Trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về một đất nước khá quen thuộc và gần gũi với đất nước ta – đó chính là đất nước Campuchia. Vùng đất này đang ẩn chứa những điều thú vị gì, hãy cùng mình khám phá ngay trong loạt bài viết này nhé !
#1. Quốc gia nghèo
Campuchia sở hữu chiếc sổ đỏ đứng thứ 88 trên thế giới, với diện tích là 181.035 km2 và dân số ước tính khoảng 16.612.558 người, xếp hạng 65 thế giới.
Với tổng GDP quốc gia chỉ vào khoảng 20.953 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.308 USD mỗi năm. Khá là thấp so với thế giới !
Đất nước này đang xếp ở mức chót trong danh sách những quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp và nếu không có sự cải thiện thì Campuchia sẽ bị liệt vào nhóm những quốc gia có thu nhập thấp.
Nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia cũng nắm vị trí đứng đầu bảng (từ dưới lên), xếp ngay sau Myanmar, Lào và Việt Nam.
#2. Quốc gia Phật giáo
Như mình đã nói ở nhan đề của bài viết, quốc giáo của Campuchia là Phật giáo, với khoảng 15,7 triệu dân là Phật tử và chiếm khoảng 96% dân số của quốc gia này.
Người Campuchia quan niệm con trai khi đủ 12 tuổi sẽ phải đi tu để trả hiếu cho cha mẹ. Thời gian đi tu không giới hạn cụ thể, có thể từ 3 năm, 3 tháng hay 3 tuần chứ nhất định không được là 3 ngày ?.
Với triết lý: “ Cái gì không phải của mình thì mình không lấy”, người Khmer chiếm khoảng 90% dân số có tính cách rất thật thà, chất phác, rất ít khi trộm cắp.. nhất là đối với các tài sản chung và tuyệt nhiên là không bao giờ có ý định với các tài sản của chùa chiền.
Ngoài Phật giáo là quốc giáo ra thì còn có một số nhỏ lượng người theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, hay Kito giáo.
#3. Chế độ mẫu hệ
Campuchia là đất nước vẫn đang duy trì chế độ mẫu hệ. Nếu bạn chưa biết thì chế độ mẫu hệ nói một cách đơn giản sẽ là người con sẽ mang họ của mẹ, phụ nữ sẽ lấy chồng sau đó anh chồng bắt buộc phải ở rể mà không được ý kiến gì hết.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải phân biệt chế độ mẫu hệ không có nghĩa là mẫu quyền, tức là người phụ nữ sẽ có tiếng nói nhất và là trụ cột của gia đình. Mà thay vào đó, cánh mày râu bên Campuchia vẫn được coi như trụ cột của gia đình, và có tiếng nói không thua kém gì các chị em.
Không chỉ tại Campuchia, một số dân tộc ở Việt Nam ta cũng duy trì chế độ mẫu hệ. Người Campuchia cho rằng phong tục này bắt nguồn từ sự tích núi Chàng ( Phnom Pros ) và núi Nàng ( Phnom Srey ) ở tỉnh Kampong Cham, sự tích này có nét khá tương đồng với sự tích Ao Bà Om ở Trà Vinh nước ta.
Chuyện kể rằng vào mùa hạ, một số người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa Nam và Nữ để giải hạn, và cũng là để quyết định bên nào thua sẽ phải đi hỏi cưới bên kia.
Và vẫn với cái mô tip quen thuộc như các câu chuyện cổ tích, bên Nam cậy rằng có sức khỏe vừa làm vừa chơi nên đã thua bên Nữ được lãnh đạo được một chị tên Om, và từ đó cái ao được gọi là ao chị Om, hay sau này được gọi là ao bà Om.
Câu chuyện của Campuchia chỉ khác ở chỗ thay vì đào ao người ta lại đi đắp núi mà thôi ᵔᴥᵔ
#4. Đền Angkor Wat
Khi nhắc tới Campuchia, biểu tượng đầu tiên người ta nghĩ tới chắc chắn sẽ là đền Angkor Wat – công trình được in trên quốc kỳ của Campuchia từ năm 1850.
Tiện nói về quốc kỳ, Angkor Wat là một trong 2 công trình duy nhất trên thế giới được in trên quốc kì, bên cạnh hình vẽ tượng trưng một nhà thờ Hồi giáo trên quốc kì Apganixtan.
Angkor Wat hay Nokor Wat có tên đầy đủ là Prasat Angkor Wat, trong tiếng Campuchia nghĩa là thành phố của những ngôi đền.
Đây là một quần thể đền đài, đồng thời cũng là di tích tôn giáo lớn nhất còn tồn tại cho đến ngày nay với tổng diện tích là 162.6ha
Bao quanh đền Angkor Wat là một hào nước rộng tới 190m. Di tích được nhân dân Campuchia xây dựng vào thế kỉ XII, dưới thời cai trị của vua Khmer Suryavarman II như một đền thờ Ấn Độ giáo cho đế quốc Khmer, nhưng sau này dần dần trở thành một đền thờ Phật giáo từ cuối thế kỷ XII.
Angkor Wat đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1992, khu quần thể Angkor Wat không chỉ là niềm tự hào của người dân Campuchia, mà còn được xem như kho báu của làng khảo cổ thế giới thông qua việc hé mở về công nghệ xây dựng của các đế quốc cổ đại.
Người ta ước tính rằng quần thể kiến trúc Angkor tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn sa thạch, được xây dựng trong 35 năm với sự tham gia của 300.000 nhân công, cùng 6.000 đồng chí voi.
Mặc dù phải mất tới hàng trăm năm theo tính toán của các nhà khoa học với công nghệ xây dựng thời đấy, tuy nhiên nhờ có một hệ thống kênh rạch đã giúp đẩy nhanh tiến trình.
Cụ thể, với việc nhờ vào sức nước người ta thay vì chuyển một khối đá nặng 1,6 tấn đi xa 30km mất tới 5 ngày thì nay giảm xuống chỉ còn trong 10 tiếng, và nó giúp cải thiện thời gian hoàn thành công trình sớm hơn dự tính 120 năm.
Và dù đã biết cách thức người Khmer cổ di chuyển những tảng đá, nhưng cách họ liên kết chúng mà không cần đến vôi vữa vẫn khiến cho các nhà khoa học đau đầu.
Dù có ý nghĩa to lớn như thế nhưng trước khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Angkor Wat được xem như điểm nóng của hành vi trộm cắp cổ vật. Nhiều bức tượng lớn nhỏ ở đây đã bị chặt mất đầu để bán cho các nhà sưu tầm cổ vật.
Trên đây là bài viết của mình về những điều thú vị về đất nước Campuchia. Bạn có thấy thích đất nước này hay không, hãy nêu ý kiến của các bạn ở bên dưới phần comment nhé !
Chúc các bạn có thêm nhiều thông tin thú vị khi ghé thăm Blog !
CTV: Trần Quang Phú – Blogchiasekienthuc.com