Vâng, với những công nghệ mà điện thoại ngày nay đang được trang bị thì nó đang dần trở thành một thiết bị chụp ảnh và quay phim vô cùng chất lượng và chuyên nghiệp.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng, trong tương lai thì smartphone có thể thay thế những thiết bị quay phim và chụp ảnh chuyên nghiệp. Một trong những công nghệ góp phần vào điều này chính là công nghệ chống rung.
Đọc thêm:
- Snapdragon 888 sẽ nâng cao trải nghiệm camera điện thoại
- Tại sao 12MP là độ phân giải hợp lí nhất cho camera điện thoại?
Mục Lục Nội Dung
I. Công nghệ chống rung là gì?
Về cơ bản, khi camera của điện thoại hoạt động thì nó sẽ tiến hành thu thập ánh sáng và các dữ liệu cần thiết như là chiều sâu vật thể, chi tiết xung quanh vật thể….
Trong khoảng thời gian này thì bất kì một sự dịch chuyển nhẹ nào của điện thoại, cũng khiến cho việc thu thập dữ liệu của camera trở nên không chính xác. Khi đó thì hình ảnh cho ra sẽ bị nhòe, bị mờ, không rõ và out nét….
Một ví dụ cho các bạn dễ hình dung đó là, khi bạn đang ngồi xem Tivi mà chiếc Tivi đó cứ lắc qua lắc lại => lúc này bạn có còn nhìn rõ những hình ảnh trên Tivi được không?
=> Từ đó thì công nghệ chống rung được phát triển và áp dụng phổ biến lên điện thoại và máy ảnh !
Hiểu đơn giản thì công nghệ chống rung sẽ triệt tiêu những ảnh hưởng của sự di chuyển camera, giảm thiểu tình trạng bị rung lắc khi bạn chụp ảnh hoặc quay video..
Quay trở lại với ví dụ chiếc Tivi cứ lắc qua lắc lại. Rõ ràng là khi Tivi chuyển động mà bạn đứng yên thì hình ảnh mà bạn xem sẽ không được rõ ràng nữa. Nhưng nếu cả bạn và Tivi cùng lắc qua lắc lại như nhau thì bạn sẽ cảm thấy ít bị mờ hơn, thậm chí là không bị mờ gì nữa.
Vâng, nguyên lý hoạt động của công nghệ chống rung cũng hoàn toàn tương tự như vậy thôi !
Theo mình tìm hiểu thì trên thị trường hiện nay đang có 3 loại chống rung được thương mại trên các dòng điện thoại phổ thông, đó là:
#1. Chống rung quang học OIS
Sở dĩ được gọi là chống rung quang học vì công nghệ này điều khiển vào cụm camera của máy để giảm rung lắc.
OIS (Optical Image Stabilization là công nghệ chống rung sử dụng con quay hồi chuyển của hệ thống cơ điện tử Micro-Electro-Mechanical System (MEMS), nhờ đó nó có thể phát hiện chuyển động của máy và chỉnh camera theo ý muốn.
Ví dụ đơn giản và dễ hiểu nhất là khi bạn đang quay video bằng smartphone, khi bạn thực hiện di chuyển camera điện thoại sang bên trái thì công nghệ chống rung OIS sẽ phát hiện ra và dịch chuyển camera sang bên phải..
Ưu điểm của công nghệ này là chất lượng video đầu ra không xảy ra hiện tượng cắt xén hình ảnh nào, hình ảnh mượt mà, tự nhiên và không gây khó chịu cho người xem.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, không phải công nghệ OIS của hãng nào cũng có chất lượng như nhau, nên có thể điện thoại có cùng chức năng OIS đấy, nhưng video cho ra có chất lượng chống rung rất khác nhau.
Vì phải tác động tới cụm camera nên để hoạt động tốt thì chi phí xây dựng phần cứng OIS cũng khá max, ngoài ra thì nhà sản xuất cũng phải tối ưu phần cứng với phần mềm nên chi phí khá cao.
Chính vì thế mà không khó hiểu khi công nghệ này thường nổi bật và phát huy tốt công dụng của nó trên các máy cao cấp và cận cao cấp.
Một số dòng điện thoại có sử dụng công nghệ chống rung OIS đó là: iPhone, Samsung Note….
#2. Chống rung điện tử EIS
Nghe cái tên không thôi thì chúng ta cũng đã ngầm hiểu được rồi, công nghệ này chống rung được không phải là nhờ phần cứng, mà là sự can thiệp từ phần mềm/ thuật toán.
EIS (Electric Image Stabilization) hoạt động bằng cách sử dụng gia tốc kế điện thoại để phát hiện ra các chuyển động khi điện thoại dịch chuyển, sau đó phần mềm camera trên máy sẽ xử lý các chuyển động đó và cho ra hình ảnh cuối cùng.
Về nguyên lý hoạt động thì EIS sẽ thu thập những dữ liệu hình ảnh trước khi bị rung, bao gồm độ sáng, chi tiết ảnh, độ sâu….
Các dữ liệu này sẽ được tạm lưu vào bộ nhớ và sau khi quay xong thì phần mềm sẽ kết hợp hai nguồn dữ liệu này với nhau để cho ra video cuối cùng với chất lượng tốt nhất.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì khi camera được bật, hệ thống EIS sẽ liên tục thu hình ảnh trước khi camera bị chuyển động. Chúng sẽ là dữ liệu để phần mềm xử lý khi camera bị chuyển động và không bắt được hình ảnh.
Đây cũng là điểm yếu của EIS, vì hình ảnh được thu trước và nhờ phần mềm xử lí nên đôi lúc hình ảnh mà EIS cho ra sẽ không được tốt lắm.
Tuy nhiên, công nghệ này hoàn toàn có thể xử lý được nhờ sự cải tiến phần mềm, đặc biệt là thuật toán AI đang được phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Hãng điện thoại sử dụng công nghệ chống rung EIS rất thành công đó là Sony, với dòng flagship Xperia Z của họ. Ngoài ra thì Google Pixel cũng làm điều này vô cùng tốt…
Ưu điểm của chống rung EIS:
- Tiết kiệm chi phí hơn so với chống rung quang học OIS.
- Có thể dễ dàng tích hợp vào các máy điện thoại hoặc là máy ảnh nhỏ, vì đâu cần phải thêm phần cứng gì đâu 😀
Nhược điểm của chống rung EIS:
- Như mình đã nói bên trên, chống rung điện tử EIS sẽ không hiệu quả bằng chống rung quang học OIS được.
#3. Công nghệ chống rung HIS
HIS (Hybrid Image Stabilization) là sự kết hợp của cả hai công nghệ chống rung OIS và EIS, điều này rõ ràng tạo nên sự cân bằng giữa ưu và nhược của cả 2 công nghệ OIS và ESI.
Nhờ sự kết hợp này, chất lượng hình ảnh cho ra rất tốt, hình ảnh không bị biến dạng, không gây cảm giác ảo khi xem video…
Google đã áp dụng rất thành công công nghệ chống rung này cho dòng điện thoại cao cấp của họ: Google Pixel 4 chụp thiên văn như thế nào: Vì sao nó là sự đột phá?
Tuy nhiên, để kết hợp được cả 2 công nghệ này một cách hiệu quả thì không phải là điều dễ. Nghĩa là hệ thống cần phải có phần cứng tốt (camera, cảm biến…) đồng thời phần mềm cũng phải xử lý thật tốt nữa.
=> Vì thế không có quá nhiều hãng điện thoại kết hợp cả 2 công nghệ này.
Chống rung trên điện thoại tuy ngày càng phát triển hơn, nhưng do bị giới hạn về vật lý, không có đủ không gian để các nhà sản xuất thỏa mái sáng tạo nên nó chỉ giảm thiểu phần nào việc rung lắc khi di chuyển mà thôi.
Chính vì vậy, các thiết bị chống rung chuyên nghiệp cho điện thoại (gọi là gimbal) vẫn luôn là sự lựa chọn cho những ai phải quay video nhiều và liên tục.
Chất lượng mà nó mang lại là khác biệt hoàn toàn so với các hệ thống chống rung có sẵn trên điện thoại: hình ảnh rõ nét hơn, không biến dạng và cực kì mượt với mắt người xem…
Điểm yếu của nó có lẽ chỉ là hơi cồng kềnh khi sử dụng và giá thành cho một thiết bị chống rung tốt là không phải rẻ.
II. Vậy khi mua điện thoại nên ưu tiên công nghệ chống rung nào?
Vâng, một câu hỏi có vẻ như hơi thừa, vì cứ loại nào đắt tiền hơn thì mua thôi, ưu tiên theo thứ tự: HIS > OIS > EIS.
Nói chung là tùy thuộc vào nhu cầu và kinh tế của bạn mà lựa chọn một thiết bị phù hợp. Tuy nhiên thì nên ưu tiên cho OIS và HIS hơn.
Có thể trong tương lai, công nghệ chống rung trên điện thoại sẻ được cải tiến cả về phần cứng lẫn phần mềm. Khi đó nó sẻ tiệm cận hơn với các gimbal hiện nay và sẽ khiến việc quay phim trên điện thoại thành trải nghiệm thú vị hơn.
Hi vọng là bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ chế hoạt động của công nghệ chống rung và các loại công nghệ chống rung phổ biến hiện nay. Chúc các bạn có thể nhiều kiến thức hữu ích khi ghé thăm Blog Chia Sẻ Kiến Thức !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com