Vâng, qua hàng chục năm phát triển thì máy tính PC đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ sản xuất cũng như sức mạnh cấu hình.
Từ những chiếc PC chỉ gõ được văn bản thuần (không chạy được đa nhiệm) cho đến những chiếc PC vừa chơi game, vừa quay video màn hình, hoặc Live Stream cùng lúc… hay cao cấp hơn là những chiếc PC để Render 3D, chạy AI….
Trải qua bao thăng trầm, có những thứ trên PC mà giờ đây chúng ta không dùng đến hay ít dùng đến, thậm chí là với những bạn trẻ bây giờ còn không biết đến sự tồn tại của chúng nữa.
Bài viết như là một chút hoài niệm về thời xưa cũ, khoảng thời gian mà máy tính được xem là thứ vô cùng xa xỉ với rất nhiều người dân Việt và cũng là thứ đã đưa chúng ta gần hơn với thế giới hiện đại, nhất là giới trẻ.
Mục Lục Nội Dung
#1. Đĩa mềm (Floppy Disk Drive)
Đĩa mềm có tên tiếng anh là Floppy Disk Drive, viết tắt là viết tắt: FDD
Vào những ngày đầu của PC, nhu cầu làm ra một thiết bị có thể lưu trữ dữ liệu di động là rất cần thiết.
Vậy nên đĩa mềm đã được IBM nghiên cứu, phát triển và cho ra đời từ những năm 1960. Chúng sinh ra cho mục đích lưu trữ dữ liệu di động như ổ cứng rời, USB, thẻ nhớ… ngày nay, nhưng nó có dung lượng rất khiêm tốn (từ 720KB đến gần 2.88MB).
Thời bấy giờ người ta chủ yếu sử dụng đĩa mềm để lưu trữ dữ liệu dạng văn bản, game, nhạc..
Tuy nhiên, với dung lượng quá khiêm tốn như vậy nên đĩa mềm chỉ tồn tại được trong một khoảng thời gian rất ngắn, đơn giản là vì nó không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Với dung lượng đó thì bây giờ không lưu trữ được một bức ảnh 😀
Sau đó thì đĩa CD/ DVD và USB dần thay thế cho đĩa mềm.
Tham khảo thêm trên Wikipedia !
#2. Đĩa CD ROM
Đây được xem là thế hệ tiếp theo của thiết bị lưu trữ ngoài, với dung lượng lưu trữ nhiều hơn, bền bỉ hơn theo thời gian và cực kì tiện dụng thời bấy giờ.
Ra đời vào những năm 1990, CD ROM đã tồn tại cho đến tận ngày nay, tức là hơn 30 năm.
Chắc hẳn chúng ta vẫn không quên những ngày tháng cài game bằng đĩa, cài phần mềm bằng đĩa, cài win bằng đĩa, Ghost lại máy tính cũng bằng đĩa luôn…. gần như mọi thứ đều có trong chiếc đĩa CD này.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017 trở lại đây thì gần như các máy tính PC và Laptop đều đã loại bỏ ổ đĩa CD ROM này vì nó không còn phù hợp nữa, trừ một vài trường hợp đặc biệt thì nhà sản xuất vẫn giữ lại.
Đơn giản bởi vì sự phát triển quá nhanh của công nghệ và Internet. Giờ đây tốc độ mạng Internet đã rất nhanh rồi, thiết bị lưu trữ như USB, ổ cứng rời thì cũng đã rất rẻ, tốc độ thì lại nhanh hơn, không những thế, các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng đang làm mưa làm gió.
Vậy nên, đĩa CD ROM mất đi vị thế là điều không thể tránh khỏi !
#3. Tính năng làm tươi hệ thống (Refresh)
Đọc thêm:
Tính năng Refresh (F5) ngoài Desktop có tác dụng gì?
Trước đây, bất kể ai khi sử dụng máy tính thì cũng đều biết tới tính năng này, thậm chí là dùng liên tục trong bất kể trường hợp nào, thậm chí là dùng trong vô thức 🙂
Đây là một tính năng giúp hệ thống chạy mượt hơn – đó là suy nghĩ của mình thời bấy giờ 🙂
Còn thực tế thì tính năng Refresh trên Windows giúp cập nhật lại các biểu tượng hay đường dẫn mà bạn vừa mới thay đổi.
Với các máy tính cấu hình thấp thì tính năng Refresh này cực kỳ hữu ích, tuy nhiên, theo mình quan sát thì hiện nay ít ai còn thói quen này nữa, đơn giản là vì cấu hình máy tính đã quá mạnh rồi.
Hơn nữa, hệ điều hành Windows ngày nay đã đủ thông minh để tự động tối ưu hệ thống, giúp máy tính chạy mượt mà hơn. Nếu sử dụng thì chắc chỉ có mấy “cụ ông” thế hệ 7x, 8x, đầu 9x dùng thôi :))
#4. Không phân chia chip cầu bắc, chip cầu nam trên Mainboard
Với những bạn từng tìm hiểu về máy tính trong giai đoạn tầm năm 2012 trở về trước thì chắc không còn lạ lẫm gì về chip cầu bắc và chip cầu nam phải không ạ.
Hiểu đơn gian là trước kia, trên mỗi mainboard đều được trang bị hai con chip này. Chúng có nhiệm vụ xử lý giao tiếp giữa Ram, ổ cứng, thiết bị ngoại vi với CPU, nhưng qua thời gian việc này bộc lộ những điểm yếu thấy rõ.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về 2 con chip này trong phần #2 của bài viết Tìm hiểu về Mainboard !
Việc phải sử dụng 2 chipset khiến tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, mất nhiều diện tích hơn và cái quan trọng nhất là tốc độ xử lý bị chậm hơn so với sức mạnh thực của chipset.
Vậy nên các chuyên gia đã gộp chúng lại với nhau, thậm chí còn tích hợp luôn một số chức năng vào CPU. Việc này giúp tiết kiệm điện năng, giảm thời gian “di chuyển” giữa từng khu vực để tăng tốc độ hệ thống.
Ngoài ra thì còn một vài chi tiết khác nữa, ví dụ như cổng PS4, cổng VGA cũng đang dần biến mất trên máy tính.
Sự phát triển của công nghệ sẽ luôn đi kèm với sự đào thải, những thứ không còn hữu ích, tốn kém, không đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dùng sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó là những công nghệ tiến tiến hơn, tiết kiệm hơn và đặc biệt là tiện dụng hơn cho người dùng.
Theo các bạn còn điều gì là đã biến mất trên những chiếc PC ngày nay, hay thậm chí là trong khoảng vài năm tới hãy để lại comment bên dưới nhé. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.
Đọc thêm:
- Sử dụng Animal 4D+: Ứng dụng AR hữu ích cho trẻ nhỏ !
- Tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử tên gọi của hệ điều hành Android
- Phím F12 thần thánh: Sửa đổi nội dung của một trang web bất kỳ!
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn