Chiếc điện thoại yêu quý của bạn “đã có tuổi” và đang có dấu hiệu xuống cấp khiến máy chạy rất chậm và lag, đơ liên tục dù chỉ là lướt web, xem Youtube hay thực hiện những tác vụ rất nhẹ nhàng.
Hoặc đơn giản là chiếc smartphone của bạn là một chiếc máy giá rẻ, nên việc giật lag khi sử dụng là điều khó tránh khỏi.
Nói đâu xa như chiếc Vsmart Star 5 mình mua năm ngoái. Nghe tin VinGroup dừng sản xuất điện thoại, mình muốn mua một em về để làm kỉ niệm và cũng tham khảo thấy nhiều anh em reviewer đánh giá khá ổn.
Nhưng mua về mới thấy, giật tung đít dù chỉ lướt Youtube với Facebook… Dùng thật sự rất khó chịu, hệ điều hành thì đơ đơ, lag lag, hay bị lỗi vặt. Đúng tiền nào của nấy !
Quay trở lại với nội dung chính, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số phương pháp giúp điện thoại của bạn chạy mượt mà hơn, ổn định hơn.
[Các bạn tham khảo bài viết này trước nhé]: Làm thế nào để tăng tốc điện thoại Android cũ?
Mục Lục Nội Dung
#1. Tắt thông báo ứng dụng
Đây là một trong nhân nguyên nhân gây khó chịu bậc nhất đối với những máy đời cũ hay cấu hình không được mạnh. Về cơ bản thì khi có mạng Internet, các ứng dụng có kết nối mạng sẽ tự động truy xuất dữ liệu trên máy chủ của ứng dụng.
Như Gmail thì truy xuất xem có Email mới hay không, Facebook thì thông báo các sự kiện mới, Shoppe thì các chương trình của Shoppe…. và đủ thứ trên đời nữa.
Điều đáng nói là tất cả chúng hoạt động này cùng một lúc, cùng một thời điểm. Điều này khiến bộ xử lý bị quá tải, Ram đầy lên nhanh chóng và máy sẽ khựng lại một tí, thậm chí là vài giây nếu máy đã cũ hay cấu hình yếu.
Để khắc phục điều này thì bạn hãy tắt hết các thông báo ứng dụng của những ứng dụng mà bạn cảm thấy không cần thiết: Như Facebook, Youtube, Gmail, Zalo….
Nó sẽ hạn chế rất nhiều việc giật lag, đặc biệt là khi bật mạng lên. Thay vào đó, bạn chỉ cần chịu khó check mail, check thông báo Youtube hay Facebook trực tiếp khi cần.
Phải chấp nhận đánh đổi thôi các bạn ạ, mặc dù điều này là hơi bất tiện so với việc bật thông báo, nhưng muốn cải thiện hiệu suất máy và không bị khó chịu thì đó là phương án tốt nhất rồi.
Mà mình thấy cho dù máy cấu hình khỏe và hoàn toàn đáp ứng được việc hiển thị thông báo thì bạn cũng nên tắt đi, nó sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả và năng suất hơn rất nhiều đấy, bạn sẽ không bị làm phiền bởi các thông báo này.
#2. Không nên xài ứng dụng giải phóng Ram
Có một sự thật là khi điện thoại bị lag và chậm thì rất nhiều người tìm đến các ứng dụng tối ưu điện thoại và có đến 90% chức năng chính của chúng chỉ là giải phóng Ram hay tắt app chạy ngầm.
Nhưng bạn quên mất rằng, bản thân những ứng dụng này cũng chiếm tài nguyên của máy, thậm chí với những ứng dụng không tối ưu tốt nó còn chiếm nhiều hơn nữa, đặc biệt là Ram.
Trên thực tế, với những máy chạy hệ điều hành Android thì khả năng tự động quản lý Ram của nó là khá ổn rồi. Còn khi máy lag, chậm (do thiếu Ram) thì có nghĩa là máy của bạn đã đến giới hạn rồi.
Lúc này bạn nên tắt thủ công các ứng dụng chạy ngầm và ngưng cài thêm quá nhiều các ứng dụng khác. Hãy gỡ bỏ bớt các ứng dụng không cần thiết và dọn dẹp lại điện thoại của bạn thay vì cài thêm các ứng dụng tối ưu.
Những phần mềm tối ưu RAM trên Android cũng khá tương tự với các phần mềm tối ưu trên máy tính Windows mà Admin đã chia sẻ trong bài viết này: Có nên sử dụng phần mềm tối ưu máy tính không?
NOTE: Ngoài ứng dụng tối ưu RAM ra thì các ứng dụng như Anti-virus, dọn rác, tối ưu, tăng tốc… bạn cũng không nên dùng trên những chiếc điện thoại như thế này nhé.
#3. Giảm bớt độ sáng màn hình và tắt hình nền động
Nghe có vẻ hơi vô lý đúng không nhỉ, nhưng lại đúng đấy các bạn ạ.
Với các điện thoại đời cũ hay máy giá rẻ thì khả năng tản nhiệt là cực kì kém, đây là điều mà chúng ta cần phải quan tâm.
Bởi máy đời cũ thì CPU được sản xuất trên tiến trình cũ, điện thoại dễ nóng lên dẫn tới việc bị bóp xung nhịp xử lý và quá nhiệt còn ảnh hưởng tới các linh kiện khác trong điện thoại.
Còn máy giá rẻ thì rõ ràng rồi, mức độ gia công tản nhiệt và chất lượng cũng chỉ ở mức gọi là “rẻ tiền” mà thôi.
Trên điện thoại có 2 thứ gây ra tình trạng nóng máy nhanh nhất đó là CPU và màn hình, màn hình khi hoạt động ở độ sáng cao liên tục nó tỏa không ít nhiệt.
Lượng nhiệt này sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới khả năng làm mát chung của CPU, nên việc bị bóp xung khi nóng lên là hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy nên hãy để một độ sáng vừa phải, đủ dùng, chỉ khi thực sự cần thiết thì hãy nâng lên nhé các bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng các hình ảnh tĩnh làm hình nên thay vì sử dụng hình ảnh động nhé các bạn.
#4. Giảm hiệu ứng khung hình chuyển động
Việc giảm hiệu ứng khung hình chuyển động sẽ khiến điện thoại của bạn chạy nhanh hơn vì đỡ phải chờ đợi thời gian chuyển đổi giữa các khung hình.
Nhưng trước tiên, các bạn cần kích hoạt chế độ Tùy chọn nhà phát triển
trước:
Thực hiện: Vào phần Cài đặt
=> Giới thiệu về điện thoại
=> sau đó nhấn 7 lần vào mục Số phiên bản
. Xem bài hướng dẫn chi tiết tại đây nếu bạn chưa làm được.
=> Sau đó bạn vào Tùy chọn nhà phát triển
rồi giảm tỉ lệ hình động về mức 0.0x
hoặc 0.5x
nhé !
#5. Thay pin
Apple từng có một Scandal, với việc khiến cho các iPhone đời cũ bỗng chạy chậm bất thường bằng việc bóp điện năng tiêu thụ của iPhone. Hay nói dễ hiểu hơn là họ đã cập nhật hệ điều hành iOS để khiến iPhone không nhận đủ điện để xài => hiệu năng của máy bị giảm đi rõ rệt.
Như vậy bạn có thể thấy tầm quan trọng của Pin đối với hiệu năng của một chiếc điện thoại rồi đúng không.
Qua một thời gian sử dụng, pin điện thoại sẽ chai dần đi và một trong những vấn đề khi Pin chai là nó không cung cấp đúng chuẩn mức điện áp cần thiết cho thiết bị hoặc không cung cấp ổn định.
=> Việc này ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu năng của chiếc điện thoại đó, vậy nên nếu có thể thì thay Pin chính hãng là điều tốt nên làm. Pin chai còn khoảng 75-80% là thay được rồi.
Nói tóm lại, không có một ứng dụng nào có thể khiến cho một chiếc điện thoại cũ, cấu hình thấp thực sự bớt chậm lag, cũng như không một chiếc điện thoại nào mà không chậm lag theo thời gian cả.
Mọi thứ đều bị hao mòn theo thời gian, và ứng dụng, hệ điều hành thì luôn được cập nhật theo năm tháng.
Những biện pháp trên chỉ là giải pháp tạm thời, không có tác dụng về lâu về dài. Vậy nên, với những chiếc điện thoại đã quá cũ, hay cấu hình không còn đáp ứng được nữa thì bạn nên cố gắng thay thế một chiếc khác phù hợp hơn nhé.
#6. Một vài mẹo nhỏ khác
- Tháo bỏ ốp lưng nếu có thể, vì ốp lưng ảnh hưởng khá nhiều đến việc tản nhiệt của máy.
- Tắt chế độ tự động điều chỉnh độ sáng màn hình (độ sáng tương thích). Thứ nhất là nó hao Pin, thứ 2 nữa là nó hoạt động rất NGỚ NGẨN trên các điện thoại giá rẻ.
- Mời các bạn bổ sung thêm 🙂
Đọc thêm:
- Cần lưu ý những gì khi ROOT điện thoại Android?
- Thủ thuật tăng tốc độ mạng từ điểm phát WiFi trên Android
- Chỉnh TỐC ĐỘ PHÁT VIDEO trên Facebook (PC & smartphone)
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn