Một điểm vô lý đó là trong khi các hãng sản xuất chip CPU trên thế giới đều đang chạy đua với tiến trình sản xuất CPU, số nhân, số luồng, … thì Intel lại chơi kiểu ngược lại.
Từ tiến trình 10nm họ lùi một bước để quay trở về tiến trình 14nm và cắt giảm số nhân/luồng trên con chip thế hệ 11 mới nhất của họ, so với con chíp đời trước.
Trên thực tế, hãng AMD đã tiến đến sản xuất chip trên trình 5nm từ lâu với con chip AMD Ryzen 4000 của hãng, sang đến Ryzen 5000 vẫn dùng tiến trình 5nm nhưng số nhân/luồng đã được tăng lên.
Các dòng chip mobile như Samsung Exynos 2100, Qualcomm Snapdragon 888, HiSilicon Kirin 9000, Apple A14 Bionic cũng được sản xuất trên tiến trình 5nm, đi kèm với đó là số lượng lõi xử lý/CPU core rất lớn, điều mà khiến nhiều người dùng Desktop/Laptop cũng phải ao ước.
Vậy lý do đằng sau nước đi gây tranh cãi của ông lớn Intel là gì, “fan cứng” của họ có thất vọng trước pha “bẻ lái” này của hãng không?
Mục Lục Nội Dung
#1. Mổ xẻ một chút về Core i9 11900K và Mainboard Z590
- Tips: Bạn nên đọc thêm bài viết này để hiểu hơn về những gì mình đang nói: Tìm hiểu kỹ hơn về chip CPU Core i3, i5, i7… của hãng Intel
Xem qua con chip Core i9 11900K (chíp i9 thế hệ 11) so với Core i9 10900K (chíp i9 thế hệ 10) đời trước thì bạn có thể thấy ngay là i9-11900K bị giảm số nhân/luồng từ 10/20 xuống còn 8/16.
Thêm nữa là bộ nhớ đệm/cache giảm từ 20MB xuống còn 16MB, xung nhịp turbo (all-core) là 4.8 so với 4.9 Ghz.
Điểm lạ đời ở đây là CPU Intel Core i9 Gen 11 lại có số nhân/luồng chỉ bằng với con chíp Core i7 (11700K).
Các bạn để ý thêm một chút sẽ thấy, core i7 11700K cũng thua kém core i7 10700K đời trước, xung nhịp boost (all-core) 4.60 so với 4.70 Ghz, xung nhịp boost đơn nhân (Boost clock 1-core) 5.0 so với 5.1 Ghz.
Nhìn vào những thông số này thì chúng ta khó có thể tin Intel tiếp tục “giữ trend”: Con chíp Core i5 năm sau có hiệu năng ngang với Core i7 năm trước, i3 đời mới bằng i5 đời cũ,…
Vậy Intel lấy gì ra để marketing cho thế hệ chíp mới ra này ngoài giá thành cao hơn?
Ví dụ: Core i9-11900K (i9 thế hệ 11) có giá ~ 600$ so với ~ 500$ của Core i9-10900K (i9 thế hệ 10) năm trước.
Mainboard (bo mạch chủ) Z590 cũng ra đời ở thời điểm oái oăm là vì phần lớn người dùng vẫn hài lòng với con chip Gen 10 và mainboard Z490, nếu nâng cấp thì có chăng, họ cũng sẽ chờ cho đến khi Gen 12 ra mắt thay vì phải tốn tiền với Gen 11.
Vì riêng những đồn đoán từ những ngày chưa ra mắt về tiến trình cũ 14nm, số nhân/luồng bị giảm,… đã đủ khiến cho người dùng bỏ kế hoạch nâng cấp lên Gen 11 của mình rồi.
Nói đi thì cũng phải nói lại, Mainboard Z590 mang trong mình những tính năng khá hấp dẫn, đó là:
- Socket LGA 1200 tương thích với cả chip Gen 11 và Gen 10.
- PCIe 4.0 với 20 làn, băng thông Chipset link DMI x8.
- USB 3.2 Gen 2 với băng thông 20 Gbps..
- Maple Rigde Thunderbolt 4 controller hỗ trợ hiển thị 8K, bảo mật tốt hơn, hỗ trợ cáp nối dài hơn,…
- Hỗ trợ RAM chuẩn DDR4-3200 overlock tối đa 5333 Mhz…
#2. Những cải tiến không ngờ của Intel
Với mức giá cao hơn và đi kèm với những “cắt giảm” so với thế hệ thứ 10 như vậy, nhưng chúng ta vẫn có:
- Nhân xử lý Cypress Cove cải tiến từ Gen 10 cho chỉ số IPC tốt hơn (kiến trúc CPU tối ưu hơn giúp hiệu suất xử lý cao hơn mà không cần tăng xung nhịp).
- Hiệu năng xử lý đơn nhân tăng, trang wccftech.com test cho kết quả single-core benchmark i9 11900K cao hơn i9 10900K đời trước 11%.
- VideoCardz.com test với CPU-Z benchmark cho kết quả i9 11900K cao hơn 5.76% so với Ryzen 9 5950X.
- Hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0 với 20 làn cho tốc độ và băng thông khủng hơn so với PCIe 3.0.
- Giải mã media lên tới 4K60 12b 4:4:4 đối với HEVC, VP9, SCC codec và hỗ trợ tối đa 4K60 10b 4:2:0 đối với AV1 codec.
- AVX-512 (Advanced Vector Extensions) với 512-Bit Register: cái này hơi phức tạp, nôm na là hiệu năng/hiệu quả xử lý của chíp tăng lên (AVX-512 đạt tỉ lệ 4.83 GFLOPs/Watt so với 2.92 của AVX2 đời trước, tương tự thì 7.19 GFLOPs/GHz so với 3.77 của AVX2).
Những người dùng chuyên AI (Trí tuệ nhân tạo), Cloud Computing hay xử lý video nặng sẽ được hưởng lợi từ AVX-512, các bạn nên tìm hiểu về HPC (High-performance computing) để biết rõ hơn nhé….
#3. Lời Kết
Đến thời điểm này thì mình không còn bận tâm đến số nhân/luồng, tiến trình sản xuất chip nữa, bởi vì sao?
Vâng! Intel đã chứng minh được rằng, con chip trên tiến trình 14nm với số nhân/luồng ít hơn so với chip Gen 10 (tiến trình 10nm) của hãng nhưng vẫn cho ra hiệu năng ấn tượng, những công nghệ bên trong mới là thứ đáng để quan tâm, đáng để đánh giá…
Đối với cá nhân mình, với công việc không đòi hỏi cấu hình máy tính quá cao hay phức tạp nên vẫn sống tốt với con Laptop chạy chip Gen 3, cho nên mình không thể đánh giá hết được tầm quan trọng về những thông số và những cải tiến trên con chip Gen 11 này.
Rất mong những bạn hay chơi game AAA, xử lý đồ họa nặng với Adobe Premier vào tranh luận, đánh giá trải nghiệm thực tế đối với món đồ công nghệ này ha.
Các bạn nên nhớ rằng, đây mới chỉ là chip và mainboard, những thành phần rất cơ bản của một chiếc máy tính.
Việc bạn build nó thành PC như thế nào, các hãng hoàn thiện Laptop đó ra sao, hay kể cả việc bạn tối ưu hệ điều hành Windows/ Linux như thế nào…. cũng đóng một vai trò rất quan trọng về sức mạnh tổng thể của một chiếc máy !
Okay, trên đây là bài viết dựa trên góc nhìn cá nhân của mình về con chip Core i thế hệ 11. Bạn thấy sao về con chip mới này, hãy để lại comment phía bên dưới nhé các bạn !
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com