Cần phải lưu ý những gì khi dịch Tiếng Anh?
Dịch thuật ngôn ngữ nói chung và dịch thuật tiếng Anh nói riêng không hề đơn giản chút nào. Đôi khi người dịch có thể sẽ rơi vào tình trạng như “cá mắc cạn” bởi câu, từ hay một cấu trúc ngữ pháp nào đó.
Mọi việc đều phải có phương pháp và kỹ thuật của riêng nó. Dịch thuật tiếng Anh cũng vậy, cũng đòi hỏi những điều cần lưu ý khi dịch tiếng Anh. Vậy cụ thể thì cần lưu ý những gì, mời bạn cùng mình tìm hiểu thông qua bài viết này ha !
Mục Lục Nội Dung
Những kinh nghiệm hay khi dịch Tiếng Anh
Dưới đây là những kinh nghiệm mà mình được dậy, cũng như những kinh nghiệm mà mình đúc rút được trong quá trình học tập và làm việc. Ngoài những kinh nghiệm này ra, nếu bạn còn biết thêm mẹo nào hay khác thì hãy chia sẻ dưới phần comment ha 🙂
#1. Xác định thể loại văn bản
Trước khi tiến hành dịch thuật thì người dịch phải xem xét xem văn bản nguồn thuộc thể loại nào cái đã, để khi chuyển sang văn bản đích mới có thể diễn đạt đúng như phong cách ấy.
Chẳng hạn văn bản nguồn nói về một bài báo về giáo dục thì văn bản đích cũng phải dịch sao cho giống một bài báo giáo dục, còn văn bản nguồn là một câu chuyện hài hước thì người dịch cũng cần bảo đảm khi dịch ra văn bản đích cũng là một câu chuyện có tính chất nhí nhảnh, hài hước một chút…
Cho nên, việc xác định thể loại văn bản là công đoạn đầu tiên trước khi bắt tay vào dịch. Mà muốn xác định được thể loại (style) văn bản thì bạn cần phải căn cứ vào tiêu đề văn bản, cũng như nội dung chính của văn bản đó.
#2. Tìm ý chính của văn bản
Việc tìm ý chính hay nội dung chủ đạo của toàn văn bản là điều không thể thiếu để sàng lọc những ý cốt lõi trước khi tiến hành dịch thuật. Ý chính của văn bản thường ở các đoạn văn mở đầu hoặc kết thúc, đưa ra quan điểm, suy nghĩ, kết luận của người nói về một vấn đề cụ thể nào đó.
Tại sao phải tìm ý chính văn bản trước khi dịch?
Vâng, tìm ý chính văn bản để biết đoạn văn thuộc thể loại văn nói, văn viết, chính thức hay không chính thức. Từ đó ta có hướng điều chỉnh về việc sử dụng ngôn từ sao cho phù hợp.
Ví dụ một văn bản thuộc lĩnh vực nghệ thuật thì chắc chắn ngôn từ sẽ phải bay bổng và mượt mà hơn là một văn bản viết về chính trị, hay các vấn đề về xã hội.
Không những vậy, việc tìm ý chính của văn bản còn giúp người dịch có thể tìm được bản dịch tương ứng trong văn bản đích, để khi dịch ra mà như thể là tự nghĩ để viết ra vậy.
#3. Đánh dấu các cụm từ, các ý cơ bản của đoạn văn
Có thể bạn sẽ thấy rằng việc đánh dấu các từ và các ý cơ bản của văn bản nguồn sẽ làm bạn mất nhiều thời gian để dịch.
Nhưng thực chất là bạn đang dịch và điều trước mắt là phải kiểm tra xem có những cụm từ nào khó hay không, các ý cơ bản là gì để áp dụng các kiểu dịch phù hợp. Trong tiếng Anh có chín kiểu dịch cơ bản sau đây, bạn có thể tìm hiểu thêm để áp dụng:
+ Dịch từng từ đơn lẻ (word-by-word translation): Dạng dịch thuật này chỉ áp dụng để dịch các danh từ đơn giản, dễ hiểu cũng mang những nét nghĩa độc lập và “đơn lẻ”. Chẳng hạn như với các từ vốn dĩ là các từ đơn, các từ chỉ ngôi, nhân xưng, các từ mang nghĩa gốc.
+ Dịch nghĩa đen (literal translation): Cũng gần giống như dịch từng từ đơn lẻ, dịch nghĩa đen là dịch giống y hệt như nét nghĩa của từ phản ánh. Chẳng hạn như dịch cái cây là cái cây, cô ta là cô ta, bông hoa là bông hoa…
+ Dịch theo ngữ nghĩa học (semantic translation): Kiểu dịch này đòi hỏi người dịch cần phải có con mắt chú ý sát sao và đầu óc phân tích tốt trước khi áp dụng. Xét theo ngữ nghĩa học một từ có thể được dịch theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng cần tùy thuộc vào hoàn cảnh của văn bản.
+ Dịch thoáng (communicative translation): Dịch thoáng không yêu cầu người dịch phải bám sát nghĩa 100% nhưng với điều kiện cần phải làm sao cho đoạn văn được trôi chảy và mượt mà.
+ Dịch theo nghĩa thành ngữ (idiomatic translation): Đây là kiểu dịch có thể dễ dàng áp dụng khi bắt gặp các cụm câu thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Anh. Chỉ cần đòi hỏi người dịch nắm chắc nội dung về thành ngữ của hai ngôn ngữ là sẽ hoàn thành tốt bản dịch.
+ Dịch tự do (free translation): Kiểu dịch tự do cũng giống như kiểu dịch thoáng, đều không bó buộc về việc dùng các ngôn từ để diễn đạt. Kiểu dịch này cũng có thể tùy thuộc vào cách xử lý và ứng phó của từng người dịch khác nhau.
+ Dịch mô phỏng (adaptation translation): Đây là kiểu dịch gần như không được sát nghĩa cho lắm. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần phải sử dụng kiểu dịch này để giúp cho văn bản thêm phần sinh động, lời văn uyển chuyển chứ không khô khan hay cứng nhắc.
+ Dịch ý chính (gist translation): Kiểu dịch này yêu cầu người dịch cần biết sắp xếp và lựa chọn ý trong văn bản để làm sao bản dịch đầy đủ và chính xác nhất có thể.
Các ý không bị thừa mà cũng không bị thiếu, bảo đảm phù hợp với cấu trúc câu của từng loại ngôn ngữ. Chẳng hạn như tiếng Anh cần chọn câu cú sao cho ngắn gọn và súc tích song người Việt lại ưa chuộng lối nói sâu sắc, văn hoa lá cành một chút.
#4. Xác định mục đích của văn bản
Mục đích của văn bản là yếu tố cần thiết để một người dịch biết được đoạn văn hay bức thông điệp truyền tải đến ai, người nhận là ai. Khi biết rõ mục đích hướng đến những đối tượng nào, người dịch sẽ tìm được văn phong tương ứng và cách xưng hô trong văn bản.
Chẳng hạn như viết cho mọi người có thể xưng là chúng tôi, chúng ta (we), nhưng viết cho một người giám đốc nào đó phải xưng là ngài, là ông (sir). Chính vì thế mà việc xác định mục đích văn bản là không thể thiếu được.
Okay, trên đây là một vài kinh nghiệm hay khi dịch tiếng Anh. Có thể cách tiếp cận quá trình dịch của bạn sẽ khác mình, nhưng trên đây là những bước mà mình đã được thầy cô truyền lại để có bản dịch hiệu quả. Chúc bạn luôn cảm thấy hài lòng với bản dịch của mình !
CTV: Yên Tử – Blogchiasekienthuc.com