Khi nhắc đến các ngày lễ trọng đại trong năm thì không thể không nói đến ngày lễ 1/5 phải không các bạn?
Mình nghĩ là ai ai trong mỗi chúng ta cũng đã rất quen thuộc với những câu nói như “Sắp đến ngày lễ 30/4, 1/5 rồi đó”, hay “Chuẩn bị được nghỉ lễ 30/4, 1/5 rồi nè”…. bla bla.
Và mình cũng tin chắc rằng, không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về nguồn gốc của ngày lễ 1/5 này, cũng như những ý nghĩa đằng sau ngày lễ 1/5 là gì.
Vậy nên, nhân dịp cũng còn ít ngày nữa là lại đến ngày 1 tháng 5, nên chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem ngày lễ này bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử nào, cũng như những ý nghĩa đằng sau ngày lễ này nhé.
Mục Lục Nội Dung
#1. Ngày 1/5 là ngày gì?
Ngày 1 tháng 5 hằm năm là Ngày Quốc tế Lao động, là ngày lễ kỷ niệm phong trào công nhân quốc tế của người lao động.
Lịch sử của ngày 1/5 được bắt nguồn tại thành phố Chicago, nước Mỹ.
Vào thế kỷ 19, Chicago là một Trung tâm Thương nghiệp của Mỹ, lúc này cũng là thời điểm mà Mỹ đang rất tích cực trong cuộc chạy đua cạnh tranh Tư bản vô cùng quyết liệt.
Cũng vì vậy mà tại đây, công nhân bị buộc phải làm việc từ 14 tiếng đến 18 tiếng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, phụ nữ dù vẫn lao động không kém gì so với nam giới nhưng lương nhận được chỉ bằng một nửa, không có ngày nghỉ, còn trẻ em thì phải làm việc 12 tiếng một ngày.
Chắc các bạn cũng nhận thấy đây rõ ràng là một hành động bóc lột khó chấp nhận đối với người công nhân đúng không?
Và cũng chính vì sự bóc lột tàn khốc này đã dẫn đến việc những phong trào bãi công của công nhân Mỹ liên tục nổ ra với yêu cầu tăng lương, bên cạnh đó là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn.
Vào năm 1868, giới cầm quyền Mỹ phải thông qua đạo luật ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, các chủ xí nghiệp tư nhân vẫn giữ quy định ngày làm việc từ 11 cho đến 12 tiếng.
Đến năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ đã thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.
Lý do chọn ngày 1/5 bởi vì đây là ngày bắt đầu một năm kế toán ở hầu hết các nhà máy, xí nghiệp tại Mỹ. Vào ngày này, giữa thợ và chủ sẽ ký hợp đồng mới. Giới chủ Tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ để từ chối.
Ngày 1/5/1886: Do những yêu cầu của công nhân không được giới chủ Tư bản đáp ứng một cách đầy đủ, vậy nên giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công để gây áp lực, buộc giới chủ tư bản phải thực hiện theo.
Đầu tiên là cuộc bãi công diễn ra ở thành phố Chicago. Có khoảng 40 nghìn công nhân đã không đến nhà máy.
Nhiều nhóm công nhân tổ chức các cuộc biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.
Cuộc bãi công sau đó đã kéo theo rất nhiều người tham gia, và số người tham gia biểu tình ngày càng đông hơn.
Và cũng trong ngày hôm đó, ở các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ (Washington, Baltimore, New York, Boston,…) cũng đã nổ ra hơn 5.000 cuộc bãi công với sự tham gia của hơn 340.000 công nhân, và đã có hơn 125 nghìn công nhân giành được quyền chỉ phải làm 8 giờ trong một ngày.
Hai ngày sau đó, hơn 6.000 công nhân cũng bãi công, biểu tình. Tuy nhiên, lần này thì các cuộc biểu tình không đạt được kết quả như mong đợi.
Những công nhân bãi công đã bị giới chủ tư sản đuổi việc, rồi họ thuê những người làm từ những thành phố bên cạnh, họ còn thuê những bọn khiêu khích và cảnh sát để đàn áp, phá tan những cuộc đấu tranh của công nhân.
Và do những xung đột xảy ra một cách dữ dội nên đã dẫn đến tình trạng công nhân thiệt mạng, bị giết, bị thương hay nhiều người khác bị bắt… điều này đã tạo nên sự kiện thảm sát Haymarket với 4 người chết, nhiều hơn 70 bị thương và trên 100 người bị bắt tại Chicago, Mỹ năm 1886.
Tuy nhiên thì các cuộc đấu tranh biểu tình của công nhân vẫn diễn ra ngày càng quyết liệt. Dù xảy ra nhiều tranh chấp, mất mát nhưng cuối cùng, giới chủ Mỹ vẫn phải chấp nhận yêu cầu của công nhân và buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.
Cho đến ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” diễn ra ở thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản II được nhóm họp tại Paris (Pháp), dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định chọn ngày 1/5 hàng năm để làm ngày biểu dương lực lượng và tinh thần đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Và từ đó, ngày 1/5 chính thức trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
#2. Ý nghĩa của ngày lễ 1/5?
Sau khi đọc xong những thông tin trên thì mình tin là các bạn cũng phần nào hiểu được ý nghĩa của ngày lễ 1/5 này là gì rồi đúng không !
Có thể nói, ngày 1/5 được xem như ngày để mừng cho những thắng lợi đã đạt được, cũng như thể hiện sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tinh thần đoàn kết với những người lao động tại các quốc gia khác.
Không chỉ vậy, ngày lễ 1 tháng 5 cũng là dịp để tuyên dương lực lượng những người lao động, những con người luôn sẵn sàng và đã dũng cảm đấu tranh hướng tới sự hòa bình, dân chủ, tiến bộ.
Cho đến ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, và là ngày đoàn kết giai cấp công nhân cùng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
#3. Một số thông tin thú vị về ngày 1/5 trên thế giới
- Ở nước Mỹ thì ngày 1/5 không phải ngày lễ lao động.
- Ở Nhật Bản thì ngày 1/5 sẽ được thay thế bằng “tuần lễ vàng 1/5”. Trong dịp “tuần lễ vàng” này, người Nhật sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần và lâu nhất có thể lên đến 11 ngày.
- Ở Canada thì ngày lễ lao động là ngày đánh dấu kết thúc mùa hè.
- Ở Italia – Không có ngày lễ lao động.
#4. Lời kết
Bên cạnh những ngày lễ trọng đại khác trong năm thì Ngày Quốc tế Lao động 1/5 cũng là một trong những sự kiện vô cùng quan trọng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cùng những giá trị tinh thần sâu sắc dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Khi đã hiểu được nhiều hơn về nguồn gốc của ngày lễ này, cùng với những sự kiện liên quan, mình tin là mỗi người chúng ta đều có nhiều những cảm xúc khi ngày lễ 1/5 đang đến cận kề hơn.
Và mình mong là bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích và giá trị. Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, chúc các bạn một ngày vui vẻ và một dịp lễ 1/5 thật tích cực, ý nghĩa nhé. ^^
CTV: Vũ Nam Phương – Blogchiasekienthuc.com