Khi chọn mua TiVi hoặc màn hình máy tính, thường thì các bạn chỉ để ý đến kích thước màn hình (24, 32 hay là 55 inch,…) hoặc độ phân giải ra sao: HD, FullHD hay là 4K,… có đúng không nhỉ!
Nhưng các bạn có để ý rằng, có những màn hình màu sắc rất rực rỡ, có cái thì màu đen rất sâu, có cái thì khi xem những cảnh hành động rất đã mắt, có cái thì được dán hẳn mác Gaming,… Vâng, rất nhiều cảm nhận khác nhau giữa một rừng sản phẩm.
2021 rồi, những công nghệ về màn hình đã có những bước tiến rất dài, sự thay đổi không đơn thuần chỉ là từ màn hình lồi CRT sang màn hình phẳng LCD như thập kỷ trước nữa.
Chính vì thế, trong bài viết này mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu thêm về công nghệ màn hình manh tính cách mạng, gắn liền với cái tên huyền thoại “màn hình phẳng”/ flat screen: LCD nhé !
Đọc thêm:
- Sự khác nhau giữa màn hình OLED và AMOLED là gì?
- Cách kiểm tra lỗi màn hình và test các điểm chết trên màn hình Laptop
Mục Lục Nội Dung
#1. Màn hình LCD
LCD có cái tên đầy đủ là Liquid Crystal Display (công nghệ màn hình tinh thể lỏng) giúp màn hình máy tính, TV trở nên rất mỏng và gọn gàng.
Thay vì với kích cỡ của tủ lạnh-mini như màn hình CRT (nỗi ám ảnh của mình với màn hình này là nó hiển thị rất xấu, nhòe nhoẹt, nặng nề, mỏi mắt khi dùng lâu, phát ra sóng điện từ gây hại và đặc biệt nếu chẳng may có rơi sẽ gây nổ => văng kính chết người như chơi các bạn ạ @@).
Thay vì với hệ thống cồng kềnh của màn hình CRT (Cathode Ray Tube) để xuất hình ảnh ra màn hình: Ống Chân Không / Vacuum Tube, Súng Electron / Electron Gun Màn hình Huỳnh quang / Phosphorescent Screen thì màn hình LCD sử dụng Tinh thể lỏng / Liquid Crystal để điều chỉnh ánh sáng, rồi tạo ra màu sắc cho từng điểm ảnh.
Nguồn sáng mà lớp Tinh thể / Crystal sử dụng được tạo ra từ các bóng LED hoặc bóng đèn huỳnh quang (lưu ý là các bóng đèn nền này nhỏ hơn rất nhiều, cấu trúc khác so với các bóng LED trên các biển quảng cáo, hay bóng tuýp huỳnh quang nhà bạn sử dụng).
Công nghệ LCD trở thành quy chuẩn, và nó đã chiếm lĩnh thị trường trong một khoảng thời gian rất dài bởi vì tính đa dạng trong tùy biến, cũng như phân khúc giá thành.
Thành phần cốt lõi giúp LCD có được tính đa dạng đó là tấm nền / panel. Và trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ nhắc đến 3 tấm nền chính đó là: TN, IPS, VA thôi nha các bạn !
#2. Màn hình TN (Twisted Nematic)
Đại đa số màn hình LCD trên thị trường là sử dụng tấm nền này nhờ vào sự hài hòa giữa giá thành, chất lượng hiển thị mà Twisted Nematic mang lại.
Mặc dù mang mác “giá rẻ” nhưng với đặc tính là độ trễ phản hồi và độ trễ đầu vào thấp (~ 1ms) nên tấm nền TN vẫn được dùng để làm các màn hình có Tần số quét cao (100, 144Hz,…) phù hợp với các game thủ không quá khó tính.
Điểm yếu lớn nhất của tấm nền TN đó là độ chính xác của màu sắc cũng như góc nhìn kém hơn các tấm nền IPS, VA.
#3. Màn hình IPS (In-Plane Switching)
Tấm nền IPS đưa màn hình LCD lên một tầm cao mới, được giới Sáng tạo nội dung (Content Creator) tin dùng nhờ độ chính xác hoàn hảo về màu sắc, có góc nhìn siêu rộng.
Do sở hữu những đặc tính ưu việt trên nên tấm nền IPS có giá thành cao hơn hẳn so với tấm nền TN
và VA
.
Lúc mới ra đời, chắc hẳn giới game thủ không ưa gì tấm nền này bởi độ trễ và thời gian phản hồi cao, gây ra hiện tượng mờ ảnh, “bóng ma” (ghosting) lúc chơi game.
Dẫu vậy, với những ưu điểm về màu sắc, góc nhìn thì IPS chắc chắn sẽ là nhân tố chủ lực phát triển LCD, giúp cạnh tranh với OLED, AMOLED, MicroLED,…
Và Super IPS là câu trả lời hoàn hảo cho điều đó, bởi độ trễ cũng như thời gian phản hồi của tấm nền này được cải thiện rất đáng kể. Những biến thể của tấm nền IPS có thể kể đến như: PLS, AH-IPS, S-IPS, H-IPS, e-IPS, P-IPS, AHVA..
Apple có lý do khi không sử dụng các màn hình đắt tiền như OLED, AMOLED trên iPhone mà vẫn tin dùng IPS LCD trong một thời gian rất dài, chỉ bắt đầu từ dòng iPhone X trở lên thì họ mới bắt đầu chuyển qua màn hình OLED/ AMOLED.
#4. Màn hình VA (Vertical Alignment)
Tấm nền VA
giúp các bạn dễ lựa chọn hơn khi mua màn hình LCD, bởi vì chất lượng hiển thị, góc nhìn, độ tương phản, khả năng tái tạo màu, giá thành của VA nằm lưng chừng, trên TN nhưng lại dưới IPS một chút.
Những game thủ có túi tiền eo hẹp có thể lựa chọn màn hình LCD với tấm nền VA này để có được mức giá phải chăng nhất, nhưng chất lượng hiển thị + góc nhìn thì vẫn đảm bảo OK.
Không phải quá suất sắc nhưng cũng không phải là quá kém. Nói chung là ở mức chấp nhận được…
Điểm yếu chết người của tấm nền VA này thì cũng tương tự như tấm nền IPS, đó là độ trễ và thời gian phản hồi cao, do nằm ở phân khúc “lưng chừng núi – lưng chừng đèo” thế này nên mình vẫn chưa thấy có chuẩn công nghệ nào được các hãng phát triển giúp VA cải tiến hơn.
#5. Tổng kết
Tóm lại thì không có công nghệ nào hoàn hảo 100% cả, nó vẫn còn tồn tại trên thị trường là vì nó vẫn có người dùng.
Có người chịu chi để có được độ chính xác của màu sắc, dải màu rộng, nhưng cũng có người kinh tế eo hẹp buộc phải chơi game trên những màn hình LCD + tấm nền TN giá rẻ.
Cá nhân mình đang sử dụng Laptop rất cũ của Dell với màn hình LCD chống lóa + tấm nền TN, với nhu cầu văn phòng cơ bản nên mình tạm chấp nhận được.
Một điều đáng tiếc nữa, do chiếc Laptop của mình đã “có tuổi” rồi nên nền màn hình hơi bị ám vàng, nhất là khi đi kèm với lớp chống lóa nữa thì nhìn thực sự không được bắt mắt như màn hình gương.
Thêm nữa là màu sắc bị thay đổi khá nhiều khi mình thay đổi góc độ mở của Laptop, đây là đặc trưng chung của các màn hình LCD.
Bonus: Các bạn lưu ý nhé, nếu muốn thay thế màn hình cho các Laptop đời cũ thì cần nắm rõ độ phân giải mà BIOS/Firmware mà máy hỗ trợ, chuẩn kết nối 40 hay 30 pin,…
Và bạn nên đem ra cửa hàng sửa chữa để thay, tránh tự thao tác ở nhà, gây ra những hư hỏng không đáng có, nhất là mất tem bảo hành !
Okay, hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Chúc các bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích khi ghé thăm Blog 🙂
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com