV1, nhằm thay thế chuẩn JPG truyền thống, chuẩn AVIF này hỗ trợ lưu trữ/nén file hiệu quả mà không giảm chất lượng hình ảnh nhiều.
- Cập nhật hệ thống Android OS trực tiếp: Thay vì phải chờ nhà mạng hay các hãng sản xuất smartphone làm bản cập nhật OTA/fFirmware đến người dùng, nói nôm na là bạn có thể cập nhật Android thông qua Google Play Store luôn!
- WebView chống theo dõi tốt hơn: WebView là thành phần mà nhiều ứng dụng sử dụng để hiển thị nội dung web ngay trên ứng dụng, nay với Android 12 thì các ứng dụng sẽ bị hạn chế khả năng theo dõi Cookie thông qua nó.
- Và còn rất nhiều cải tiến hữu ích khác trên phiên bản Android 12…
#3. Lời Kết
Không thể phủ nhận rằng, ngoài những cải tiến về chức năng, tính tiện lợi trong thao tác thì những thay đổi bên trong hệ thống mới là điều mình quan tâm nhất.
Với phiên bản Android mới nó sẽ tối ưu CPU/GPU tốt hơn, tiết kiệm Pin hơn, khởi động nhanh hơn, quản lý phân quyền chặt chẽ hơn, ngăn chặn theo dõi người dùng hiệu quả hơn,…
Ngoài ra, việc nâng cấp Android lên phiên bản mới nhất sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rủi ro về các lỗ hổng bảo mật. Điều mà ai cũng phải quan tâm !
Nếu các bạn vẫn cảm thấy mình đợi mãi mà chưa cập nhật được bản Android ưng ý thì mình khuyên bạn nên sử dụng Rom cook dành riêng cho máy, nhất là các máy flagship thì thị trường “ROM độ” rất sôi động, đặc biệt là cho phép bạn root thoải mái để tự tay tùy chỉnh sâu hơn vào hệ điều hành.
Còn nếu tài chính dư dả hơn thì các bạn nên lựa chọn những dòng máy doanh nhân để vừa có thể giải trí, vừa làm việc hiệu quả: Như dòng Note của Samsung có Galaxy SPen Suite đầy quyền năng, Galaxy Fold Z sang trọng, hay Oppo Find X màn hình cuộn đẳng cấp,…
Đọc thêm:
- iOS & Android: Nhiều điều lầm tưởng của người dùng !
- Tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử tên gọi của hệ điều hành Android
- Android gốc là gì? So sánh Android gốc với Android tùy biến
Vậy giờ bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: Có nên nâng cấp lên hệ điều hành Android mới không rồi nhé. Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn có những lựa chọn thật sáng suất cho riêng mình nhé 🙂
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com