Mỗi lần hàng B ra cái gì đó là cộng đồng mạng lại dậy sóng, với cặp đôi tai nghe True Wireless mới ra mắt lần này cũng vậy.
Nhưng lần này căng thẳng leo thang hơn khi mà chính những người thuộc ban lãnh đạo hãng B cũng đứng ra để chỉ trích và phản đối lại những cá nhân không ủng hộ sản phẩm của họ, thay vì chỉ dùng seeder và fan như mọi khi.
Lần này thì có thể gọi đây là phi vụ ăn mày tinh thần dân tộc lớn nhất từng xảy ra rồi. Còn cụ thể đã có những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian vừa rồi thì mời các bạn hãy cùng mình điểm lại và nhìn nhận nó một cách khách quan nhất nhé !
#1. Bộ đôi tai nghe AirB và AirB Pro
Các bạn có thể đã nghe báo đài nói về bộ đôi tai nghe này suốt mấy hôm nay rồi đúng chứ?
Sau một khoảng thời gian dài hứa hẹn với fan thì bộ đôi tai nghe True Wireless của BKAV đã chính thức ra mắt và mở bán. Ở sự kiện ra mắt, họ thậm chí còn mở đặt gạch cho 2 chiếc tai nghe này.
Cụ thể, 2 chiếc tai nghe này đang được bán với mức giá 1,5 triệu và 3 triệu đồng ở các đại lí bán lẻ đã hợp tác với BKAV và ở trên các trang thương mại điện tử nữa.
Về thiết kế thì nó khá giống với thiết kế của AirPod Pro, nói thế cho các bạn dễ hình dung.
Phần housing của tai nghe B sẽ có hướng ngược lại so với AirPod khi cho vào case. AirB sẽ có logo đằng trước và bản Pro thì có thêm chữ Pro ở sau.
Phần bản lề của cả 2 phiên bản làm bằng nhựa dẻo hay cao su gì đó, khiến cho nắp tai nghe sẽ gập lại ngay khi mở ra dưới lực đàn hồi của cái nịt.
Ngoài ra, tai nghe sử dụng kết nối Bluetooth 5.1, Pin 400mAh, chống ồn chủ động, kháng nước và bụi bẩn đạt chuẩn IP45, và nhiều thông số khác.
Theo như hãng chia sẻ thì 2 chiếc tai nghe này được định vị ở phân khúc cao cấp, chất âm đỉnh cao, sánh ngang với tai nghe của hãng A, …. Điều này không có gì là lạ, vì đây là chiêu marketing quen thuộc của hãng 😀
#2. AirB và Reviewer
Một số reviewer đã confirm là họ nhận được tai nghe AirB bản thử nghiệm, thậm chí họ còn lên cả video để đánh giá sơ bộ sản phẩm này, và sau đó đã phải xóa video sau một lúc đăng tải, mình nghi ngờ là do một thế lực nào đó. CEO hãng B nói rằng đây là sai sót của nhân viên !
Sau khi bộ đôi này mở bán, đích thân các reviewer đã mua về với mức giá niêm yết hoặc có thể rẻ hơn nếu đã đặt gạch từ trước, lên video đánh giá, và đương nhiên hãng B sẽ không còn lí do gì để gỡ bỏ đi những video này nữa.
Cũng có thể là do thù hằn cá nhân, ý kiến của một số reviewer có tiếng nói sau vụ việc trên đều đánh giá thấp bộ đôi tai nghe này. Nhưng vấn đề ở chỗ là đến hơn 95% các reviewer đều chê. Vậy là nó vẫn tệ dù cho được marketing đến chạm nóc như vậy.
Và đương nhiên thì nếu sản phẩm bị chê, hãng B sẽ làm gì? Thanh minh và công kích ngược trở lại. Đây có thể coi như là một nét đặc trưng trong cái phong cách marketing của họ và cũng là cách cộng đồng Bfan hoạt động.
Vấn đề đã xảy ra khi có rất nhiều các bên tuyên bố ngừng hợp tác với hãng B do tác phong làm ăn kém chuyên nghiệp.
Tiếp theo, các reviewer lên video và bài viết với các thông số kĩ thuật được đo đạc và cảm nhận cẩn thận, chủ yếu là để chứng minh cái sự sai sót và đánh tráo khái niệm trong những gì mà hãng B đã đăng tải lên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Hãng B đáp trả bằng cách tiếp tục đưa ra những khái niệm sai sót về thang đo của sản phẩm, cụ thể ở đây là dải tần số đầu ra của các thiết bị phát thanh như loa, tai nghe, …. một vài cá nhân được coi là chuyên gia và có chuyên môn cũng lên tiếng bênh vực hãng B, nhưng lại có những thứ bất cập và không đồng bộ trong các chia sẻ của họ.
Sau hàng loạt các đòn đánh vào uy tín của BKAV trên các phương tiện truyền thông thì CEO của hãng B lên tiếng rằng các reviewer “không có chuyên môn”, để giành lại đôi chút uy tín trong mắt người theo dõi.
Họ cho rằng các reviewer này không thể đem lại đánh giá chính xác cho những người muốn mua sản phẩm của họ. Thậm chí đến cả chủ tịch của hãng này cũng lên mạng để nói bóng gió về điều này.
Và sự kiện này đã đánh vào lòng tự trọng của những anh em reviewer và lần này thì hãng B chắc chắn đã đánh mất cực nhiều uy tín rồi.
#3. BKAV và các Reviewer
Đối với một hãng bán hàng tiêu dùng, đương nhiên kênh reviewer là một kênh marketing cực kỳ hiệu quả và quan trọng, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị lớn hay là có tính cạnh tranh cao như smartphone, Laptop hay màn hình, linh kiện PC, ….
Vậy nên, rất nhiều hãng đã chi tiền rất mạnh tay cho các reviewer để nâng cao doanh số sản phẩm của chính họ, thậm chí còn thuê cả KOL làm reviewer.
Đó là lý do tại sao nhiều người lại có sự lựa chọn sai lầm cho sản phẩm mình mua như thế, khi mà vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác trong cùng tầm giá tốt hơn sản phẩm đó.
Hãng B cũng không ngoại lệ. Họ đã gửi Bphone bản thử nghiệm cho một số reviewer, và tai nghe AirB cũng vậy. Đương nhiên là họ cũng phải trả tiền cho các reviewer nếu họ muốn có một bài viết, hay một video nói tốt đẹp về sản phẩm của mình.
Tương tự như vậy đối với các đơn vị phân phối.
Vậy bạn cần những chuyên môn gì để làm một reviewer?
Mình cũng là một reviewer mõm 😊, vì mình trải nghiệm thực tế không quá nhiều máy và cụ thể hơn là smartphone.
Tại sao mình có thể nhìn thông số và viết ra cho các bạn những thứ đúng hoặc gần đúng về trải nghiệm cho các bạn là những người tham khảo thông tin về chiếc máy và lựa chọn có mua hay không?
Vâng, bởi vì mình từng trải nghiệm những thứ tương tự như vậy, và trải nghiệm đa dạng các sản phẩm có spect tương đồng như vậy.
Ví dụ, mình đã từng sử dụng máy lưng nhựa, kim loại, Ram 3GB, 4GB, 8GB, màn HD+, FullHD, 2K, 4K, Rom Sony, MIUI, LG, …. Mình lấy những trải nghiệm từ đó ra, kết hợp những phản hồi của người dùng và trải nghiệm của reviewer khác, để lên bài cho các bạn.
Vậy trình độ chuyên môn để làm gì, khi mà reviewer cơ bản cũng chỉ là người dùng? Bạn có cần biết cách tạo ra linh kiện hay chỉnh màu màn hình để đánh giá một sản phẩm hay không?
Không. Những người đó chẳng đi làm reviewer đâu.
Reviewer đương nhiên cũng không phải là mù thông tin về những thứ mình đánh giá, nhưng cũng chẳng cần master đến cái mức mà tạo ra được sản phẩm như thế.
Họ chỉ cần công tâm và trải nghiệm thật nhiều máy, thật đa dạng để đại diện cho người dùng phản hồi lại cho hãng và cho người dùng có ý định mua.
Nếu yêu cầu trình độ kỹ thuật cho reviewer thì xác định luôn rằng sản phẩm chỉ bán cho dân kỹ thuật thôi, khi mà người dùng xem review toàn thông số chuyên ngành chẳng hiểu gì và không dám xuống tiền cho những sản phẩm mà mình chẳng biết gì về trải nghiệm của nó cả.
Thế tại sao hãng B vẫn gửi sản phẩm cho các reviewer? những người “không có trình độ chuyên môn” nói trên?
Rõ ràng rồi, vì họ biết rõ những điều ở trên. Họ biết rõ rằng các reviewer chẳng cần bằng cấp kỹ thuật hay lập trình gì để đánh giá trải nghiệm sản phẩm của họ cả. Hãng B đứng ra tay đôi chỉ để lấp liếm các thông tin sai lệch bị cộng đồng bắt bẻ kia thôi.
Khi mà cả cộng đồng chỉ ra cái sai của thông số trong marketing, chỉ cần đánh vào thằng có tiếng nói nhất rằng không có trình độ để đánh giá, hành động này có thể cứu vớt được uy tín đã bị ảnh hưởng của họ trong mắt người ít hiểu biết về công nghệ.
Tóm lại thì lần này, trong mắt mình hãng B quá mất uy tín rồi. Thôi thì câu chuyện tai nghe cũng cần phải qua đi với sự kiện hết hàng, và chúng ta chuẩn bị chào đón loạt sản phẩm Bphone mới của họ thôi.
Các bạn thấy sao về cách hành xử của hãng B đối với những ý kiến trái chiều? Liệu Reviewer có cần bằng cấp gì để được quyền đánh giá sản phẩm của hãng B hay không? Hãy để lại comment về quan điểm của bạn phía bên dưới bài viết này nhé.
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com