Ép xung màn hình ư? nghe có vẻ hơi lạ nhỉ?
Chắc hẳn bạn đã ít nhiều nghe về ép xung CPU, ép xung Card đồ họa hay ép xung Ram… Chứ ép xung màn hình nghe hơi ảo ảo đúng không 😀
Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem ép xung màn hình là gì nhé, để xem nó hoạt động ra sao? Và cần chú ý những gì khi thực hiện ép xung màn hình?
Mục Lục Nội Dung
#1. Ép xung màn hình là gì?
Thực ra thì đây là cách gọi của nhiều anh em quen với khái niệm ép xung CPU hay VGA mà thôi, chứ thực ra bản thân màn hình không thể ép xung được.
Mà “ép xung” ở đây là ý chỉ việc bạn ép cho màn hình máy tính hoạt động ở tần số quét cao hơn so với thiết lập mặc định ban đầu do nhà sản xuất đưa ra.
Ví dụ bạn đẩy tần số quét màn hình từ 60Hz lên 90Hz hoặc từ 90Hz lên 120Hz… chẳng hạn. Việc này nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng, hình ảnh hiển thị mượt hơn rõ rệt, đặc biệt là với các game cần yếu tố tần số quét cao như những tựa game FPS chẳng hạn.
Nói tóm lại, ép xung màn hình là quá trình tiến hành tùy chỉnh để ép cho hệ thống màn hình hoạt động ở tần số quét cao hơn ban đầu. Hiểu đơn giản vậy thôi !
Nếu bạn chưa biết tần số quét là gì thì hãy đọc lại bài viết TẤT TẦN TẬT VỀ TẦN SỐ QUÉT MÀN HÌNH nhé !
#2. Cách thức hoạt động như thế nào?
Như các bạn đã biết, mỗi màn hình đều có một tần số quét nhất định, chỉ số này được hiểu là là số khung hình hiển thị một giây mà màn hình có thể mang đến cho người xem.
Ví dụ màn hình có tần số quét là 60Hz thì cứ một giây, màn hình này sẽ cung cấp/ hiển thị được 60 khung hình đến cho người xem. Con số này sẽ là 75 với màn 75Hz, 90 hay 120 đối với 90Hz hay 120Hz.
Tần số quét càng cao thì hình ảnh hiển thị càng mượt và rõ nét.
Mỗi tấm nền trên màn hình đều có những thông số kĩ thuật riêng như về độ sáng, màu sắc và có cả tần số quét mà nó đáp ứng được. Thông thường chúng ta không biết được tấm nền của màn hình đang sử dụng có thể chịu được tần số quét đến bao nhiêu.
Khi ép xung màn hình bằng phần mềm phù hợp, nó sẽ can thiệp đến chip xử lý bên trong màn hình, qua đó cho phép hiển thị tần số quét cao hơn mức cài đặt mặc định.
Rất may mắn là việc áp xung màn hình không khó như ép xung CPU hay GPU, chỉ cần những phần mền đơn giản như NVIDIA Control Panel, AMD Radeon Settings hay CRU – Custom Resolution Utility là chúng ta đã có thể tự thực hiện được rồi.
Đọc thêm:
- Sự khác nhau giữa màn hình OLED và AMOLED là gì?
- Công nghệ màn hình LCD và những biến thể: IPS, TN, VA
#3. Cần chú ý gì khi ép xung màn hình?
Như bên trên mình đã đề cập đến 2 yếu tố quyết định đến tần số quét thực tế của màn hình là tấm nền và chip xử lý bên trong màn hình.
Với biện pháp phần mềm, chúng ta hoàn toàn có thể can thiệp vào chip xử lý để nó cho ra tần số quét cao hơn.
Nhưng các bạn nên nhớ rằng, ở thiết lập mặc định của nhà sản xuất chip xử lý đã được tối ưu cũng như kiểm tra độ ổn định cho tần số quét mặc định rồi. Nếu bạn thiết lập lại ở mức quá cao sẽ gây nguy hiểm đến chip xử lý khi nó liên tục phải hoạt động quá sức, thậm chí là cháy chip, hỏng màn hình…
Còn đối với yếu tố thứ 2 là tấm nền thì chúng ta không thể can thiệp vào được. Nghĩa là nếu giả dụ cứ cho rằng bạn thiết lập lại được cho chip xử lý để xuất ra tần số quét cao hơn, nhưng tấm nền của bạn không đáp ứng được thì cũng không có kết quả. Thậm chí là gây ra lỗi màn hình, lỗi tấm nền…
[CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM] 3 cách ép xung màn hình máy tính để chơi game mượt hơn
#4. Lời Kết
Như vậy chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng việc ép xung màn hình với một màn hình phổ thông là hoàn toàn mang tính hên xui.
Có thể bạn sẽ có được kết quả như ý, nhưng cũng có thể là không. Nó phụ thuộc vào chip xử lý cũng như tấm nền mà nhà sản xuất trang bị trên màn hình đó nữa.
Về những rủi ro có thể mang lại thì tốt nhất mỗi lần thay đổi tần số, chỉ nên thay đổi vài đơn vị và kiểm tra. Đồng thời xem xét về hình ảnh hiện thị trên màn hình, xem có hiện tượng chớp nháy, sai màu sắc, hay giật khung hình hay không.
Nếu ok rồi thì khi đó hãy tiến hành nâng lên tiếp, không nên nâng cấp một phát nhiều đơn vị, sẽ rất rủi ro. Vậy nên bạn hãy thử chút một, chút một để đảm bảo an toàn “tính mạng” cho màn hình nhé ^^ !
Okay, như vậy là qua bài viết này thì mình tin là bạn đã hiểu hơn về việc ép xung màn hình là gì rồi đúng không. Hi vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin bạn cần. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết. Hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn