Nếu nói một ngôn ngữ lập trình sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai sau Python thì cái tên được nhắc đến khá nhiều hiện nay đó chính là Rust.
Rust là một ngôn ngữ lập trình được đánh giá là mới, tiên tiến và sẽ là tương lai sau này của lập trình. Nếu bạn chưa biết thì trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi chút về ngôn ngữ lập trình mới này nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Ngôn ngữ lập trình Rust là gì?
Rust (đọc là Rợt-xì kéo dài :D) là một ngôn ngữ lập trình cấp thấp (Low level), định kiểu tĩnh (statically typed) và là ngôn ngữ lập trình đa dụng (multi-paradigm), nó tập trung chủ yếu vào việc viết code an toàn và được thiết kế rất tốt giúp đơn giản hóa việc phát triển.
Ngôn ngữ lập trình Rust được phát triển để giải quyết các vấn đề mà ngôn ngữ lập trình C / C ++ đã phải vật lộn trong một thời gian dài, chẳng hạn như lỗi bộ nhớ và xây dựng các chương trình đồng thời chẳng hạn.
Rust được phát triển từ năm 2006 bởi các lập trình viên ở Mozilla Research (cha đẻ của Rust là Graydon Hoare), nhưng mãi tới năm 2010 nó mới chính thức được công chúng biết đến và sử dụng.
Mặc dù ban đầu là do các lập trình viên của Mozilla phát triển, nhưng về sau này thì Rust chủ yếu được phát triển bởi cộng đồng mã nguồn mở. Nó được xem là sự hòa trộn giữa đảm bảo tốc độ thực thi và sự an toàn trên hệ thống.
#2. Ưu và nhược điểm của Rust
Ưu điểm của Rust:
Nếu như với các ngôn ngữ lập trình khác việc điều khiển bộ nhớ khi xử lý lệnh là vô cùng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro thì với Rust, mọi chuyện lại dễ dàng hơn rất nhiều.
Rust có những chức năng, cũng như công cụ chuyên biệt để quản lý bộ nhớ khi cấp phát. Nhất là trong lập trình hệ thống để có thể giảm thiểu tối đa việc gặp lỗi bộ nhớ khi thực thi lệnh.
Rust là một ngôn ngữ đa nền tảng, nó có thể chạy được trên mọi hệ điều hành phổ biến hiện nay và tất nhiên là nó cũng có thể làm ra những ứng dụng chạy trên các hệ điều hành đó. Đặc biệt, với khả năng về tốc độ cũng như khả năng quản lý bộ nhớ tốt nên rất phù hợp cho các ứng dụng nhúng.
Ngoài ra, khác với các ngôn ngữ như C, Rust được xem là tối ưu và hỗ trợ cho những ứng dụng song song. Nói cách khác là nó hỗ trợ cho những CPU đa nhân nhiều hơn, các ứng dụng hiện nay phần lớn đều sử dụng từ 2 tới 3 nhân là chính.
Nhược điểm của Rust:
Rust được phát triển bởi cộng đồng mã nguồn mở nên nó luôn được cập nhật thường xuyên, nhưng đôi khi chính điều này lại làm cản trở việc sử dụng chúng. Bạn phải thường xuyên theo dõi những thay đổi, cập nhật để có thể theo kịp những thay đổi khác nhau.
Tuy là mạnh mẽ nhưng Rust được xem là một ngôn ngữ lập trình khá là khó tiếp cận, bởi chúng được sinh ra để tương tác sâu vào hệ thống nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, cách thức câu lệnh khá là phức tạp với người mới.
Về bản chất thì Rust được sinh ra để lập trình trên những hệ thống phức tạp và cần có tốc độ cao.
#3. Ứng dụng của Rust?
Với ngôn ngữ lập trình Rust thì bạn có thể làm được rất nhiều thứ như là: làm web, làm ứng dụng PC …..
Ngoài ra, với khả năng mà nó có thì Rust còn được sử dụng trong các thiết bị thông tin xử lý với tốc độ cao như hệ thống điều khiển trên xe, các hệ thống tín hiệu…
Nhưng hiện nay, Rust vẫn đang được sử dụng nhiều nhất chính là trong các hệ thống lớn, những hệ thống yêu cầu độ phức tạp cao, cũng như là phải xử lý nhiều nguồn dữ liệu song song liên tục cùng lúc.
Tương lai Rust có thể sẽ được phát triển lên các hệ thống chạy trên chip (vi xử lý) ARM nhờ những ưu điểm về quản lý bộ nhớ và tốc độ thực thi.
Đây đều là những thứ mà những thiết bị di động rất cần bởi những hạn chế về kích thước phần cứng. Thậm chí đang có một số cải tiến và thử nghiệm nó trong việc phát triển AI, thứ vốn cần tốc độ càng cao càng tốt.
Ngoài ra thì Rust còn được sử dụng để viết:
- Trình biên dịch
- Ứng dụng thời gian thực (real-time)
- Các hệ thống lớn và phức tạp
- Hệ thống nhúng (embedded system)
- Các hệ thống cần có hiệu suất cao và độ trễ thấp. Ví dụ như trong các thiết bị lái xe, trong game, hay các thiết bị phát sóng..
- Ứng dụng phân tán và song song
- Web Framework….
Bất kì một ngôn ngữ lập trình nào sinh ra đều có mục đích riêng của nó, không có ngôn ngữ lập trình nào là hoàn hảo cả và Rust cũng vậy !
Thông thường thì các lập trình viên sẽ sử dụng khả năng tư duy lập trình để hạn chế những khuyết điểm của ngôn ngữ lập trình họ sử dụng, hay nói cách khác là tối ưu lệnh thực thi. Thậm chí sẽ có những tool riêng để hỗ trợ cho việc này.
Với tốc độ nhanh, cũng như khả năng quản lý tốt bộ nhớ cực tốt thì mình tin là trong tương lai ngôn ngữ lập trình Rust sẽ còn tiến xa hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và nó sẽ không dừng lại ở lập trình hệ thống đơn thuần.
Ngôn ngữ này xứng đáng là một ngôn ngữ lập trình để bạn quan tâm cho sự nghiệp phát triển ứng dụng sau này. Hi vọng là bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin cơ bản nhất về Rust. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn