Trong bài viết về Exynos 990 và Snapdragon 865 lần trước thì mình đã chỉ ra cho các bạn rất nhiều điểm khác biệt trong việc trải nghiệm giữa 2 chiếc máy Samsung Galaxy S20 sử dụng 2 hai phiên bản chip này rồi.
Có thể nói rằng chưa bao giờ khoảng cách sức mạnh và trải nghiệm của 2 con chip này lại khác nhau đến như vậy.
Vậy thì vì lí do gì mà sau nhiều năm chạy theo cái bóng của Qualcomm, Samsung vẫn chưa từ bỏ ý định phát triển chip cho riêng mình?
Đọc thêm:
- So sánh chip Exynos và Snapdragon: Chip nào tốt hơn?
- Tại sao chip của flagship cũ không được dùng cho máy tầm trung mới?
#1. Samsung Exynos
Đây là thương hiệu chip được Samsung sử dụng trên hầu hết các thiết bị di động của mình, gồm cả Tablet và smartphone.
Exynos được sử dụng từ rất lâu về trước rồi, mình nhớ không lầm thì từ thời Galaxy Note 3 Neo của mình hồi trước cũng có Exynos rồi thì phải.
Samsung cũng sử dụng con chip Exynos cho các phân khúc khác nhau như Qualcomm Snapdragon. Tuy nhiên, Samsung Galaxy S và Samsung Galaxy Note hàng năm của họ sẽ sử dụng cả 2 con chip Exynos và Snapdragon, tùy thị trường.
Exynos từng cứu Samsung thoát khỏi thảm họa mang tên Snapdragon 810 (từ hồi Galaxy S6), và năm sau đó là Snapdragon 820.
Các hãng phụ thuộc con chip của Qualcomm như Sony, LG hay HTC đều đã và đang ở dưới đáy thị phần rồi. Một thắng lợi vẻ vang cho đội ngũ của Exynos. Nhưng mà thắng lợi có lẽ chỉ dừng ở đó mà thôi.
- Samsung Galaxy S8, S8+ và Samsung Galaxy Note 8 với con chip Exynos 8895 và Snapdragon 835.
- Samsung Galaxy S9, S9+ và Note 9 với Exynos 9810 và Snapdragon 845.
- Samsung Galaxy S10, S10+, S10 5G, S10+ 5G, Samsung Galaxy Note 10, Note 10+, Note 10 5G, Note 10+ 5G với Exynos 9820, 9825 và Snapdragon 855
=> Kết quả là đều cho ra những trải nghiệm khác biệt nhau !
Và đương nhiên, chiến thắng thuộc về máy chạy Snapdragon. Giống như kèo Apple A với Qualcomm Snapdragon vậy.
Và cho tới năm nay, Exynos 990 và Snapdragon 865 trên Samsung Galaxy S20, S20 Plus và S20 Ultra cũng đã cho những trải nghiệm khác nhau quá rõ rệt ở nhiều khía cạnh như: nhiệt độ, khả năng xử lí đồ họa, pin tiêu thụ, và cả hiệu năng cơ bản nữa…
Các bạn có thể tham khảo lại bài viết so sánh Exynos 990 với Snapdragon 865 mà mình đã viết trước đó để thấy sự khác biệt cụ thể nhé.
Và để các bạn thấy rõ sự nghiêm trọng, thì người dùng Samsung đã tạo ra một trang web bỏ phiếu yêu cầu Samsung chỉ cung cấp flagship chạy Snapdragon trên toàn thế giới, Samsung Galaxy S20 Serie ngay tại sân nhà Hàn Quốc sử dụng Snapdragon,….
Rất nhiều các vụ việc tương tự đã xảy ra, cho thấy sự khác biệt này tới người dùng phổ thông cũng có thể nhận ra.
Vậy một câu hỏi đặt ra là con chip Exynos khá là ê chề như vậy, tại sao Samsung vẫn cố gắng giữ lại con chip này?
#2. Lí do Samsung vẫn giữ lại Exynos
Mình đã có bài viết về việc tại sao các OEM muốn tự sản xuất chip riêng rồi, nhưng Samsung sẽ có nhiều hơn những lí do đó để quyết định giữ lại Exynos. Cụ thể như sau:
Như bài viết trước mình đã đề cập, Samsung làm chip ra để bán. Với việc họ đang là top một thị phần Smartphone thì với việc bán thêm mảng chip nữa thì không còn gì bằng, lãi hơi bị to luôn.
Không chỉ vậy, Vivo và Huawei cũng đã từng mua Exynos để lắp trên các thiết bị của họ, và sắp tới có thể là cả Google Pixel cũng sẽ mua Exynos để dùng nữa.
Tiếp theo là để tránh sự phụ thuộc: Như cái cách mà Exynos 7420 đã cứu Galaxy S6 trước thảm họa Snapdragon 810, thiết nghĩ việc giữ Exynos vẫn là nên làm đối với Samsung.
Tiếp nữa là công nghệ riêng: Thị trường Snapdragon của Samsung S và Samsung Note của Samsung không quá lớn, nhưng cũng không hề nhỏ.
Họ có sử dụng công nghệ sạc nhanh riêng và công nghệ bảo mật KNOX trên máy chạy Exynos, nhưng cũng chỉ có thế mà thôi, để tránh sự khác biệt tính năng và bảo mật quá lớn.
Và sự khác biệt lớn nhất khiến Samsung buộc phải sử dụng song song chip Exynos và Snapdragon cho Galaxy S và Note đó là phương thức truyền tải.
Các tin nhắn văn bản trên mạng di động của chúng ta luôn được truyền đi trên 1 trong 2 loại tín hiệu: CDMA và GSM. CDMA sẽ phổ biến hơn ở 1 số lượng lớn các nước châu Âu, và GSM sẽ phổ biến với phần còn lại của thế giới.
Qualcomm Snapdragon đơn giản là ngay từ khi mới phát triển, họ đã hướng tới đối tượng người dùng của thị trường nhà, nên khả năng truyền tải dữ liệu trên sóng CDMA của Snapdragon là tốt hơn, và là chuẩn mực cho các con chip khác nếu muốn bán ở châu Âu.
Còn Exynos không tích hợp CDMA vào chip để giảm gánh nặng cho chuỗi cung ứng, chỉ vậy mà thôi. Hai loại chip này sẽ được cung cấp cho 2 loại thị trường khác nhau, có thể nói là lợi ích cho cả 2 bên.
Vậy nếu không bỏ, Samsung định sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Vấn đề của họ ở đây là sự tùy biến cho Exynos là rất tệ. Dùng cùng lõi CPU với Snapdragon, và sử dụng GPU Mali thay vì Adreno của Snapdragon, hầu hết sự cách biệt trải nghiệm của 2 chiếc máy này đến từ việc xử lí đồ họa và nhiệt độ.
Gần đây, họ đã cho biết việc đang phát triển Exynos riêng cho Google Pixel, tức là Google cũng có thể sẽ giúp Samsung tùy biến chip.
Việc sử dụng Snapdragon sẽ làm giới hạn công nghệ của Google Pixel, nên việc họ hợp tác với Samsung cũng sẽ mang đến những lợi ích Win-Win cho đôi bên.
Cũng mong là sản phẩm tiếp theo của Samsung Exynos không phải là một nỗi thất vọng cho cả fan Samsung và fan Google.
#3. Lời Kết
Vâng, đó là những ý kiến của mình về lý do mà Samsung vẫn còn giữ lại con chip Exynos cho tới tận bây giờ.
Còn bạn thấy sao? Exynos có nên được tiếp tục phát triển nữa không? và bạn có chấp nhận được những máy sử dụng con chip này không? Hãy để lại comment phía bên dưới bài viết nhé !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com