Nhắc tới đất nước Nhật Bản thì không thể không nhắc tới những công nghệ, cũng như nền khoa học kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trên thế giới được.
Từ các ngành công nghiệp nặng cho đến công nghiệp chip bán dẫn, linh kiện điện tử, hay ngành công nghiệp phần mềm cũng không hề kém cạnh “ai”.
Nhưng có nhiều cái lạ lắm và mình cũng chưa giải thích được 🙂 Vậy nên trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm qua những thứ mà mình không hiểu tại sao Nhật Bản lại làm như vậy.
Mục Lục Nội Dung
#1. Về công nghệ màn hình
Nhắc tới màn hình thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Sony (nét như Sony), một hãng công nghệ đã cho ra đời những thiết bị nghe nhìn mang tầm cỡ quốc tế.
Điểm đáng chú ý là công nghệ màn hình của Sony (từ Tivi cho tới điện thoại) luôn nằm trong top những thiết bị có màn hình đẹp, hiển thị sắc nét và luôn đi đầu trong công nghệ.
Bạn thử nghĩ xem, trước đây có bao nhiêu hãng sẵn sàng trang bị màn hình 4K, công nghệ HDR10, đem công nghệ hình ảnh của Tivi trang bị lên cho những chiếc điện thoại của họ, và những gì mà người dùng nhận được là rất tuyệt vời.
Có thể nói, những trải nghiệm mang lại với người dùng là không có gì để bàn cãi.
Tất nhiên, để đánh giá một chiếc điện thoại đủ tốt thì không chỉ có màn hình không thôi, mà còn nhiều công nghệ/ trải nghiệm theo kèm khác nữa, đó cũng chính là lý do khiến Sony vẫn chưa thể thành công với những chiếc điện thoại của mình.
Nhưng có một vấn đề khó hiểu là: Sony vẫn chưa phải là nhà cung cấp tấm nền màn hình cho các nhà sản xuất lớn trên thế giới, kể cả những nhà sản xuất nhỏ. Mình thực sự không hiểu là vì họ không làm hay còn lý do nào khác?
#2. Công nghệ chụp ảnh trên điện thoại
Nhắc đến những thiết bị “đình đám” của Sony thì không thể không nhắc đến những chiếc máy ảnh được, những thiết bị quay phim/ chụp ảnh của Sony được phổ cập ở khá nhiều phân khúc khác nhau, dành cho dân chuyên nghiệp có, mà bán chuyên cũng có luôn.
Máy ảnh, máy quay phim của Sony luôn được tin dùng bởi các nhiếp ảnh gia, thợ quay phim chuyên nghiệp, hay cao hơn nữa là các Studio tầm cỡ thể giới như Hollywood cũng luôn có Sony.
Hiện nay, Sony cũng được xem là nhà cung cấp cảm biến máy ảnh lớn của thế giới (bao gồm trên cả các thiết bị di động). Và tất nhiên, những thiết bị thuộc hàng Flagship luôn xem Sony là sự lựa chọn hàng đầu cho thiết bị của họ.
Nhưng có một điều khó hiểu là khả năng chụp ảnh của điện thoại Sony chưa bao giờ được xem là tiệm cận với các hãng lớn. Lý do là gì?
Có rất nhiều phân tích, đồn đoán cho rằng: đó là do bộ phận phát triển máy ảnh của Sony không chịu chia sẻ công nghệ với bộ phận phát triển camera điện thoại. Tại sao lại như vậy nhỉ, thật sự khó hiểu?
#3. Công nghệ Pin (sạc được)
Như chúng ta đã biết, để các thiết bị điện tử có thể hoạt động được thì không thể thiếu đi những viên pin Lithium bên trong. Chính vì thế mà các hãng ngày càng quan tâm đến công nghệ của Pin hơn.
Và đúng như kỳ vọng của người dùng, Pin ngày càng trở nên “chất lượng” hơn: Dung lượng cao hơn, sạc nhanh hơn, bền hơn… Và có thể nói Trung Quốc đang làm rất tốt điều này !
Nhưng không nhiều người biết rằng thiết bị Pin Lithium thương mại đầu tiên là của Nhật Bản, và cũng từ đó Nhật Bản luôn là một quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và phát triển những công nghệ lưu trữ điện tiên tiến (ý mình đang muốn nói là Pin)
Nhưng lại một điều gây lú cho mình nữa là Nhật Bản cũng chẳng phải là quốc gia cung cấp Pin lớn trên thế giới, nhất là trên các thiết bị di động. Thậm chí Nhật còn đang cạnh tranh với Hàn và Trung để có được hợp đồng với hãng xe điện của Tesla.
Một đất nước thương mại hóa những viên “Pin sạc” đầu tiên và cũng luôn đi đầu trong công nghệ pin nhưng vẫn không đủ sức phát triển khả năng sản xuất, thực sự khó hiểu. Nhất là với tiềm lực kinh tế mạnh như Nhật !
#4. Chip nhớ
Những thiết bị lưu trữ phổ biến ngày nay như thẻ nhớ, usb, ổ cứng… đã trở thành thứ không thể thiếu đối với nhiều người, bởi ở bất kỳ đâu thì việc lưu trữ và sử dụng dữ liệu luôn là điều cần thiết (dù ít hay nhiều).
Trong thời đại 4.0 này, những dữ liệu như game, hình ảnh, video, hay phần mềm…. đều có dung lượng lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm Gigabyte (GB) dữ liệu đã không còn là gì quá to tát nữa.
Và chắc chắn là nó sẽ ngày càng phình to hơn do chất lượng hình ảnh/ âm thanh ngày càng tốt hơn…
Chính vì lý do đó mà công nghệ chip nhớ luôn là ưu tiên của các công ty công nghệ.
Samsung – một công ty công nghệ hàng đầu thế giới lớn mạnh như ngày hôm nay không phải là từ điện thoại, hay thiết bị gia dụng … mà là tử mảng chip nhớ. Vâng, mảng chíp nhớ mới là trọng tâm từ những ngày đầu phát triển của Samsung.
Nhưng có thể nhiều bạn chưa biết, công nghệ chip nhớ đầu tiên đến từ Nhật Bản, nó do một giáo sư làm việc tại Toshiba thiết kế ra, tuy nhiên đáng tiếc là nó đã không được công ty xem trọng.
Và vị giáo sư phát minh ra công nghệ chip nhớ này cũng rời bỏ công ty sau đó không lâu. Nhưng điều đáng tiếc hơn là không có công ty Nhật nào hào hứng với phát minh đó của vị giáo sư này cả.
Thời gian qua đi…..
Rất nhiều kỹ sư của Nhật với trình độ cao, những bộ não thiên tài về chip nhớ đã rời bỏ Hitachi, NEC hay thậm chí là Sony (những tập đoàn lớn của Nhật Bản).
Có rất nhiều đồn đoán rằng những kỹ sư này đã được Samsung thu nhận với những đãi ngộ tốt hơn rất nhiều ở Nhật, họ được tôn trọng hơn nên đã chuyển sang làm cho Samsung và Samsung có được như ngày hôm nay.
Một lần nữa, Nhật lại không chiếm được thế “thượng phong” trong ngành chip nhớ !
#5. Lời Kết
Vâng, trên đây là những điều khiến mình không thể hiểu được về những công nghệ của Nhật, là do bản tính, suy nghĩ hay vì lý do gì khác. Nếu nó diễn ra theo lẽ tự nhiên thì có lẽ, Nhật Bản bây giờ đã trở thành một gã khổng lồ trên bản đồ công nghệ thế giới rồi.
Lúc đó, Hàn hay Trung thực sự không có cửa để so với Nhật, nhưng đó chỉ là “nếu”, “nếu” và “nếu” thôi. Còn hiện thực như thế nào thì ai cũng đã rõ. Bởi lẽ không phải người phát minh ra đầu tiên đã là thành công, mà người áp dụng tốt mới là người chiến thắng.
Mình vẫn đang tiếp tục thu thập thêm dữ liệu, nếu đủ sẽ có tiếp phần 2, hi vọng các bạn sẽ đón đọc trên Blog Chia Sẻ Kiến Thức. Nếu bạn có bất kỳ điều gì khó hiểu về công nghệ Nhật thì hãy để lại comment bên dưới nhé. Xin chân thành cảm ơn 🙂
Đọc thêm:
- Nhật Bản: Ông trùm đứng sau ngành công nghiệp bán dẫn
- Tìm hiểu về Nhật Bản: Đất nước mặt trời mọc, xứ sở hoa Anh đào
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com