Nếu như bài viết: Vai trò của Internet đối với học sinh hướng đến các bậc phụ huynh có cái nhìn quá khắt khe với Internet thì bài viết này sẽ hoàn toàn ngược lại..
Đối tượng chính cũng là phụ huynh, nhưng là những phụ huynh có cái nhìn quá thoáng với Internet. Cho rằng Internet là công cụ vạn năng, Google là giáo sư của giáo sư, …
=> Dẫn đến việc không quản lý, không quan tâm, không nhắc nhở con em mình…. để rồi gây nên những hậu quả và hệ lụy khôn lường.
Mục Lục Nội Dung
#1. Ảnh hưởng đến đời sống thực tế
Internet là thế giới ảo, nhưng những hệ lụy mà nó mang lại là thật, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thực của các em.
- Nhiều học sinh nghiện Internet, tìm đến nó bất cứ lúc nào, tất cả chỉ là để lướt web, lướt mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim, game online … => để rồi quên đi cuộc sống thực tế.
- Nhiều học sinh vì quá đam mê với các Game Online mà quên ăn, quên ngủ => ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kết quả học tập.
- Nhiều học sinh dễ dàng kết bạn, tin tưởng với những người mới chỉ quen biết qua loa trên Internet => nên bị dụ dỗ, lừa tiền và lừa tình.
#2. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Internet không phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên các vấn đề về sức khỏe, nhưng khi sử dụng Internet quá đà sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến cả thể chất lẫn tinh thần:
- Khả năng giao tiếp kém, không thích đến chỗ đông người, chỉ thích ở một mình và nguy hiểm nhất là tăng nguy cơ mất bệnh trầm cảm.
- Thời gian ngồi trước màn hình tỉ lệ thuận với bệnh béo phí, đặc biệt là với những em không thích vận động, thích ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn ngọt và nước uống có ga.
- Tật khúc xạ cũng là một trong những căn bệnh thường gặp khi sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng trong thời gian dài.
#3. Ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy
“Giáo sư Gu Gồ” giúp các em không cần chờ đợi, không cần động não mà vẫn có được kết quả ngay lập tức. “Giáo sư Gu Gồ cơ bản là người tốt”, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ khiến các em mất kiến thức cơ bản, ảnh hướng tiêu cực đến nhận thức và tư duy.
- Nhập bài toán vào Internet để tìm kiếm lời giải => quên đi các định nghĩa, định lí, giảm khả năng tính toán và phân tích mang tính logic.
- Nhập “đoạn văn bản tiếng Việt” vào Google Dịch rồi chép “đoạn văn bản tiếng Anh” => quên đi từ vựng, ngữ pháp.
#4. Ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển thể chất
Sử dụng Internet càng nhiều thì kết quả học tập càng kém.
Thật vậy
Học lực | Thời gian truy cập Internet trung bình |
Xuất sắc, giỏi | 17.6 giờ / tuần |
Yếu, kém | 31.9 giờ / tuần |
Số liệu trên được trích dẫn trong quyển Một số giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng Internet, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2021.
Mặt khác, khi dành quá nhiều thời gian cho việc truy cập Internet thì các em cũng không có thời gian để vận động, hay tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất của các em.
#5. Ảnh hưởng đến quyền riêng tư
Chúng ta đều biết rằng, việc cung cấp càng nhiều thông tin cá nhân lên Internet thì khả năng gặp phải rủi ro về bảo mật càng cao.
Các em học sinh thì hầu như không biết điều này, chỉ cần có yêu cầu là các em sẽ cung cấp, chủ yếu là thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng đó là tạo, rồi tham gia vào các nhóm, diễn đàn, các phòng trò chuyện trực tuyến, … để tìm kiếm thông tin của các em.
Sau đó bọn chúng sẽ nhắn tin làm quen, chúng luôn trang bị cho mình một cái vỏ bọc hoàn hảo (người có tri thức, có kinh tế, hiểu tâm sinh lý, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ).
Ban đầu thì chủ đề là học tập, vui chơi, … dần dần chúng sẽ chuyển sang tình yêu, tình dục.
#6. Ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong gia đình
Một số phụ huynh do sự hiểu biết còn hạn chế về các kiến thức Internet, từ đó không thể quản lý được việc sử dụng Internet của các em sao cho hiệu quả nhất.
Số khác thì có khá hơn, nhưng vì quá bận rộn với công việc của cơ quan, khi tan ca lại bận rộn với công việc của gia đình nên không có thời gian dành cho các em, không quan tâm sát sao đến các em.
Dẫn đến việc các em thường xuyên phải chơi một mình, thường là lướt mạng xã hội, lướt web, xem phim, nghe nhạc, chơi trò chơi trực tuyến, trò chuyện trực tuyến, …
Lâu dần trở thành thói quen không thể thiếu, từ đó cảm giác gần gũi, trò chuyện với cha, mẹ, anh, chị, em, … sẽ dần mất đi.
#7. Lời kết
Đó là những ảnh hưởng tiêu cực của Internet đối với học sinh mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ngay được.
Nói chung thì Internet hay bất kì một thành tựu khoa học kỹ thuật nào cũng vậy, cũng luôn mang trên mình những lợi ích, cũng như tác hại.
Chúng luôn tồn tại song song và đối lập với nhau, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết cách khai thác tối đa những lợi ích, đồng thời giảm thiểu tối đa những tác hại của chúng.
Muốn làm được như vậy thì chúng ta cần phải tìm hiểu một cách có hệ thống về thành tựu mà mình quan tâm, từ đó sẽ có được cái nhìn khách quan, đa chiều và chính xác hơn. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo..
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com