Vâng, chắc hẳn các bạn đã quá quen thuộc với các thuật ngữ như: Virus, Spyware, Trojan, Worm, Rootkit, Malware, Ransomware.. rồi đúng không
Mình biết nhiều bạn vẫn nghĩ rằng chúng đều là 1, chỉ khác nhau về cách gọi. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào tìm hiểu thì bạn sẽ thấy, chúng khác nhau nhiều đấy.
Không phải tự nhiên mà người ta lại đặt ra hàng tá các tên khác nhau để phân loại như vậy đâu, mà mỗi loại sẽ có một cách thức hoạt động khác nhau.
Vậy Virus, Spyware, Trojan, Worm, Rookit, Malware, Ransomware.. khác nhua như thế nào?
Mục Lục Nội Dung
#1. Spyware và Malware
+) Spyware (Phần mềm gián điệp), đây là một dạng phần mềm mà bằng một cách nào đó, nó được cài đặt vào máy tính của bạn.
Phần mềm này sẽ âm thầm thu thập dữ liệu cá nhân về hoạt động của bạn trên máy tính, điện thoại… (ví dụ như thông tin cá nhân, tài khoản trực tuyến, thông tin bạn nhập vào từ bàn phím)… và gửi về máy chủ của hacker.
Trước đây thuật ngữ Spyware được sử dụng rất phổ biến, nhưng Spyware giờ đã tiến hóa hơn xưa rất nhiều rồi, nó không chỉ đơn giản là thu thập dữ liệu nữa mà còn tấn công máy tính và làm nhiều điều tệ hại hơn thế.
Vậy nên thuật ngữ Malware được thay thế và cho Spyware.
+) Malware (Phần mềm độc hại). Nghe cái tên thôi là bạn cũng đã hình dung ra nó là gì rồi đúng không?
Vâng, bất kỳ phần mềm nào gây hại cho máy tính thì được gọi chung là Malware (mục đích của nó là thu thập dữ liệu, đánh cắp thông tin, tống tiền, tấn công máy tính, mã hóa dữ liệu…. nói tóm lại là để kiếm tiền bất hợp pháp từ những gì nó thu thập được).
Phần mềm độc hại Malware là cái tên chung của các loại Virus, Trojan, Worm, Rookit, Ransomware…
#2. Virus
Nói về virus thì có lẽ là nhiều người biết đến nhất, và tất cả các phần mềm độc hại nói chung thì mọi người thường quy về một mối, đọc là virus cho nó nhanh 🙂
Nhưng thực tế thì..
Virus là một chương trình có khả năng lây lan từ máy tính này sang máy tính khác.
Nó thường ở dạng file thực thi (*.exe) !
Virus thường được “đính kèm” vào một phần mềm nào đó (thường có trong các phần mềm c.r.a.c.k), và khi bạn chạy các phần mềm này thì virus sẽ bắt đầu lây lan và phát tán sang các file/ thư mục khác có trên máy tính.
Thông thường, phải có tác động của người dùng thì virus mới lây lan và phát tán được, ví như như khi bạn tải các phần mềm “chùa” về và cài đặt nó vào máy tính, hoặc là bạn nhấn vào các đường link trong Email spam, tải các file đính kèm trong Email và chạy nó….
Nói tóm lại là khi người dùng chạy file “có đính kèm virus” thì virus mới lây lan vào máy được.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, virus có thể tồn tại trong hệ thống và không gây hại gì cho máy tính/ điện thoại khi người dùng chưa mở nó lên.
#3. Trojan
Trojan thường được ngụy trang dưới dạng là một phần mềm hợp pháp để người dùng chủ động tải về và cài đặt nó.
Trojan không chỉ đánh cắp dữ liệu máy tính mà còn cho phép hacker xâm nhập vào hệ thống, điều khiển hệ thống…
Để hiểu rõ hơn về Trojan thì bạn hãy đọc bài viết này ha: Mã độc Trojan là gì? Cách phòng tránh Trojan hiệu quả
#4. Worm
Worm, hay còn gọi là sâu máy tính. Worm cũng tương tự như virus nhưng nó ở một “đẳng cấp” khác, nguy hiểm hơn virus rất nhiều.
Worm có thể tự nhân bản và tái tạo chính nó. Nếu như virus cần đến một tập tin để tấn công và lây nhiễm thì Worm là một chương trình hoạt động độc lập, không cần bất kỳ tập tin hay tác động nào từ người dùng mà nó vẫn có thể lây lan được.
Chỉ cần một máy tính trong mạng LAN bị nhiễm Worm là cả hệ thống đó sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm loại mã độc này.
Khi bị lây nhiễm Worm, mạng máy tính sẽ bị chậm lại (số lượng truy cập gia tăng do sâu gây ra), một số loại nguy hiểm hơn thì sẽ thực hiện xóa file, tự động gửi Email…
Worm chủ yếu lây lan thông qua các lỗ hổng bảo mật trên máy tính, phần mềm. Vậy nên bạn cần cập nhật chúng thường xuyên để an toàn cho dữ liệu của bạn nhé.
#5. Rootkit
Rootkit khá là thông minh khi nó biết cách ẩn mình trước các phần mềm diệt virus.
Rootkit thường được hacker sử dụng sau khi đã chiếm được quyền truy cập vào hệ thống máy tính.
Điều này cũng có nghĩa là Rootkit thường được kết hợp với các phần mềm độc hại như Worm, Virus hay Trojan… để che giấu sự tồn tại của chúng khỏi người dùng.
Có rất nhiều loại Rootkit khác nhau và chúng cũng hoạt động bằng những cách khác nhau. Một khi máy tính bị nhiễm Rootkit thì hacker sẽ có quyền kiểm soát máy tính của bạn, rootkit cũng có khả năng chạy từ xa các file và thay đổi cấu hình hệ thống máy tính…
#6. Ransomware
Ransomware là phần mềm tống tiền rất đình đám trong năm 2017 và không ngừng có thêm những biến thể rất nguy hiểm trong những năm trở lại đây.
Loại phần mềm độc hại này sẽ tấn công vào máy tính, sau đó mã hóa dữ liệu, chiếm quyền kiểm soát máy tính và yêu cầu người dùng trả tiền thì mới lấy lại được dữ liệu.
Vâng, nghe thôi đã thấy phần mềm này rất bì ổi rồi phải không ạ >.<
#7. Lời Kết
Qua bài viết này thì bạn đã biết sự khác nhau giữa Virus, Spyware, Trojan, Worm, Rootkit,.. rồi phải không nào.
Theo thống kê thì có đến hơn 97% máy tính, điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại là do yếu tố người dùng, chỉ 3% nguyên nhân còn lại là do yếu tố phần mềm/ hệ điều hành (lỗi thời/ hacker khai thác được lỗ hổng).
Vậy nên, việc nâng cao nhận thức khi sử dụng máy tính và Internet vẫn là quan trọng nhất. Phần mềm bảo vệ cũng chỉ là một phần thôi, quan trọng là cách bạn sử dụng thế nào !
- Serie cách bảo mật thông tin cá nhân
- Kinh nghiệm bảo mật máy tính, bảo vệ dữ liệu cực hay !
- 13 lưu ý bạn PHẢI BIẾT để luôn được AN TOÀN TRÊN INTERNET
- Lý do bạn nên hạn chế sử dụng phần mềm Crack và bẻ khóa phần mềm?
Kiên Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com