Mainboard (bo mạch chủ) là thành phần không thể thiếu của một chiếc máy tính, đây là nơi chứa tất cả những gì tinh túy và quan trọng nhất của một chiếc máy tính, nơi gắn kết tất cả các linh kiện quan trọng và đắt tiền nhất..
Và tất nhiên, việc sở hữu cho mình một chiếc mainboard hàng xịn thì luôn là điều mơ ước của biết bao người.
Trên thị trường có hàng trăm loại mainboard khác nhau, tới từ rất nhiều hãng khác nhau. Vậy là làm thế nào để biết mainboard nào là chất lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn?
Trong bài viết lần này, mình sẽ chia sẻ với bạn một cách rất hay, đó là hãy nhìn vào mạch VRM của main. Vậy VRM là gì? Tại sao có thể nhìn vào VRM (Vol Regu Module ) mà lại biết chất lượng của mainboard đó. Chúng ta hãy cũng đọc bài viết này nhé !
#1. VRM là gì?
VRM tên đầy đủ là Voltage Regulation Modulator, hay còn lại là bộ chuyển đổi điện áp, bộ điều chỉnh điện áp. VRM có nhiệm vụ chính là làm giảm mức điện áp mà bộ nguồn cung cấp cho CPU và Card đồ họa => từ đó có một dòng điện tiết kiệm nhất.
Thông thường các bộ nguồn máy tính cho ra dòng điện ở mức từ 5VDC tới 12VDC, tùy nhu cầu mà mỗi bộ phận trên mainboard yêu cầu.
Ở đây chúng ta chỉ xét tới nguồn điện của CPU, nó thường là 1.1 tới 1.3VDC, con số này sẽ lớn hơn khi ta cần ép xung CPU (OC CPU).
Lúc này, chính là lúc cần tới sự điều chỉnh dòng điện từ VRM. VRM được hiểu đơn giản là bộ điều chỉnh điện áp cho mainboard.
VRM thường được đặt tên là 6+1 phase, 8+1 phase, 12 phase… Và tất nhiên, VRM càng nhiều phase thì sẽ càng ổn định hơn.
#2. Cấu tạo của VRM
Về cơ bản, mạch VRM có 4 thành phần chính, đó là:
- IC điều khiển (PWM)
- MOSFET (1 loại bóng bán dẫn đặc biệt)
- Cuộn cảm
- Tụ điện
Thông thường, trong các mainboard hiện đại ngày nay, 4 thành phần này hợp lại tạo thành 1 cụm hay còn gọi là 1 pha.
Một mạch VRM có nhiều pha, việc này về cơ bản là nó giống như đa luồng trong vi xử lí vậy. Càng nhiều pha điện áp cung cấp thì càng ổn định và nhiệt lượng tỏa ra sẽ được giảm đi.
Các tụ điện trên mạch VRM đều là tụ nhôm, việc này sẽ đảm bảo độ bền khi sử dụng. Số lượng tụ và cuộn cảm không có một quy luật nào cả, đó là do nhà sản xuất thiết kế quyết định.
Đối với các mainboard có khả năng ép xung CPU thì yêu cầu với các bộ phận này càng cao và chúng thường có cả một phần tản nhiệt riêng khá là hầm hố.
#3. Tại sao cần phải làm mát VRM
Đối với các bo mạch chủ cao cấp đều có một bộ tản nhiệt kéo cho VRM. Cụ thể các phần tản nhiệt này để làm mát MOSFET.
Nhiệt độ của MOSFET khi làm việc sẽ dao động từ 80°C đến 100°C. Thậm chí khi ép xung CPU hay sử dụng card đồ họa hiệu năng cao thì có thể hơn con số này còn cao hơn nữa.
Như các bạn cũng đã biết, điện năng tổn thất trên thiết bị điện sẽ được chuyển hóa thành nhiệt.
Lượng nhiệt tỏa ra này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các linh kiện nằm gần MOSFET, và tất nhiên, khi nhiệt tỏa ra quá cao thì nó sẽ ảnh hưởng tới hiệu năng và độ bền của các linh kiện, đó là lí do ta cần tản nhiệt cho VRM.
Nói chung, MOSFET truyền dòng điện cao qua các xung ngắn, kết hợp cùng các bộ phận trong mạch VRM thì dòng điện cho CPU/GPU sẽ trơn tru và ổn định hơn.
Khi ép xung CPU cần dòng điện cao, hay khi bạn làm việc nặng cũng vậy. Khi dòng điện càng cao, MOSFET sẽ càng nóng => Nhiệt cao sẽ ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên main nên nó cần phải có bộ tản nhiệt. Chốt lại là vậy nhé !
Tản nhiệt càng khủng càng chứng tỏ VRM có thể hoạt động được ở công suất cao mà không gặp vấn đề gì.
Các hãng khác nhau sẽ có thiết kế VRM khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có cùng chức năng, vì vậy chúng ta không cần quan tâm quá kỹ ở bên trong VRM.
=> Điều quan trọng là chỉ cần nhìn hệ thống tản nhiệt hoặc số lượng tụ trên mạch VRM là có thể biết mainboard có chất lượng như thế nào.
Tuy nhiên, nên nhớ mẹo này chỉ áp dụng được với các bo mạch của các hãng danh tiếng đã có thương hiệu nhé, chứ mấy thương hiệu nhái thì chịu rồi 🙂
Và đương nhiên, mẹo này chỉ mang tính chất tham khảo thêm, để chắc chắn hơn thì bạn cũng nên tham khảo người đã sử dụng main tương tự nhé. Hoặc hỏi tư vấn viên của các cửa hàng uy tín !
Có thể bạn đang tìm:
- Cấu tạo của máy tính bao gồm những bộ phận nào?
- Tìm hiểu về bộ nhớ máy tính #1: Các khái niệm thường gặp
- [P1] Mainboard là gì? Tìm hiểu kỹ hơn về Mainboard (bo mạch chủ)
Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn thành công ! À quên, nếu bạn còn biết thêm thông tin gì liên quan đến VRM thì đừng ngần ngại chia sẻ với anh em ở dưới phần bình luận nhé. Thank you 🙂
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com