Chắc hẳn các bạn đã quen thuộc với hãng công nghệ này của Trung Quốc rồi đúng không nhỉ, mình vốn không ưa đồ Tàu nhưng công nhận những thứ mà hãng Xiaomi này làm ra luôn khiến mình liên tưởng đến những sản phẩm hoàn hảo của Apple.
Thiết kế có độ hoàn thiện cao, công năng độc dị nhưng rất thiết thực, chủng loại sản phẩm cực kỳ đa dạng và phong phú: từ camera, smartphone cho đến nồi điện, máy hút bụi, bàn chải thông minh, kính… đặc biệt là đi kèm với giá thành tương đối rẻ.
Đầu năm 2021, Xiaomi đã “chơi lớn” khi ra mắt công nghệ sạc “không khí” Mi Air Charge Technology – một thiết bị sạc không dây đúng nghĩa luôn !
Như các bạn đã biết, sạc không dây bình thường thông qua đế sạc vẫn cần phải có sự tiếp xúc, loại sạc này đã có từ lâu và cũng khá phổ biến rồi.
Nhưng sạc mà chỉ cần đứng trong phạm vi vài mét là đã thực hiện được (kiểu như điện thoại bạn bắt sóng WiFi hay Bluetooth vậy) thì đây quả là một sáng kiến mới và rất táo bạo.
Thiết bị của bạn chỉ cần nằm trong phạm vi bán kính “phủ sóng” của bộ sạc “không khí” AirCharge là được, khỏi lo dây dợ rườm rà, khỏi lo đặt phải đúng vị trí mới sạc nhanh được,…
Mục Lục Nội Dung
#1. Nguyên lý đơn giản, kỹ thuật phức tạp
Ở góc độ kỹ thuật thì theo nguyên mẫu được Xiaomi đem ra giới thiệu:
– “Củ sạc” Air Charge bao gồm 5 ăng-ten công nghệ cao (Phase Interference Antenna) cho phép định hướng vị trí thiết bị cần sạc.
=> Sau đó bộ phát năng lượng “Phase Control Array” bao gồm 144 ăng-ten sẽ truyền sóng năng lượng cỡ milimet-wide trực tiếp vào thiết bị nhờ công nghệ truyền sóng radio tiên tiến “beamforming” (đang được ứng dụng vào mạng 5G và WiFi 6).
– Về thiết bị đầu cuối (đương nhiên thiết bị đó phải hỗ trợ Air Charge), ví dụ smartphone, tablet, smartwatch,… có bộ thu nhận sóng gồm 2 thành phần:
- Ăng-ten gửi thông tin về vị trí/hướng tiếp cận của thiết bị cho “củ sạc” gọi là: “Beacon Antenna”.
- Tiếp theo là bộ ăng-ten thu năng lượng sóng “Receiving Antenna Array” cấu thành từ 14 ăng-ten con, có nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng dạng sóng Milimeter-wave-signal sang năng lượng điện (nhờ vào mạch chuyển đổi “Rectifier Circuit”), và Pin của thiết bị đầu cuối sẽ được sạc bằng dòng này.
Ở giai đoạn đầu, lúc “debut” sản phẩm thì Xiaomi công bố hệ thống sạc này có công suất là 5W (hỗ trợ sạc nhiều thiết bị cùng lúc 5W/thiết bị).
Điểm đặc biết là bạn hoàn toàn có thể sạc “xuyên tường” miễn là vật cản đó không quá lớn, không quá dày, hay mang chất liệu cản sóng radio như: giấy bọc nhôm, nam châm,…
#2. Cuộc sống hoàn toàn không dây trở thành hiện thực
Xiaomi đang nỗ lực hoàn thiện “củ sạc không dây” này để có thể hỗ trợ một phần các thiết bị hiện có, cũng như kết hợp với các hãng công nghệ để cho ra chuẩn sạc chung cho mọi thiết bị, trong tương lai bạn sẽ không phải lo mua củ sạc riêng cho từng loại, cũng như từng hãng thiết bị nữa.
Thật tuyệt vời khi tương lai: điện thoại, smartwatch, loa, đèn, camera,… không cần dùng dây dợ rườm rà để sạc/cấp nguồn nữa, chả phải lo nơm nớp khi ra ngoài không mang sạc dự phòng, hay suốt ngày chăm chăm nhìn % Pin trên màn hình!
#3. Một lời công bằng cho các hãng công nghệ Trung Quốc
Không thể phủ nhận là những hãng công nghệ của Trung Quốc có những đóng góp không nhỏ cho thế giới với những sản phẩm sáng tạo, chất lượng mà giá thành phải chăng và đi đầu trong việc hiện thực hóa những ý tưởng công nghệ táo bạo.
Đơn cử như công nghệ sạc nhanh không dây Wireless Charge công suất siêu cao: Vào cuối năm 2020, Xiaomi công bố công nghệ sạc lên đến 80W, dẫn đầu trong làng sạc nhanh (bạn thử tưởng tượng con máy Mi 10 Pro và Mi 10 Ultra với viên Pin 4000mAh đạt 50% sau 8 phút, và sạc đầy sau 19 phút, thật vãi linh hồn :D).
Một hãng khác của Tàu là OPPO cũng nhanh chân cho ra sạc 65W có thể sạc đầy viên Pin 4000mAh trong vòng 30 phút.
Trong khi đó ở các nước khác, các hãng khác không ham hố lắm với cuộc đua công suất sạc, có chăng là Apple MagSafe cho iPhone 12 cũng chỉ có 15W hay OnePlus 8 Pro với sạc 30W,… (nên nhớ là OnePlus cũng bắt nguồn từ Trung Quốc).
#4. Tổng kết
- Tại sao phải dùng CARD ĐỒ HỌA để nghiên cứu AI?
- 5 nguyên nhân chính khiến điện thoại nóng lên rất nhanh
- Cách tạo Số Tài Khoản giống y hệt Số điện thoại với MB Bank
Dẫu rằng Xiaomi vẫn chưa có sản phẩm chính thức để bán ra thị trường, nhưng việc từ một ý tưởng tuyệt vời là Air Charge trở thành một sản phẩm Beta được thử nghiệm thì việc thương mại hóa nó cho người dùng tận hưởng thành tựu công nghệ không còn là tương lai xa nữa.
Việc nói các hãng của Tàu toàn copy và nhái công nghệ, hay bán đồ chất lượng kém cũng không hoàn toàn chính xác cho lắm, có chăng các con buôn nhập đồ lởm về bán giá rẻ mà thôi ^^!
Okay, chúng ta hãy cùng chờ đón một sản phẩm chất lượng tới từ Xiaomi……..
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com