Trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta trong những năm trở lại đây rồi.
Với hàng loạt những ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống thì có thể nói, AI đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của công nghệ này.
Và ở trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ cùng với các bạn điểm qua những xu hướng phát triển tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong những năm tiếp theo nhé. Ok, let’s go.. !
Mục Lục Nội Dung
#1. Ứng dụng trong lĩnh vực y tế
Chúng ta đều biết rằng, sự phát triển của xã hội kéo theo đó là nhiều vấn nạn liên quan đến môi trường, dịch bệnh và thiên tai…
Từ đó ngành y tế, mà cụ thể ở đây là các đơn vị y tế (bệnh viện, phòng khám…) sẽ ngày càng phải chịu nhiều sức ép hơn.
Vậy AI giúp được gì cho ngành Y Tế?
Vâng, tiêu biểu nhất có thể kể đến như khả năng chuẩn đoán bệnh với độ chính xác cao. Hay là đưa ra các dự đoán hỗ trợ việc điều trị bệnh thuận tiện hơn.
Năm vừa qua, cả thế giới phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp đến từ đại dịch covid-19. Và nhiều ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đã ra đời để cải thiện tình hình.
Ví dụ như việc truy vết bệnh nhân (sử dụng dữ liệu lớn Big Data), hoặc là dự đoán người nhiễm covid bằng hình ảnh…
Đó chỉ là một ví dụ rất rất nhỏ trong những nỗ lực để khẳng định công nghệ trí tuệ nhân tạo hiệu quả như thế nào. Vì vậy, tương lai việc áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế là rất tiềm năng.
#2. Ứng dụng trong tự động hóa
Mình tin chắc là khi mình nhắc đến từ “tự động hóa” thì nhiều bạn sẽ nghĩ: cái này có lâu rồi ông ơi, cần gì áp dụng AI vào chi cho phức tạp.
Đúng là khái niệm Tự Động Hóa đã có từ rất lâu rồi, thậm chí là xuất hiện sớm từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
Nhưng ở thời kỳ 4.0, với sự giúp đỡ của các công nghệ trí tuệ nhân tạo thì tự động hóa được nâng lên một tầm cao mới. Bạn có thể hiểu đơn giản như là một phiên bản update, một phiên bản cải tiến vậy !
Đó không còn là các dây chuyền với sự tham gia của con người nữa, không còn là các quy trình lặp đi lặp lại nữa…
RPA (Robotic Process Automation) ngày nay có thể làm các công việc như lập hóa đơn, xử lý bảng lương, trích xuất, truy xuất dữ liệu. Thậm chí là theo dõi tự động lên lịch vận chuyển…
Khi các thao tác mang tính quy trình được Robot đảm nhiệm thì con người sẽ có nhiều thời gian cho các công việc phức tạp hơn.
#3. Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP – Neuro Linguistic Programming)
Hay còn gọi là Ngôn ngữ lập trình tư duy !
Song song với việc xử lý ảnh thì xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng là một trong những hướng đi được nhiều bạn sinh viên lựa chọn khi học về trí tuệ nhân tạo.
Chúng ta có hai nhánh nhỏ, hay nói một cách chính xác hơn là hai ứng dụng nhỏ của việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên đó là: Đọc hiểu ngôn ngữ tự nhiên và Tự tạo ra ngôn ngữ tự nhiên.
- Đọc hiểu ngôn ngữ tự nhiên: Có nghĩa là máy sẽ nhận đầu vào là đoạn văn, nhiệm vụ của nó là đọc và hiểu nghĩa của đoạn văn để có thể trả lời được các câu hỏi liên quan.
- Tạo ra ngôn ngữ tự nhiên: Đó là việc tạo ra các phản ứng logic với đầu vào nhất định, tiêu biểu phải kể đến trình tự tạo sub cho video của Youtube.
NLP thực sự đang là một ngành “hot” cho những bạn nào đang theo học về AI và muốn đào sâu về nó. Thực sự rất có tiềm năng các bạn ạ !
#4. Ứng dụng trong an ninh mạng, bảo mật
Mình từng được thầy dạy: “Chẳng có hệ thống nào là an toàn tuyệt đối cả”, vì có thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn sẽ tìm ra được cách để truy cập vào hệ thống của bạn.
Chính vì điều này mà vấn đề an ninh mạng, bảo mật chưa bao giờ là câu chuyện hết nóng cả, kể từ khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.
Vậy AI sẽ giúp được gì cho vấn đề an ninh, bảo mật? Vâng, vẫn là bài toán phân tích và dự đoán để phát hiện ra các lỗ hổng tiềm tàng.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể xây dựng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát, chống lại các phần mềm và các ứng dụng hoạt động nguy hiểm.
#5. Xe tự hành
Mọi người thường nói đùa rằng, giao thông Việt Nam thì chẳng có con xe nào tự hành nổi đâu !
Kể ra thì cũng đúng, vì để xe tự hành có thể hoạt động trong điều kiện công nghệ hiện tại thì giao thông cũng phải tương đối ổn định.
Mà đường xá và xe cộ ở Việt Nam chúng ta thì các bạn biết rồi đấy, rất căng ◔◡◔
Nhưng tham vọng của con người là không có giới hạn, nhiều hãng xe trên thế giới đã và đang chế tạo ra các mẫu xe hoàn toàn tự động, có thể đi xa mà không cần người lái.
Và tất nhiên rồi, để đạt được kết quả đó thì không thể không có sự tham gia của các công nghệ trí tuệ nhân tạo trên chiếc xe đó.
Từ việc nhận dạng vật thể, đường đi, vật cản, biển báo giao thông cho tới dự đoán cung đường, mật độ phương tiện giao thông, khoảng cách an toàn…
Tất cả đều là những ứng dụng (không trực tiếp thì gián tiếp) từ công nghệ trí tuệ nhân tạo mà ra.
#6. Vạn vật kết nối (IoT)
IoT bản chất cũng là một xu hướng công nghệ khi kết hợp các thiết bị điện tử thông minh thông qua Tnternet tốc độ cao.
Vậy trí tuệ nhân tạo ứng dụng ở đâu trong hệ thống IoT?
Nếu bạn để ý thì sẽ nhận ra được ngay. Đơn cử như hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, hệ thống mở cửa sử dụng vân tay hoặc quét võng mạc…
Việc kết hợp AI vào trong hệ thống IoT đem lại những kết quả kinh ngạc, vì nó đã tận dụng được sức mạnh của cả hệ thống thay vì một thiết bị.
#7. Nhận diện khuôn mặt
Đây chắc có lẽ là ứng dụng nổi bật nhất, cũng như là phổ biến nhất mà các bạn nghe nói về Trí tuệ nhân tạo.
Bài toán nhận diện khuôn mặt đã không còn xa lạ gì nữa và nó cũng không phải là mới, nhưng với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo thì tỷ lệ chính xác ngày càng tiệm cận ở mức tuyệt đối.
Ứng dụng của việc nhận diện khuôn mặt là rất nhiều, có thể kể đến như việc tăng cường bảo mật cho thiết bị, tối ưu hóa trải nghiệm mua bán hàng của người dùng, chống lừa đảo…
#8. Xử lý dự báo và phân tích kinh doanh
Ngày nay các bạn có thể thấy, với khối lượng dữ liệu khổng lồ thì máy móc có thể học từ những dữ liệu đó để đưa ra các suy luận của riêng nó.
Nhiều công ty với khối dữ liệu lớn đang hướng đến việc phát triển các mô hình dự đoán hướng kinh doanh của công ty.
Một doanh nghiệp muốn phát triển phải dựa trên rất nhiều, rất nhiều yếu tố như là con người, tài chính, xướng, trang thiết bị…
Các mô hình trí tuệ nhân tạo có thể dựa trên những dữ liệu sẵn có để đưa ra các phân tích, dự đoán, cũng như phương hướng mới để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
#9. Lời Kết
Vâng, như vậy là với 8 ứng dụng mà mình đã đề cập bên trên thì các bạn có thể thấy AI sẽ quan trọng như thế nào trong tương lai rồi đúng không?
Có thể chưa phải là tất cả những gì mà AI có thể làm được, nhưng đó là những hướng đi mà theo mình thấy là có tiềm năng nhất, tất nhiên còn nhiều xu hướng nữa nhưng có lẽ trong tương lai xa nó mới trở nên phổ biến.
Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình nhé (>‿♥)
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn