Như vậy, Intel đã xác nhận việc phải nhờ tới TSMC để có thể sản xuất được thế hệ vi xử lý tiếp theo trên tiến trình 7nm của hãng.
Đây có thể nói là một sự thật đắng cay bậc nhất của ngành công nghiệp bán dẫn nước Mỹ, vị thế độc tôn trong việc phát triển những vi xử lý máy tính hàng đầu thế giới đã bị lung lay.
Tạm gác lại những ảnh hưởng về kinh tế lẫn địa chính trị mà sự việc này mang lại. Chúng ta hãy cùng xem rốt cuộc là vì lý do gì mà Intel lại bị tụt lại phía sau như vậy, mặc dù Intel đã đi trước TSMC và thế giới rất lâu.
Mục Lục Nội Dung
#1. Kỷ nguyên của Intel bắt đầu từ lúc nào?
Kể từ lần đầu được giới thiệu vào tháng 11 năm 2000, bộ vi xử lý Intel Pentium 4 đã thật sự mở ra một chương mới cho Intel trong việc thống trị thị trường vi xử lý máy tính đến tận bây giờ.
Pentium 4 được thiết kế trên vi kiến trúc NetBurst, nó khác hoàn toàn so với các thế hệ trước đó. Với những công nghệ có thế nói là độc quyền lúc bấy giờ, ví dụ như:
- Hyper Pipelined Technology tăng tốc độ cho lệnh xử lý.
- Execution Trace Cache tăng tốc độ giao tiếp giữa bộ nhớ và CPU.
- Rapid Execution Engine, với BUS hệ thống là 400 MHz và 533 MHz cùng hàng loạt công nghệ khác nhằm tăng khả năng xử lí của CPU.
Con chip Pentium 4 đã góp phần phát triển ngành công nghiệp máy tính PC, giúp máy tính tiếp cận được với nhiều người hơn và xử lý được nhiều việc hơn.
Sau Pentium 4, Intel đã cho ra mắt các thế hệ tiếp theo như Celeron, Core 2 Duo, Core 2 Quad… những cái tên này đã là huyền thoại với bất kì ai sở hữu PC, hay những ai yêu công nghệ trong những năm trước 2007 – 2008.
Sau đó, Intel lại cho thấy sự phát triển của mình tiến xa so với thế giới với thế hệ Core i cho tới tận tới bây giờ. Hiện tại Core i đã trải qua 11 thế hệ, điều đó đủ thấy nó thành công như thế nào rồi phải không ạ.
#2. Intel có ngủ quên trong chiến thắng?
Thống trị trong ngành vi xử lý máy tính đến 20 năm, Intel đã thực sự quá tự tin về khả năng của mình.
Trong khoảng thời gian 2015 – 2016, Intel đã cho ra mắt vi xử lý trên kiến trúc Broadwell ở tiến trình 14nm và cũng từ đây, vết trượt dài của Intel chính thức bắt đầu.
Kể từ thời gian này, đối thủ truyền kiếp là AMD đã cho ra mắt thế hệ CPU trên kiến trúc Zen – với tiến trình 14nm, và dù được quảng cáo và truyền thông không ít nhưng AMD vẫn không bật lại được Intel vào thời điểm đó.
Nhưng đây mới thực sự là vấn đề, trong những năm tiếp theo, AMD đã không ngần ngại tiếp tục đầu tư và nghiên cứu để thu nhỏ tiến trình của mình.
Và kết quả là họ đã đạt được thành tựu mà không ai ngờ tới, vi xử lý mới nhất của họ (AMD là Ryzen 3000) đã thực sự khiến Intel tụt lại phía sau.
Trong khi đó, Intel lại loanh quanh với tiến trình 14nm+ và nhiều dấu cộng khác, mãi tới bây giờ Intel mới chỉ dừng lại ở 12nm và phải đợi tới 2022, bộ vi xử lí 7nm của Intel mới được xuất hiện.
Rõ ràng là AMD trong giai đoạn đầu họ đã không bắt kịp được sức mạnh của Intel, nhưng sự kiên trì của họ đã có thành quả và Intel thực sự đã ngủ quên trong chiến thắng.
#3. Liệu có quá muộn để Intel bắt đầu lại với 7nm?
Trước hết, chúng ta cần phải biết rằng, việc thu nhỏ tiến trình tới mức 7nm sẽ tốn một khoản chi phí vô cùng đắt đỏ.
Ở đây chỉ tính tới chi phí máy móc, còn chi phí cho việc nghiên cứu, cho nhân lực và cho hàng tá thứ những thứ khác mà chỉ có các chuyên gia mới biết được, thì còn tới mức nào nữa 😀
Theo mình thì đây chính là lý do tại sao thế hệ CPU mới nhất của AMD lại có giá thành cao, và được đánh giá là không còn hợp lý như trước nữa.
Hay là bạn có thể nhìn qua mảng smartphone mà xem, các CPU trên thiết bị di động được sản xuất trên tiến trình 7nm của Qualcomm cũng đang bị kêu ca rằng có giá quá cao.
Gần đây nhất, Samsung – một trong những hãng đi đầu về tiến trình 7nm cũng đã phải đầu tư trung bình từ 6 – 7 tỷ đô cho một nhà máy, và theo nhiều nguồn tin thì nó vẫn không đủ năng suất cho nhu cầu hiện tại của hãng.
Như vậy chúng ta có thể thấy, với chi phí khổng lồ về máy móc, chưa kể tới các trở ngại về nghiên cứu khi áp dụng lên CPU thì việc Intel đang bắt đầu lại với tiến trình 7nm là vô cùng khó khăn.
Cách thích hợp hơn cả là đi thuê một công ty đã có kinh nghiệm như TSMC và nhiều nguồn tin có thể là Samsung trong tương lai.
Và để trả lời câu hỏi: “liệu có muộn màng với Intel không?” thì còn tùy vào khả năng ứng biến của Intel nữa, với những gì mà Intel đang có, liệu họ có bắt kịp với thế giới ở tiến trình 7nm hay không thì chưa ai biết được. Chúng ta lại phải nhờ thời gian trả lời thôi 😀
#4. Lời Kết
Thị trường vi xử lý cho máy tính đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt kể từ khi tiến trình 7nm được đưa vào sản xuất.
Mới đây thì Apple, Microsoft đã bắt đầu nhảy vào việc sản xuất CPU máy tính, nhưng sẽ còn quá sớm nếu nói Intel sẽ bị đánh bật khỏi thị trường này.
Việc Intel cần làm bây giờ có lẽ là tạm quên đi vị trí của mình, mà chấp nhận thuê bên thứ 3 sản xuất, như họ đang làm. Sau đó, họ cần tích cực hơn trong việc nghiên cứu thu nhỏ tiến trình thay vì cứ khư khư quan điểm cải tiến tiến trình như hiện tại.
Từ giờ tới năm 2022 không còn xa nữa, với vi xử lý 7nm của mình thì liệu Intel có làm hài lòng người dùng được không, và liệu nó có mang lại ánh hào quang cho họ hay không. Tất nhờ phải chờ sự cố gắng từ phía Intel !
Vì dù gì đi nữa, với tiến trình 14nm+ serie mà Intel đang có, dù chưa phải là thu nhỏ tiến trình nhưng nó vẫn thực sự rất mạnh, điều đó cho thấy kiến trúc của Intel là rất tốt, nếu tiến trình 7nm thành công và thậm chí là 3nm hay 2nm thì hi vọng của Intel không phải là không có.
Vâng, như vậy là bài viết này đã cho bạn biết lý do mà Intel chậm trễ trong tiến trình 7nm , vì họ quá tự tin với sự cải tiến tiến trình của mình, cộng với chi phí cho nghiên cứu cũng như sản xuất là rất cao nên khiến Intel hụt hơi so với các đối thủ khác.
Okay, hi vọng là bạn sẽ thích bài viết này. Đừng quên ghé thăm Blog Chia Sẻ Kiên Thức mỗi ngày để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com