Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình ngoan ngoãn, biết vâng lời và giỏi giang. Tuy nhiên, trẻ em như tờ giấy trắng, cha mẹ cần phải biết cách dạy dỗ, giáo dục con để con phát triển toàn diện và phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Việc giáo dục con cũng không hề đơn giản. Nhiều bậc cha mẹ đã từng đau đầu khi gặp những trở ngại trong việc dạy dỗ, uốn nắn con. Thấu hiểu điều đó nên hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các ông bố bà mẹ một số kinh nghiệm dạy con ngoan.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ tìm ra phương pháp dạy con khoa học nhất và phù hợp nhất cho con trẻ.
Mục Lục Nội Dung
#1. Phát hiện năng khiếu, sở trường của con
Cha mẹ là người đồng hành cùng tuổi thơ của con. Mỗi chặng đường phát triển của con đều có dấu ấn của cha mẹ.
Khi con có một niềm đam mê nào đó thì cha mẹ cần phải quan tâm và khích lệ, cũng như động viên con. Qua đó phát hiện năng khiếu, sở trường của con để giúp con phát triển về lĩnh vực đó ngay từ sớm..
Chẳng hạn như con có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, hoặc con thích chơi một môn thể thao nào đó thì cha mẹ cần phải nắm được và động viên con phát huy khả năng của mình.
Điều đó sẽ giúp con thực hiện đam mê và phát triển năng khiếu, sở trường, tạo đà đi đến đỉnh cao của thành công sau này.
Thực tế nhiều trẻ em có năng khiếu bẩm sinh, nếu cha mẹ phát ra sớm và có kế hoạch ươm mầm tài năng sẽ giúp con phát triển tốt thế mạnh của mình. Bố mẹ hãy quan tâm đến con nhiều hơn nữa để giúp con phát triển toàn diện.
#2. Rèn luyện cho con tính tự lập
Nhiều cha mẹ quan tâm đến con thái quá, coi con là báu vật, bao bọc con quá nhiều khiến tre có thói quen ỷ lại.
Tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào cha mẹ. Điều này không tốt cho con. Cha mẹ cần rèn luyện cho con tính tự lập. Việc gì làm được cần phải tự giác, tự mình làm lấy, không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Cha mẹ dạy con tự lập trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày. Buổi sáng tự giác dậy học bài và chuẩn bị bài mà không cần bố mẹ nhắc nhở.
Quần áo đi học tự chuẩn bị, tự sắp xếp đồ dùng cá nhân của mình. Khi bố mẹ vắng nhà tự lo cho bản thân mình. Rèn luyện tính tự lập cho con sẽ giúp con tự tin hơn trong cuộc sống.
#3. Dạy con qua trực quan, thực tế
Dạy con là cả một quá trình, đòi hỏi cha mẹ phải kiên trì, không nóng vội. Ngoài việc học ở trường, học bạn bè, các con còn phải học ở trường đời, học ngoài xã hội.
Cha mẹ cần quan tâm đến con, dạy con qua trực quan, thực tế. Đây là phương pháp dạy lý tưởng nhất cho bố mẹ. Từ những hình ảnh thực tế đời sống cha mẹ phân tích, giảng giải chỉ ra điểm đúng, sai giúp con có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về cuộc sống muôn màu.
Trẻ nhỏ thường hiếu động, hay tò mò về thế giới xung quanh. Những câu hỏi “vì sao” của trẻ nhiều khi làm bố mẹ phát cáu.
Hãy kiên nhẫn trả lời con, cố gắng giải thích bằng các hình ảnh trực quan, cụ thể để kích thích tư duy cho con. Thực tế cuộc sống là bài học quý giúp con phát triển toàn diện.
#4. Cha mẹ hãy là tấm gương tốt cho con
Đối với cha mẹ, đây là một việc làm tương đối khó . Với trẻ cha mẹ là thần tượng. Không tin bạn cứ thử hỏi con xem trong mắt con ai đẹp nhất?
Chắc chắn rằng con sẽ không ngần ngại trả lời liền “mẹ đẹp nhất” với con, mọi lời nói và hành động của cha mẹ đều hay, đều đẹp, đều đúng. Vì vậy trước mặt con cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt để con học tập và noi theo.
Trong gia đình cha mẹ hòa thuận, con cái sẽ ngoan ngoãn, vâng lời. Cha mẹ hay cãi mắng nhau con cái sẽ lì lợm, khó bảo. Nhiều bậc phụ huynh cứ phàn nàn rằng dạy mà con không nghe lời.
Hãy xem lại bản thân mình đã là tấm gương cho con chưa hay lại “hãy nghe những điều tôi nói, đừng xem những việc tôi làm”
Lời nói và hành động của cha mẹ luôn luôn phải thống nhất với nhau. Như vậy con mới tin, mới yêu và nghe lời cha mẹ. Muốn có những đứa con ngoan trước tiên cha mẹ phải là những ông bố, bà mẹ tốt.
5. Học cách thấu hiểu
Như tôi đã nói trên, trẻ em rất nhạy cảm, tình cảm rất chân thành, tự nhiên, giản dị. Tuy nhiên trẻ cũng có tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của riêng mình. Cha mẹ cần phải thấu hiểu không nên áp đặt cho con.
Hãy lắng nghe con nói theo quan điểm “nghe con nói và nói con nghe”.
Khi con trẻ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cha mẹ chắc hẳn sẽ rất vui và tự tin trong giao tiếp. Mối quan hệ tình cảm hai chiều giữa cha mẹ và con cái tốt đẹp sẽ là chìa khóa giúp bố mẹ mở ra cánh cửa của sự thành công trong việc giáo dục con.
#6. Cho phép con mắc sai lầm
Đừng sợ con mắc phải sai lầm. Mỗi sai lầm là một bài học quý giúp con khôn lớn trưởng thành.
“ Muốn thành công phải trải qua thất bại./ Ai nên khôn chẳng dại đôi lần”
Bố mẹ hãy tôn trọng quyết định của con dù biết rằng điều đó chưa thực sự đúng. Để rồi khi con nếm mùi thất bại sẽ nhận ra được sai lầm của mình để lần sau không mắc phải nữa. Điều quan trọng là sau mỗi sai lầm con phải nhận ra và sửa chữa.
#7. Hướng dẫn con sửa sai
Khi mắc phải sai lầm, chắc chắn rằng con sẽ lo lắng, thất vọng hoặc đau khổ. Cha mẹ hãy là người hướng dẫn con sửa sai.
Cụ thể phải phân tích cho con hiểu vì sao lại mắc sai lầm và hậu quả của sai lầm đó. Khi hướng dẫn con sửa sai cha mẹ cần lưu ý giáo dục con nhẹ nhàng, mềm mỏng, tránh những lời nói nặng nề, sát phạt sẽ gây tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ.
Lời động viên, khích lệ, nụ cười đôn hậu của cha mẹ lúc này sẽ là liều thuốc thần kỳ giúp con sửa chữa sai lầm của mình tốt nhất.
Trên đây là một số kinh nghiệm dạy con giúp con ngoan ngoãn, lễ phép, biết vâng lời mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Hy vọng sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn độc giả !
CTV: Hoàng Thanh Tân – Blogchiasekienthuc.com