Vâng, việc làm ra những siêu máy tính luôn được xem là cuộc chạy đua công nghệ của những cường quốc trên thế giới.
Từ những siêu máy tính kỹ thuật thông thường cho đến những máy tính siêu nhỏ, hay gần đây là những siêu máy tính lượng tử.
Dù là thể loại nào đi chăng nữa thì chúng cũng có một điểm chung, đó là, vô cùng tốn kém về cả tiền bạc lẫn nhân lực, mà chỉ những cường quốc trên thế giới mới đủ khả năng theo đuổi. Vậy lý do gì khiến họ bỏ ra hàng tỷ đô để nghiên cứu ra chúng?
Mục Lục Nội Dung
#1. Là bộ mặt của một cường quốc
Không ngoa khi nói rằng, những siêu máy tính luôn được xem là thứ để những nước lớn hãnh diện với nhau. Ngoài giá trị vô hình, nó còn thể hiện cho sự phát triển nền khoa học công nghệ của quốc gia làm ra nó, là thứ để khiến một quốc gia có tiếng nói hơn trên trường quốc tế.
Đơn cử như Trung Quốc hay Mỹ, cứ mỗi khi có một hệ thống mới ra đời là các báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng lập tức đưa tin với những lời lẽ có cánh dành cho công trình đó, với ngụ ý là họ có đủ khả năng để làm ra bất cứ thứ gì mà một quốc gia lớn có có thể làm được.
#2. Động lực để phát triển công nghệ mới
Trong suốt quá trình phát triển khoa học, có rất nhiều công nghệ mới ra đời với mục đích sử dụng không phải như ban đầu.
Đơn cử như công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu GPS, ban đầu nó được phát triển là dành cho quân sự, chứ không phải dân sự như bây giờ. Hay công nghệ vật liệu răng sứ, nó vốn có nguồn gốc từ sự nghiên cứu vật liệu có độ bền cao để sử dụng cho ngành vũ trụ.
Việc phát triển siêu máy tính cũng vậy, các bạn đã biết, máy tính là sự kết hợp của cả phần cứng lẫn phần mềm, còn với siêu máy tính thì khác, nó nâng tầm những thứ đó lên một mức độ cực kì cao cấp.
Đủ để khiến cho các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, phần mềm…. rơi vào “thế bí”. Phải làm sao để tạo ra những bộ vi xử lý mạnh hơn, những board mạch chủ đủ mạng để hoạt động, những phần mềm đủ khả năng kiểm soát điều hành chiếc siêu máy tính đó….
#3. Tầm nhìn xa hàng thế kỷ
Ban đầu, siêu máy tính được tạo ra với mục đích chính là để nghiên cứu khoa học, phục vụ trong quân sự, dự báo thời tiết, thiên tai, giải đáp những tính toán khoa học mà con người phải tốn nhiều thời gian mới có thể làm được…
Các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đã sớm nhìn ra được những thách thức mà khả năng con người không làm được, mà phải cần đến siêu máy tính trong những thế kỷ tới. Ví dụ như:
- Biến đổi khí hậu: Bạn biết đó, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trở nên khủng khiếp trong những thế kỷ tới và khi đó, con người cần những chiếc siêu máy tính để tính toán những gì có thể xảy ra và có biện pháp phòng tránh kịp thời.
- Công nghệ quân sự: Một thiết bị quân sự phải mất nhiều năm, thậm chí là cả chục năm để ra đời và hoàn thiện. Và con người cũng sử dụng chúng cho những mục đích khác nhau trong hàng chục, thậm chí là cả trăm năm sau đó. Đó chính là những gì mà siêu máy tính giúp con người tiến gần hơn tới một vũ khí mới.
- AI nghiên cứu con người: Gần đây AI (trí tuệ nhân tạo) đang được áp dụng rất nhiều vào đời sống, con người là một thực thể có thể nói là phức tạp vào hàng bậc nhất. Từ tính cách, ứng xử, thói quen…… tất cả sẻ được siêu máy tính tính toán và làm nên một AI hoàn thiện.
#4. Mục đích thương mại
Các nhà khoa học nghiên cứu ra siêu máy tính và phục vụ ngược trở lại họ. Còn những nhà đầu tư cho các nhà khoa học lại quan tâm tới việc có thể thương mại hóa chúng.
Như mình đã đề cập ở trên, chỉ có những cường quốc mới đủ khả năng để nghiên cứu ra siêu máy tính. Và với những ứng dụng và lợi ích tuyệt vời từ siêu máy tính như vậy thì tất nhiên, quốc gia nào cũng cần đến nó.
Đó chính là lúc mà họ sẽ bán những chiếc siêu máy tính ra thị trường, tất nhiên, bản thương mại sẽ không bao giờ mạnh hay chứa đựng nhiều công nghệ như bản chính cho chính phủ sở tại. Nhưng nó là quá đủ để các quốc gia nhỏ hơn quan tâm đến.
Và rõ ràng rồi, đó là một khoản tiền không hề nhỏ nếu không muốn nói là khổng lồ, bởi ngoài máy tính ra thì còn nhiều chi phí phát sinh khác, nào là chi phí đào tạo vận hành, chi phí bảo dưỡng hàng năm, chi phí nâng cấp phần mềm…..
Với những lý do trên, dù là chỉ một hay đủ cả bốn thì nó đều là những lý do cực kỳ thuyết phục khiến một cường quốc hay thậm chí là một quốc gia nhỏ hơn mơ ước có thể làm ra được siêu máy tính.
Nó là tinh hoa công nghệ của cả một quốc gia, là bộ mặt của họ, là thứ khiến họ có tiếng nói trên trường quốc tế, là thứ khiến khoa học công nghệ được nâng lên một tầm cao mới và phục vụ lợi ích con người trong nhiều thế kỷ tới.
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com