Nếu hỏi ai là ông vua của smartphone Android hiện nay thì rất nhiều người sẽ cho rằng đó là Samsung, đó là Xiaomi hoặc đó là OPPO…
Nhưng có một “kẻ” mà ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng lại không nghĩ tới sức mạnh của nó to lớn như vậy trong thế giới smartphone, đó chính là Google !
Mục Lục Nội Dung
#1. Google không chỉ là công cụ tìm kiếm
Google được xem là cha đẻ của hệ điều hành Android, một hệ điều phổ biến nhất trên thế giới dành cho smartphone, nói rộng là là cả Tivi, Home, Xe… và nhiều thiết bị khác nữa.
Nhưng có thể bạn chưa biết, công ty sáng lập ra Android OS không phải là Google.
Ban đầu Android OS được phát triển từ công ty cùng tên Android Inc, công ty được thành lập ở California vào năm 2003. Và theo mình tìm hiểu thì Google đã tài trợ một nguồn kinh phí cho công ty này hoạt động và phát triển.
Sau đó, Google nhận thấy tiềm năng từ Android nên đến ngày 17/08/2005 đã chính thức mua lại công ty Android Inc cũng như tất cả những sản phẩm mà công ty này làm ra, trong đó có hệ điều hành Android.
Tuy nhiên, lúc đó Android vẫn chưa được định hình chính thức là sẽ dành cho các thiết di động thông minh.
Mãi tới năm 2007, một liên minh (tạm gọi là Liên Minh Thiết Bị Mở Cầm Tay) được thành lập với rất nhiều cái tên “khét tiếng” tham gia như Intel, Nvidia, LG, Qualcomm, Samsung…. Và chính vào thời gian đó, Android chính thức được giới thiệu tới công chúng.
Tới năm 2008, thiết bị di động HTC Dream được xem là thiết bị di động chạy Android thương mại hóa hoàn chỉnh đầu tiên và với Logo ban đầu của Android là hình chú Robot Mini màu xanh quen thuộc.
Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về Android thì có thể xem thêm trên Wikipedia nhé !
#2. Android và hệ sinh thái khó có thể tách rời
Google có thể nói là đã quá thông minh khi biến Android không chỉ là một hệ điều hành đơn thuần, mà còn là một hệ sinh thái, một chuỗi các dịch vụ để người dùng và thậm chí là nhà sản xuất không thể thoát ra được hệ điều hành này.
Google khiến cho người dùng và các nhà sản xuất thiết bị phần cứng phải phụ thuộc vào hệ sinh thái phần mềm của họ.
Họ đã làm như thế nào?
Đầu tiên, tất nhiên rồi – đó chính là Android, một hệ điều hành mã nguồn mở, rất dễ tùy biến và có mức độ bảo mật cao. Cộng thêm nữa là thương hiệu Google, bấy nhiêu đó thôi là quá đủ để các nhà sản xuất hay người dùng muốn gắn bó lâu dài với Android rồi.
Thứ hai, muốn chạy được các ứng dụng Android một cách “chính thống” thì chúng ta sẽ phải lên chợ ứng dụng Google Play để tải về.
Google với thương hiệu của mình, cùng với tiềm lực tài chính mạnh, cộng với vô vàn các công cụ hỗ trợ quảng bá “cây nhà lá vườn” đã nhanh chóng lôi kéo được các lập trình viên tham gia tạo ứng dụng trên nền tảng của họ.
Và không quá bất ngờ khi hiện nay, Android đã có hàng triệu ứng dụng vô cùng phong phú. Với số ứng dụng này thì Android ngày càng mạnh hơn do đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của người dùng.
Cái khó nhất của một chợ ứng dụng đó là làm thế nào để thu hút được lập trình viên tham gia, và Google đã làm quá tốt điều này.
Để thấy được tầm quan trọng của Android thì bạn hãy thử nhìn qua Huawei mà xem.
Đã có thời điểm Huawei chiếm TOP 1 thì phần smartphone trên toàn thế giới, nhưng do lệnh cấm từ Mỹ khiến Huawei không thể sử dụng được hệ điều hành Android và các dịch vụ của Google, điều này đã khiến họ khốn đốn thế nào? sống lay lắt ra sao thì các bạn đều đã rõ.
Bởi người dùng đã quá quen thuộc với Android OS và các dịch vụ của họ rồi (Google Search, Youtube, Gmail, Google Maps…) thiếu những ứng dụng như vậy thì với đại đa số người dùng, chiếc điện thoại đó không khác gì một cái xác không hồn cả.
Ngoài ra, thanh toán trực tiếp qua liên kết với các bên thứ 3, việc thanh toán ứng dụng như mua game, mua sách hay nhiều thứ khác ngày nay được tích hợp và liên kết cực kì nhanh chóng với Android.
Nó tiện lợi chỉ với vài cú nhấp chuột, nếu một nhà sản xuất nào đó muốn phát triển hệ điều hành riêng thì đây thực sự là một cửa ải không hề nhỏ.
#3. Mã nguồn mở
Nếu bạn đang thắc mắc là tại sao Google không xây dựng mã nguồn đóng như cách mà Apple đang làm với hệ điều hành iOS (rất thành công) để tối ưu hệ điều hành, để máy chạy mượt hơn và tất nhiên là để kiếm được nhiều tiền hơn thì..
Theo mình, Google đã sớm nhận ra rằng, mô hình kinh doanh của họ không giống Apple, hay ít nhất là họ không chuyên về sản xuất thiết bị phần cứng như Apple làm với iPhone.
Để hiểu thêm thì bạn đọc bài viết này: Tại sao Apple quyết định giữ độc quyền hệ điều hành iOS?
Thay vào đó, Google chọn cho mình một lối đi khác, đó là cho các nhà phát triển, các hãng sản xuất gần như là thoải mái sáng tạo với hệ điều hành Android của họ.
Với cách này, các ông lớn trong sản xuất phần cứng như Samsung, HTC, Xiaomi, OPPO, LG hay Sony… trong những ngày đầu với Android đã giúp nó tiếp cận được với nhiều người hơn.
Qua đó gián tiếp giúp Android phát triển được như ngày nay, tất nhiên trong khoảng thời gian đó, Google đã nhanh chân biến Android thành một hệ sinh thái mở với ứng dụng phong phú, tiện lợi…
Để khi mà các hãng sản xuất nhận ra rằng, họ đang quá phụ thuộc vào Google và muốn làm một cái gì đó cho riêng mình thì đã quá trễ rồi.
Điển hình như Samsung, họ từng có dự định làm hệ điều hành riêng cho điện thoại của họ nhưng mọi thứ là vô nghĩa khi Android đã ăn quá sâu vào tiềm thức người dùng cũng như hệ sinh thái của nó.
Google từ khi khai sinh đã là một công ty phần mềm và phát triển những thứ liên quan tới phần mềm, họ đã chọn đúng điểm mạnh của mình để phát huy.
Đó là chỉ phát triển Android ở phương diện phần mềm. Còn mọi thứ khác họ để cho các bên thứ 3 làm và nó đã thực sự thành công như các bạn đều đã thấy.
Ngày nay, có thể khẳng định không một chiếc điện thoại thông minh nào (trừ iPhone) có thể đủ sức sống tốt mà không có Android.
Google đã khiến Android mạnh lên theo cách của mình và chứng tỏ họ không phải là một công ty phần mềm chỉ với ứng dụng tìm kiếm. Android sẽ còn tồn tại với chúng ta rất nhiều năm nữa và Google vẫn sẽ là gã khổng lồ trong rất nhiều năm nữa.
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn