Trong bài viết về Sony Xperia 1 II lần trước thì mình đã nói về việc chiếc máy này có 3 camera sau, với độ phân giải lần lượt là 12MP, 12MP và 12MP như trên chiếc Sony Xperia 1 trước đây. Sony quyết định không cần đưa lên số chấm cao hơn cho camera của họ là có lý do cả.
Các bạn có thể để ý một điều, các OEM có smartphone nhiếp ảnh đỉnh cao khác như iPhone 11 Pro Max hay là Google Pixel 4 cũng chỉ có cụm 3 camera sau đều là 12MP không. Vậy con số này có nghĩa như thế nào? nếu như bạn đang có cùng thắc mắc trên thì hãy cùng mình tìm hiểu ở trong bài viết này nhé !
Mục Lục Nội Dung
#1. Số chấm camera trên smartphone?
Vâng, các bạn có thể hiểu đơn giản là số Pixel của một bức ảnh mà smartphone đó chụp ra, hoặc độ phân giải tối đa của một video mà bạn quay. Cụ thể, cứ 1MP là 1 triệu điểm ảnh, và 12MP là 12 triệu điểm ảnh.
12MP là số chấm khá huyền thoại, vì đây là số chấm camera sau của iPhone từ tận đời iPhone 6 cho tới bây giờ là iPhone 11 Pro Max cao nhất bây giờ.
Google Pixel từ thế hệ thứ 1 tới thế hệ thứ 4 cũng thế. Samsung Galaxy S có cảm biến camera chính cũng vậy, nhưng đến chiếc Galaxy S20 năm nay thì không.
Sony là OEM sản xuất cảm biến hàng đầu thế giới, mà các thương hiệu smartphone nổi tiếng nhất hiện nay như Samsung, Xiaomi, Huawei,… hầu hết đều đang dùng, nhưng từ khi chiếc Sony Xperia về cùng nhà với mảng máy ảnh Alpha thì tất cả camera sau đều đã là 12MP.
Còn những OEM smartphone Trung Quốc thì không nói, họ vẫn đang trong cuộc đua cảm biến: Từ 16MP, tới 48MP, 64MP và bây giờ là 108MP của Xiaomi và Samsung.
Trên lí thuyết, số chấm của camera càng lớn thì sẽ cho ra bức ảnh có độ chi tiết càng cao hơn. Nhưng tất nhiên nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chất lượng ảnh có thể ngược lại với số chấm…
Vậy trở lại với câu hỏi ở đầu bài, tại sao con số 12MP là số chấm tối ưu nhất?
#2. Lí do 12MP là số chấm tối ưu nhất cho camera?
Đầu tiên, hãy xem lí do mà Google và Apple chọn số chấm này trước đã:
Bản chất của 2 OEM này là 2 hãng muốn đem lại cho người dùng những trải nghiệm đơn giản, dễ dàng và trọn vẹn nhất.
Một cảm biến 12MP sẽ cho ra những bức ảnh có đủ độ chi tiết mà vẫn không quá nặng, để các thuật toán và AI có thể xử lí nhanh hơn, lưu trữ dễ dàng hơn, và chiếm ít dung lượng bộ nhớ của máy hơn,….
Phần mềm của các smartphone này sẽ xử lý hầu hết các tác vụ để tạo ra một tấm ảnh hoặc một video tốt nhất, hoàn thiện nhất mà không cần tới độ khủng từ phần cứng cũng như phần mềm.
Trừ Sony ra, vì phần mềm/thuật toán chụp ảnh của họ vẫn còn kém, hay có thể nói là chưa thông minh lắm, nên người dùng cần phải có chút ít tay nghề thì mới sử dụng được hết toàn bộ công nghệ mà họ cung cấp.
Tiếp theo: Màn hình smartphone chỉ mới tới 4K, tức là với một tấm ảnh để hiển thị Full thì số điểm ảnh của một bức ảnh 12MP còn lớn hơn cả số điểm ảnh hiển thị được trên màn hình 4K. Cả TiVi hay màn hình PC cũng chủ yếu chỉ có độ phân giải dừng lại ở đây, vì lên 8K giá thành sẽ rất đắt.
Cảm biến độ phân giải càng cao, giá thành sẽ càng lớn, và đương nhiên là kích thước của cảm biến cũng sẽ lớn hơn.
Một cảm biến chính lớn thì có thể không sao, nhưng nếu tất cả đều là cảm biến có số chấm siêu to khổng lồ như thế thì giá thành và thiết kế sẽ trở thành một vấn đề khó giải quyết, trong khi chất lượng ảnh cho ra thì chưa chắc đã tốt lên.
Để có độ phân giải cao cho một bức ảnh thì OEM sẽ phải đánh đổi một số thứ như Dynamic Range và khả năng thu sáng, để đổi lấy độ chi tiết tối đa.
Đối với người dùng chuyên Photoshop, một bức ảnh như vậy đem lại khả năng chỉnh sửa cao, nhưng đối với người dùng phổ thông, nhiều khi họ chỉ cần giơ lên để chụp, họ muốn có một bức ảnh chụp phát ưng luôn cơ.
Các OEM hiểu điều này, nên họ cung cấp khả năng gộp điểm ảnh 4 thành 1 cho camera chính có độ phân giải cao. Thì dù sao trên lí thuyết, họ cũng đã giải quyết được vấn đề chất lượng ảnh.
#3. Kết Luận
Trên đây là những lí do mà các OEM smartphone top đầu về nhiếp ảnh lại chỉ sử dụng cảm biến 12MP, chứ không như một số hãng nào đó đu lên 64MP hay 108MP chỉ để khoe.
Còn theo bạn thì sao? Số chấm to liệu có cần thiết đối với bạn không? Hãy để lại comment ý kiến các bạn ở bên dưới bài viết này nhé !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com