Game Online – hay còn gọi là trò chơi trực tuyến là một thuật ngữ dùng để chỉ các dịch vụ/ phần mềm giải trí trên Internet.
Xét về bản chất thì trò chơi trực tuyến cũng là trò chơi điện tử, nhưng nó cho phép nhiều người cùng chơi trong cùng một thời điểm.
Có rất nhiều trò chơi trực tuyến khác nhau nhưng tất cả chúng đều có 4 điểm chung là NHIỆM VỤ, TÀI SẢN ảo, CHỢ MUA BÁN (CỬA HÀNG) và chức năng LẬP CÁC ĐỘI CHƠI.
Muốn giải quyết được tình trạng nghiện game online ở lứa tuổi học sinh thì trước hết chúng ta cần phải tìm được nguyên nhân trước đã, sau đó mới đến bước tìm giải pháp khắc phục.
Dưới đây là 5 nguyên nhân chính dẫn đến nghiện game, ngoài ra thì còn một số nguyên nhân khác – nó phụ thuộc vào cá nhân các em và các yếu tố khách quan.
Mục Lục Nội Dung
#1. Sự hấp dẫn của các trò chơi trực tuyến
Các nhà phát hành game online rất tâm lý, họ thuê cả một chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia làm cố vấn. Dưới sự cố vấn của các chuyên gia thì nhiều game đã đánh trúng tâm lý của người chơi và đáp ứng được nhu cầu giải trí của các em.
Vâng: Sinh động, lôi cuốn, hồi hộp, thậm chí hấp dẫn hơn cả cuộc sống thực tế đó là những gì mà các trò chơi trực tuyến đã và đang mang lại.
#2. Tâm lý chưa ổn định do đang ở tuổi dậy thì
Đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý của các em sẽ thay đổi rất nhiều, các em muốn trở thành người lớn, muốn khẳng định mình và muốn được tôn trọng.
Trong khi đó, cha mẹ vì quá bận rộn với công việc nên chưa quan tâm đúng mức hoặc phương pháp giáo dục chưa phù hợp => các em cảm thấy cơ đơn, bất mãn và chán chường.
Lúc này các em sẽ tìm đến những thú vui khác, ví dụ như game, vì nó rất dễ tiếp cận, rất nhiều người chơi. Khi tham gia vào các game online và giành được chiến thắng thì các em sẽ có cảm giác khẳng định được mình, được tôn trọng, được khen ngợi, …
#3. Thiếu địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh
Người lớn chúng ta ai cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí và tất nhiên là các em học sinh cũng không phải ngoại lệ, thậm chí là nhu cầu đó còn nhiều hơn. Các em đang ở tuổi ăn tuổi chơi mà !
Hiện nay ở các thành phố lớn tuy đã có khá nhiều khu vui chơi giải trí, nhưng thực sự là chúng không được thu hút và hấp dẫn cho lắm.
Ở nông thôn thì gần như là không có luôn, cả huyện của mình không có lấy nổi một cái công viên để đi bộ nữa. Nghĩ mà thấy tủi ◔◡◔
Chính vì thế, để thỏa mãn nhu cầu được giải trí thì các em sẽ tìm kiếm các hình thức giải trí khác. Và rõ ràng rồi, Internet là hình thức dễ tiếp cận nhất và Game Online lại là một trong những hình thức giải trí rất hấp dẫn nữa.
#4. Yếu kém trong cuộc sống thực tế
Một phần không nhỏ các em nghiện Game Online là do những yếu kém, chán chường trong cuộc sống thực tại (không tài năng, không được công nhận, không được tôn trọng, …)
Tuy nhiên, trong game thì các em lại là những thiên tài, được đông đảo các “game thủ” công nhận và được tôn trọng => các em chơi như một cách để khẳng định mình vậy.
Những em nghiện trò chơi trực tuyến thường sẽ rơi vào một trong 4 trường hợp sau:
- Học lực yếu kém
- Không biết hoặc không thích chơi các bộ môn thể thao thể chất.
- Không có người yêu
- Gặp biến cố trong cuộc sống, cha mẹ li thân là một trong những biến cố lớn nhất
#5. Ảnh hưởng từ môi trường sống
Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Câu này luôn đúng !
Nguyên một nhóm bạn chơi chung mà tất cả đều mê game, chỉ có một em duy nhất là không chơi thì sớm hay muộn, nhiều khả năng em này cũng sẽ tham gia vào game hoặc là tự nhóm. Mà trường hợp tự rời nhóm thì hiếm lắm.
Ban đầu thì chỉ thử chơi xem có gì vui, có gì hấp dẫn hay không thôi, … nhưng chơi nhiều rồi thành ra nghiện lúc nào không hay.
Ngay cả với người lớn chúng ta, những người đã có nhiều kinh nghiệm sống, thì việc đấu tranh với chính bản thân mình khi cám dỗ quây quanh cũng là điều vô cùng khó, huống chi là trẻ nhỏ, đang ở lứa tuổi học sinh.
#6. Lời kết
Tóm lại, thực trạng nghiện Game Online của học sinh hiện nay bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, mà điển hình nhất là các nguyên nhân mình vừa kể trên, như là tâm lý, sinh lý, gia đình, xã hội
Vì vậy, để giải quyết được thực trạng này thì chúng ta cần một hệ thống rất nhiều giải pháp chứ không chỉ đơn lẻ là tác động đến nhận thức của các em. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo nhé.
CTV: Nhựt Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com