Vâng, một Project cực kỳ hay ho từ Google mang tên Project Ara đã bị khai tử cách đây khá lâu. Thực sự là rất nhiều người đã tiếc nuối cho dự án này của Google, đặc biệt là những anh em yêu công nghệ.
Chưa từng có chiếc máy nào thuộc project này đến được tay người dùng, nhưng cũng không có quá nhiều lý do “thuyết phục” để khai tử nó vào thời điểm đó.
Liệu rằng, nếu Project Ara được sống lại ở thời điểm hiện tại thì có lẽ project này sẽ có đất sống và sẽ có cơ hội khuấy đảo thị trường smartphone tương lai? Nếu như bạn chưa biết Project Ara là gì thì mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu về nó trong bài viết này nhé.
#1. Project Ara là gì?
Để mô tả đơn giản thì đây là một dự án sản xuất điện thoại xếp hình của Google, cụ thể là Google sẽ cung cấp cho người dùng những chiếc máy có phần cứng dạng module tháo lắp.
Một vài hình ảnh để các bạn dễ hình dung hơn:
Video giới thiệu Project Ara:
Nếu bạn từng sử dụng chiếc LG G5 hay Essential Phone 1 thì bạn sẽ có cái nhìn sơ bộ về loại thiết kế này.
Project này do team công nghệ tiên tiến của Motorola (khi chưa bán cho Lenovo) nghiên cứu và phát triển, về sau Google giữ lại team này, nhưng cũng đã tách ra và hoạt động độc lập.
Đầu tiên, project này dự kiến đem lại cho người dùng 1 chiếc máy có khả năng thay thế và nâng cấp nhiều bộ phận của 1 chiếc smartphone nhất có thể, điều này sẽ giúp người dùng tiết kiệm giá thành nâng cấp định kỳ và giảm thiểu rác thải công nghệ.
Nhưng do nhu cầu của người dùng, cùng với sự phát triển của các công nghệ Chip, Ram, bộ nhớ,.. nên project này đã sửa thành 1 chiếc máy có cụm main giữ nguyên kèm theo khả năng tháo lắp module các linh kiện khác.
Google đã từng có kế hoạch tiếp tục phát triển project này vào quý 4 năm 2016 với mục tiêu chỉ 50$ cho một bộ khung của máy, và tiến tới thương mại hóa đầu năm 2017.
Tuy nhiên thì mọi việc lại không được suôn sẻ như vậy. Đầu tháng 9 năm 2016, họ đưa tin rằng sẽ đưa dự án này tới tay các nhà phát triển bên thứ 3, và cũng chính họ đã thông báo rằng dự án sẽ bị hủy bỏ cùng ngày hôm đó..
Theo mình dịch từ Wikipedia !
Dự án này nếu được thương mại hóa sẽ tạo ra một số lượng lớn các nhà sản xuất bên thứ 3, và một lượng lớn các nhà sản xuất phụ kiện được coi là chính hãng.
Dự định ban đầu của Google là họ muốn tạo ra một quy chuẩn cho các module và cả main của thiết bị. Các khung sẽ có 3 size cơ bản như sau:
Tốc độ truyền tải dữ liệu của các module sẽ có thể lên tới 10Gbit/s
Trừ phần khung gồm các linh kiện buộc phải có như SoC, Ram, Rom, Antena, màn hình các linh kiện không bắt buộc hoặc có thể thay thế như màn hình phụ, loa, camera và pin sẽ ở dưới dạng module.
Ngoài ra, bạn có thể trang bị cho máy bạn thật nhiều thứ lung tung, linh tinh khác nữa như cảm biến đo nhịp tim, đèn lazer, cảm biến hồng ngoại cho camera, dao cạo râu, phím vật lý chơi game, …. vân vân và mây mây.
Google cũng đã tính tới việc đăng tải mã nguồn mở về quy trình phát triển module cho các OEM, không yêu cầu trả phí bản quyền, tương tự như AOSP (mã nguồn mở của Android).
Điều này có thể sẽ mở đường cho một nền tảng mua bán trực tuyến các module được kiểm duyệt bởi Google, tương tự như Google Play Store.
Phần mềm của khung cũng sẽ kiểm duyệt các module bạn lắp vào máy, hoặc bạn có thể tắt nó đi để sử dụng module chưa kiểm duyệt, như kiểu bạn cài đặt file APK cho máy Android vậy (những ứng dụng không có trên Google Play).
Nó giống như bạn chơi lego ấy. Rất nhiều hãng tàu nhái theo Lego, rất rẻ, rất nhiều mẫu mã, nhưng những mảnh Lego tàu sẽ chỉ có thể lắp với nhau hoặc hên xui lắp được với hãng nhái khác, nhưng khó mà lắp vừa mảnh Lego xịn do chỉ cần 1 vài sai sót về kích thước sẽ khiến chúng không ăn khớp.
Đó là lý do đến cả phần cứng như module cũng cần một mã nguồn mở để làm theo, và cần một phần mềm để kiểm duyệt, đương nhiên tất cả điều này cũng là vì lợi ích của khách hàng rồi và uy tín của công ty..
#2. Lý do Project Ara bị khai tử?
Google chắc chắn đã thấy sự khó khăn khi “bắt” các OEM phải tạo ra các phần cứng ở dạng module và tương thích được với nhau qua nhiều phiên bản.
Ví dụ như này đi:
Ở năm 2016, công nghệ cơ bản của 1 frame sẽ như điện thoại thời đó, bao gồm cảm biến vân tay vật lý, camera trước đơn và camera sau kép, hỗ trợ 4G, Bluetooth 4.0, sạc microUSB, công suất sạc chỉ dưới 20W, và theo mục tiêu lúc đầu Google đặt ra, bạn sẽ dùng nó trong 3 năm.
Thế thì bạn lấy đâu ra 5G, vân tay âm màn, camera trước kép và 3D, camera sau có độ phân giải lên tới 108MP và Super Zoom, sạc 200W, USB Type C và nhiều hơn thế nữa?
Tiếp theo: Google đã định chuyển project này cho bên thứ 3 nhưng có vẻ như không bên nào đủ tốt để hoàn thành được project này.
Bản thân project Ara là cực kì tiềm năng, ngay từ chục năm trước, khi mà thị trường còn chưa thật sự vào khuôn và chưa tới mức bão hòa, Ara đã là một project rất khác và rất “điên” khi đó.
Càng về sau, độ tiềm năng của nó càng giảm đi khi thị trường đã vào khuôn. Thời điểm đó, Google cần một nhà sản xuất có đủ năng lực và tiềm lực tham gia vào project để có thể tạo ra một bước ngoặt cho thị trường.
Nhưng điều này đã không xảy ra, và cũng không bên thứ 3 nào đủ sức để tiếp tục nghiên cứu hay thuyết phục được các hãng lớn cùng tham gia.
Thứ 3: Nếu thành công thì dự án Project Ara có thật là tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường không?
Theo như tính toán thì không !
Trên lý thuyết, nếu có quá nhiều bên thứ 3 tham gia sản xuất module, số lượng nguyên vật liệu họ nhập về để sản xuất phần cứng là không nhiều, cũng có nghĩa là giá tiền trên sản phẩm sẽ cao.
Và việc họ upgrade module của mình qua từng phiên bản cũng mang lại nhu cầu nâng cấp cho người dùng. Tức là lượng rác công nghệ thải ra vẫn rất cao !
Và cuối cùng: Mức độ tiện dụng cũng không hề cao đến thế.
Tính đa dụng cao là rõ ràng, nhưng một chiếc máy có tới vài lớp vách ngăn cho mỗi bộ phận thì bạn nghĩ nó sẽ dày và nặng tới mức nào? Lại còn chưa nói tới việc sửa chữa một sản phẩm có tới mấy OEM góp phần cứng vào nữa?
Mọi vấn đề bất cập đã được Google nhìn thấy, vậy nên họ đã quyết định rời bỏ project này thay vì tiếp tục tối ưu, và như vậy Ara rơi vào dĩ vãng !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn