Theo những thống kê gần đây, có vẻ như thị phần smartphone Vsmart đang tăng trưởng khá nhanh. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho một OEM Smartphone đến từ Việt Nam, mở ra cơ hội lớn để vươn ra thị trường thế giới.
Vậy chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian một chút, hãy cùng nhau tìm hiểu về lý do tại sao ngay từ đầu Vsmart lại chọn phân khúc điện thoại giá rẻ và tầm trung để phát triển nhé.
Đọc thêm:
- Bạn nghĩ thiết bị nào có thể thay thế smartphone?
- Mục đích thật sự của tai thỏ, nốt ruồi trên smartphone là gì?
Mục Lục Nội Dung
#1. Phân khúc điện thoại đất chật người đông?
Thật ra nói là ngay từ đầu thì cũng không đúng lắm.
Trong sự kiện ra mắt thương hiệu Vsmart và các sản phẩm đầu tiên của mình, thì chiến lược mà Vsmart đưa ra là sẽ tấn công mọi phân khúc điện thoại, có cả phân khúc cao cấp và siêu cao cấp.
Bỏ qua 4 chiếc máy là Vsmart Active 1, Active 1+ và Joy 1, Joy 1+ ra mắt trong sự kiện đó, tại sao ta vẫn chưa thấy smartphone cao cấp của họ?
Sau 4 chiếc máy ra mắt đầu tiên, họ ra thêm Vsmart Bee, Vsmart Bee 3, Vsmart Joy 2, Vsmart Joy 2+, Vsmart Star, Vsmart Live, Vsmart Active 3, và điểm chung của những thiết bị này là có mức giá chỉ từ 1 triệu cho tới dưới 5 triệu đồng ( Vsmart Live có giá ban đầu là 7 triệu nhưng mức giá này không được duy trì lâu ). Phân khúc này thật sự rất chật chội ở thị trường ta.
Ví dụ:
- Xiaomi có Mi 9 Lite, Redmi Note 8, Redmi Note 8 Pro, Redmi 8, Realme có Realme Q, X, X Lite, 5,…
- Samsung có Samsung M10, Samsung M20, Samsung M30, Samsung A10, Samsung A20,….
Tức là Vsmart lựa chọn mức giá cũng như lựa chọn đương đầu với rất nhiều các đối thủ khác.
Vingroup đã thành công với việc định giá các chiếc xe hơi của mình ở phân khúc xa xỉ: hơn 1 tỉ cho 1 chiếc xe chưa từng có thương hiệu từ trước, và họ đã thành công với mức giá này. Thế tại sao họ không làm vậy với smartphone?
#2. Lí do Vsmart chọn điện thoại phân khúc tầm trung và giá rẻ?
Dễ hiểu lắm: Do thương hiệu !
Bphone đã đi trước, và cho thấy một điều hiển nhiên: Kẻ lơ lửng không có lợi. Bphone 3 Pro với cấu hình tầm trung nhưng mức giá lại là hơn 10 triệu, mức giá cận cao cấp, ngay lập tức đã bị ngó lơ.
Mức giá cận cao cấp chỉ có thể là chỗ đứng cho các flagship cũ giảm giá theo thời gian mà thôi. Ví dụ: Galaxy S10 chỉ còn khoảng 12 triệu, iPhone XR khoảng 8 triệu, iPhone XS khoảng 12 triệu.
Đó là những chiếc máy có thể bán chạy ở phân khúc này. Và có một sự thật là chẳng mấy ai tìm các thương hiệu khác ngoài Samsung và Apple ở phân khúc giá này đâu.
Tức là giá trị thương hiệu của họ vẫn là cái bóng quá lớn, không chỉ với các OEM Việt, mà đối với tất cả các OEM khác cũng vậy cả thôi.
Tiếp theo: Chưa đủ cho một flagship. Như mình đã nói trong bài viết về sự giống nhau của smartphone Việt và Smartphone Tàu, Vsmart hiện tại chưa sẵn sàng cho việc nghiên cứu và phát triển một chiếc máy hoàn chỉnh.
Đội ngũ R&D của họ sẽ chỉ tập trung vào hệ điều hành VOS trong thời điểm này thôi, và đây là thứ khiến cho Vsmart mất ưu thế khi cạnh tranh sòng phẳng ở phân khúc cao cấp. VOS có thể tốt, nhưng nó chưa đủ để tạo lên sự đột phá của một chiếc máy đáng giá nghìn đô.
Cuối cùng: Để dễ tiếp cận khách hàng !
Người Việt chúng ta đa phần rất thích dùng đồ rẻ (mà có lẽ phải nói tài chính hạn hẹp thì đúng hơn), vậy nên các máy ở tầm giá dưới 7 triệu sẽ là hợp lí để tới tay được nhiều người tiêu dùng nhất.
Họ có thể tạo dựng thương hiệu từ phân khúc này bằng cách tạo niềm tin cho người dùng, rồi tấn công phân khúc giá cao dần lên, như cách mà Xiaomi hay Oppo đang làm.
Vậy thôi, mình nghĩ thế là hết rồi !
#3. Kết luận
Cá nhân mình thì vẫn luôn mong đợi OEM Smartphone Việt sẽ có một chiếc flagship xứng tầm với Samsung hay Apple, và được cả thế giới biết đến.
Còn các bạn thì sao? theo bạn ngoài những lý do bên trên ra thì còn lý do nào khác nữa không? Hãy để lại comment bên dưới phần bình luận này các bạn nhé !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com