Kể từ khi xuất hiện phổ biến trên thị trường vào những năm 2013, đồng hồ thông minh (smartwatch) được hứa hẹn là sẽ có những bước phát triển vượt bậc về công nghệ, cũng như là sự quan tâm đặc biệt từ phía người dùng.
Thậm chí nhiều người còn hi vọng là nó có thể thay thế được điện thoại thông minh trong một số trường hợp. Nhưng sau hơn 8 năm phát triển thì dường như không có quá nhiều điều lớn lao nào được tạo ra.
Mục Lục Nội Dung
#1. Hạn chế quá lớn về kích thước
Điểm yếu chí mạng của đồng hồ thông minh đó chính là kích thước.
Vâng, nó phải nhỏ gọn, thời trang, phải không quá nặng… có như vậy người dùng đeo vào mới cảm thấy thoải mái và đúng như với chức năng của nó, là đồng hồ đeo tay. Chính vì thế, smartwatch hướng tới rất nhiều thứ liên quan đến trải nghiệm người dùng:
Màn hình: Kích thước màn hình quá bé để có thể trải nghiệm những nội dung cần thiết.
Hiện nay, phần lớn các đồng hồ thông minh chỉ hiển thị những nội dung đơn giản như nhịp tim, định vị, thông báo cuộc gọi, trả lời cuộc gọi, các kết nối với thiết bị trong cùng hệ sinh thái….
Việc đọc báo, lướt web hay xem Youtube là có thể làm được, nhưng tất nhiên là chỉ mang tính chất “cho có” thôi, bởi bạn không thể xem với màn hình quá nhỏ như vậy được.
Bo mạch quá nhỏ: Việc thiết kế bo mạch chủ phải nhỏ đi cùng với đó là hạn chế về tản nhiệt linh kiện bên trong nên hiệu năng của hệ thống cũng phải làm giảm đi để đảm bảo việc không bị nóng hay hao Pin trong quá trình sử dụng.
#2. Giá thành quá cao
Hiện nay, những chiếc đồng hồ thông minh có đầy đủ chức năng như nghe gọi, chơi nhạc, nhắn tin và các chức năng giải trí, hoặc theo dõi sức khỏe có giá không hề rẻ.
Như Samsung Galaxy Watch 3 có giá rơi vào khoảng 8 – 9 triệu đồng. Với giá này người dùng đã có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại tầm trung, với đầy đủ tính năng không thiếu thứ gì, thậm chí là ngang hàng với flagship.
Giá đó là còn thấp đấy, bạn thử động đến Apple Watch thử xem, nóng bỏng tay 🙂
Mà như mình đã nói bên trên, những trải nghiệm mà smartphone mang lại là ăn đứt hoàn toàn những chiếc đồng hồ thông minh, vậy nên rõ ràng là không nhiều người chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn như vậy để đem về một thiết bị mang tính thời trang là nhiều.
Vẫn biết là so sánh đồng hộ với điện thoại nó hơi khập khiễng, nhưng xét về tính ứng dụng thực tế và tính kinh tế thì rõ ràng là như vậy !
#3. Hỏng hóc bởi tác động bên ngoài
Lại một điểm yếu dễ nhận thấy nữa của đồng hồ thông minh, đó là gần như 80 – 90% thời gian bạn sử dụng chúng trong ngày là đeo trên tay.
Chẳng ai mua đồng hồ thông minh mà bỏ trong túi hay cất trong balo cả, có đúng không ạ. Vậy nên smartwatch tiếp xúc thường xuyên với môi trường như nắng mưa, bụi bặm hay thậm chi là va đập.
Đồng ý là có tính năng chống nước, bụi hay kính cường lực nhưng chỉ là tính năng mà thôi, chứ chúng hoàn toàn không phải là thứ để đảm bảo cho đồng hồ không bị vấn đề về các tác động bên ngoài.
So với điện thoại thì rõ ràng là đồng hồ sẽ phải dầm mưa dãi nắng và chịu các tác động vật lý nhiều hơn rất nhiều.
Nói tóm lại, không được như kì vọng, đồng hồ thông minh phát triển cho đến thời điểm này thực sự không mang lại nhiều sự thay đổi so với thị trường công nghệ nói chung.
Chúng giống như là một sự thêm thắt, một chút gia vị cho thị trường công nghệ mà thôi, hay về góc độ kinh doanh với các nhà sản xuất thì như là một khoản thu thêm và không có tính ảnh hưởng tới các chiến lược sản xuất hay kinh doanh.
Còn về phía người dùng thì nó như một món thời trang công nghệ là chính và có chăng là dành cho fan một hãng nào đó, hay đơn giản là yêu thích công nghệ mà thôi.
Rất hi vọng là trong thời gian tới, khi công nghệ chip xử lý đang ngày càng mạnh mẽ thì các nhà phát triển sẽ tìm được cách khiến những chiếc đồng hồ thông minh làm được nhiều việc hơn thế, thông minh hơn, để chúng đạt được những kì vọng mà chúng ta mong chờ.
Cùng mơ về một ngày như trong phim khoa học, những chiếc đồng hồ nhỏ xíu có thể chụp ảnh, xem phim một cách thực thụ 😀
Đọc thêm:
- Tại sao Youtube lại ẩn số lượng Dislike trên các video?
- Tại sao Netflix lại thành công ở thị trường Việt Nam?
- Apple và đế chế tai thỏ: Bạn nghĩ sao về tai thỏ trên Macbook?
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com