Công nghệ thông tin hiện đang là một trong những ngành học “hot” nhất trong những năm trở lại đây.
Nguyên nhân thì có lẽ các bạn cũng đã biết hết rồi. Một phần là do công cuộc chuyển đổi số của toàn xã hội, hai nữa là mức lương cho ngành IT thường cao hơn các ngành khác do đặc thù của ngành học này.
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó các bạn ạ! Các bạn cứ tưởng tượng xem, nếu ai cũng “có thể” học và làm được IT thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Mình chắc chắn là chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tại vì sao?
Học IT lương cao đấy, “hot” đấy, NHƯNG các bạn học đi rồi biết. Nó không dễ ăn như các bạn nghĩ đâu. Không phải cứ học ra là có việc đâu.
Nó khó ra phết đấy, mình từng gặp nhiều bạn đã bỏ học vì lý do học IT khó quá. Chính vì vậy, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 điều mà bạn nên làm khi bạn cảm thấy học IT quá khó. Tham khảo xem nó có giúp được gì cho bạn không nhé !
Mục Lục Nội Dung
#1. Dừng lại! và xem lại bạn có thực sự phù hợp với ngành IT?
Chúng ta đều biết rằng, công tác hướng nghiệp cho học sinh ở Việt Nam không là được tốt cho lắm.
Có nghĩa là phần đa các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đều chọn học đại học phù hợp với điểm số mà mình thi đại học chứ chưa chắc phù hợp với năng lực cũng như năng khiếu của bản thân.
Từ đó dẫn đến một hệ lụy là sau khi vào học, các bạn cảm thấy không hợp, khó rồi đâm ra chán học rồi bỏ học…
Mình từng gặp nhiều bạn như thế, những bạn tìm được hướng đi mới thì mình không nói. Mà ở đây mình đang muốn nói đến những bạn cảm thấy bế tắc và không phù hợp với ngành.
Khi đó các bạn nên làm gì?
Vâng. Theo quan điểm của cá nhân mình thì mình nghĩ là các bạn nên dừng lại, tự đặt ra câu hỏi xem bản thân mình có phù hợp với ngành học mà mình đã lựa chọn không. Vậy một câu hỏi khác được đặt ra là, hỏi như thế nào?
Dễ thôi! Bạn cảm thấy như thế nào khi đi học? hay là khi tìm hiểu về các kiến thức mà bạn đang học bạn thấy ra sao (chán, không hứng thú, cảm thấy khô khan chẳng có ích gì, hay là hào hứng, cảm giác muốn chinh phục…).
Nếu như bạn rơi vào tình trạng chán, không có hứng thú… thì bạn đã biết được kết quả rồi đấy. Nhưng mình khuyên bạn nên làm thêm một bước. Đó là hỏi bạn bè, thầy cô của bạn (đặc biệt là những người đã đi làm, có kinh nghiệm) tư vấn thêm cho bạn.
Sau khi nhận được những lời tư vấn rồi mà bạn vẫn cảm thấy chán thì mình nghĩ là bạn nên tìm một hướng đi khác. Xem bạn đam mê về cái gì nhất, bạn thích làm về cái gì, những lúc rảnh rỗi thì bạn hay làm gì?..
Đừng trói buộc bản thân trong định kiến là phải học để lấy tấm bằng, học cho xong rồi làm gì thì làm. Như vậy chỉ càng khiến cho bạn thêm chán và lãng phí thời gian mà thôi ! Thật đấy.
#2. Đây là tình trạng chung và bạn phải đối mặt
Nếu bạn đã trải qua được bước đầu tiên và xác định rằng bạn vẫn phù hợp với ngành IT khi bạn cảm thấy nó khó thì bạn phải hiểu đây là tình trạng chung, nhiều người ngoài kia cũng như bạn vậy, và bạn không đơn độc đâu.
Điều duy nhất bạn phải làm đó là đối mặt, trở nên lì lợm hơn. Mình nghĩ đây sẽ là thử thách lớn nhất trong giai đoạn này. Vì sao mình lại nói như vậy?
Vì khi cảm thấy khó, người ta thường có xu hướng buông bỏ, từ bỏ. Đây là tâm lý chung của con người mà, nhưng ai vượt qua được thử thách thì mình chắc chắn là họ sẽ phù hợp với ngành IT này.
Vì vậy lời khuyên của mình đó là nếu bạn đã xác định học IT thì bạn phải kiên trì, chịu khó, chịu khổ vì, tự mày mò nghiên cứu, vì đặc thù của ngành học này là tìm tòi, khám phá và tự học là chính.
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy bế tắc trong việc giải quyết một số vấn đề nào đó, lúc này bạn hãy tìm cách để giải tỏa căng thẳng bằng một việc gì đó, rồi quay trở lại “chiến đấu” tiếp.
Làm việc gì để cảm thấy thư giãn thì tùy thuộc vào mỗi người nên mình không có câu trả lời cụ thể được. Bình thường bạn làm gì khiến bạn cảm thấy vui và hanh phúc nhất thì những lúc khó khăn, buồn chán bạn hãy làm những việc đó nhé.
Ví dụ như mình, khi cảm thấy căng thẳng, áp lực thì mình hay đi bộ, chạy bộ hoặc là đi bơi.. Đây là những cách giúp mình đỡ stress hơn và giúp mình tỉnh táo hơn khi quay trở lại với công việc.
Hoặc là bạn cũng có thể tìm kiếm giải pháp trên mạng hoặc từ một ai đó. Cứ kiên trì rồi bạn sẽ dần yêu thích ngành IT này hơn thôi.
#3. Xác định lĩnh vực là thế mạnh của bạn
IT là một khái niệm rất rộng, khi học ngành IT bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn để theo đuổi.
Mình cũng đã có một bài viết về ngành học này. Các bạn có thể tham khảo để hiểu hơn trong bài viết: Tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNTT qua 5 câu hỏi kinh điển
Nói chung thì chuyên ngành IT nào cũng yêu cầu bạn phải có tư duy, đặc biệt là tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề để có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật.
Bạn không cần quá giỏi toán hay là quá thông minh đâu! Mình lấy ví dụ bạn xác định đi theo hướng Kỹ sư phần mềm (Software Engineer), cụ thể ở đây là lập trình ứng dụng di động (Mobile App) thì bạn sẽ nghiên cứu sâu về mảng này.
Tìm hiểu xem một ứng dụng di động hoạt động như thế nào, để tạo ra được một ứng dụng như thế thì cần những kiến thức cũng như công cụ gì. Cứ dần dần học hỏi bạn sẽ mở mang ra thôi !
#4. Cần cù bù thông minh
Mình đoán là nhiều bạn đã từng nghe người ta nói học IT phải thông minh thì mới học được, chăm chỉ thôi là không đủ đâu. Đúng! Nhưng mình không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Vì sao?
Thường những bạn thông minh thì họ tiếp cận vấn đề rất nhanh, họ tư duy rất nhạy bén. Mình cũng quen rất nhiều bạn như thế, thực sự rất “đáng sợ” vì nhiều thứ mình chưa kịp hình dung vấn đề thì họ đã có giải pháp rồi.
Nhưng bạn cũng đừng lo, không phải ai cũng thông minh như vậy đâu! Mình cũng chẳng phải là một người quá thông minh nhưng mình vẫn hằng ngày chịu khó học hỏi, cần cù bù thông minh, nhưng cũng cần lưu ý là các bạn phải cần cù đúng cách nha.
Thế nào là cần cù đúng cách? Tất nhiên không phải kiểu mọt sách đâu nha các bạn. Mình không biết các ngành học khác như thế nào nhưng học IT chủ yếu là các bạn phải tự học.
Các bạn nên đi sâu vào lĩnh vực sở trường, sau đó học rộng ra vì một sản phẩm công nghệ thông tin thường là cả một hệ thống, mà hệ thống thì lại bao hàm rất nhiều thứ.
Hãy cứ chăm chỉ tìm tòi khám phá nha các bạn, học IT chẳng cần thông minh quá đâu. Một câu nói rất hay mà mình muốn gửi tặng đến các bạn “Kiên trì còn quan trọng hơn cả sự tài năng” đấy !
#5. Nếu có điều kiện, hãy vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm
“Học đi đôi với hành” – trong ngành IT câu này phải nói chuẩn không cần chỉnh luôn. Có một hướng đi là theo hướng nghiên cứu, hướng này thường giành cho các bạn học cao lên, còn đa phần mình thấy nhiều bạn theo hướng là đi làm sau khi ra trường.
Mà đã đi làm thì phải có kinh nghiệm thực tế. Chắc các bạn cũng từng nghe việc nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên mới ra trường nhưng phải có kinh nghiệm rồi đúng chứ.
Nhiều bạn lại kêu ầm lên là em mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm. Xin lỗi nha! Ông hỏi mấy đứa bạn ông xem, năm 3, năm 4 chúng nó đã làm đông làm tây, còn ông thì ngồi nhà cày game bảo sao chưa có kinh nghiệm. Do mình cả thôi. OK !
Nói vậy không có nghĩa là cứ năm 3, năm 4 các bạn phải đi làm. Ở đây mình đang muốn nhấn mạnh rằng bạn làm thế nào thì làm, hãy tìm cách trang bị cho mình những kiến thức thực tế để sau khi ra trường không bị ngộp và đó cũng là một điểm cộng khi bạn định ứng tuyển vào bất kỳ công ty nào.
Bài viết cũng khá dài rồi, nói tóm lại là nếu bạn đã xác định theo học IT thì bạn phải kiên trì, lì lợm vào. Sẽ có lúc bế tắc đấy, nhưng vượt qua được thì bạn sẽ thấy học IT thực sự rất thú vị. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com