Người ta thường nói: một người mẹ tốt còn hơn 1000 người thầy giỏi !
Đúng như vậy, người mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định rất nhiều đến tương lai của con trẻ. Một đứa trẻ thành công phần lớn là do sự nuôi nấng, giáo dục của người mẹ.
Ảnh hưởng của người mẹ đến con vô cùng lớn: từ tính cách, ngôn ngữ co đến hành vi của con… tất cả đều do người mẹ ngầm định truyền lại. Một đứa trẻ thành công thường được dạy dỗ bởi những người mẹ có 5 tính cách này.
Mục Lục Nội Dung
#1. Trước khi bước về nhà hãy quên đi nỗi buồn của bạn
Dẫu biết rằng cuộc sống của bạn luôn luôn bận rộn, áp lực, mệt mỏi, đầy rẫy bon chen, nhưng khi chuẩn bị về nhà thì bạn nên gạt bỏ tất cả mọi lo lắng, ưu phiền để dành cho con những tình cảm tốt đẹp nhất.
Đừng mang tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng vào nhà để rồi trút giận nên đứa con thơ vô tội.
Bạn phải nhớ rằng, nhà là tổ ấm để yêu thương, quan tâm và chia sẻ chứ không phải chỗ để trút giận.
Chúng ta ra ngoài làm việc là để lo cho tổ ấm của mình, đặc biệt là lo cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, đừng vì bất cứ lý do gì mà làm tổn thương đến tâm hồn con trẻ.
Tâm lý của một đứa trẻ sau một ngày vắng mẹ là cần được yêu thương, khi về đến nhà, mẹ hãy buông bỏ tất cả muộn phiền của cuộc sống, hãy ôm lấy con để cảm nhận niềm hạnh phúc …
Mẹ hãy nói với con rằng mẹ yêu con hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Đứa trẻ cũng sẽ nhận được tình yêu thương và tìm mọi cách để trao trọn vẹn tình yêu của mình dành cho mẹ.
#2. Phản hồi tích cực
Nhiều bậc cha mẹ mải mê với công việc của mình, họ cho rằng cứ làm ra tiền nuôi con ăn học là tốt lắm rồi, trách nhiệm lắm rồi mà không quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con, để tự ý con muốn làm gì thì làm.
Quan điểm đó thực sự sai lầm thưa các bạn.
Trẻ em rất cần sự quan tâm, sát sao của cha mẹ, đặc biệt là sự quan tâm của người mẹ.
Cha mẹ không chỉ quan tâm đến việc làm sao để cho con phát triển tốt về thể chất mà còn phải quan tâm đến sự phát triển tinh thần của con.
Đặc biệt, đối với những trẻ học ở cấp THCS, tâm sinh lý của con đang phát triển mạnh, rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ cha mẹ để con phát triển đúng hướng.
Nhiều cha mẹ không quan tâm đúng mức, khiến trẻ tò mò, tìm mọi cách khám phá và có sự lệch lạc trong nhận thức, ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ.
Đặc biệt, trong học tập, nếu cha mẹ không quan tâm, chia sẻ, uốn nắn con, trẻ sẽ dễ bị chểnh mảng, chây ì và chán học.
Cha mẹ cần động viên, khích lệ, phản hồi tích cực trước những câu hỏi, thắc mắc của con. Hãy dành thời gian cho con, lắng nghe tâm tư, tình cảm của con, giải đáp thắc mắc giúp con và giúp con giải tỏa những mệt mỏi, căng thẳng trong học tập.
Mẹ nên dành thời gian đưa con đi chơi, trải nghiệm cuộc sống để con cảm nhận được sự rộng lớn, bao la của cuộc sống và cảm nhận được tình yêu thương của gia đình dành cho mình, giúp con có thêm động lực để học tập và phấn đấu để xây dựng tương lai của mình.
#3. Thừa nhận rằng mình không hoàn hảo
Bạn nên nhớ rằng, trên đời này không một ai hoàn hảo cả, ai cũng có lúc mắc sai lầm và thất bại trong cuộc sống là điều không ai tránh khỏi.
Tuy nhiên, từ những thất bại đó, chúng ta rút kinh nghiệm và bước tiếp đến thành công.
Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi đại loại như mình không hoàn hảo tại sao lại ép con mình trở thành người hoàn hảo chưa?
Hãy dạy con là chính mình chứ không nên đuổi theo cái bóng của người khác. Mỗi người có một lối đi riêng, không ai giống ai cả, mẹ đừng bắt con phải mài mình đi để giống người khác, điều này sẽ làm nhụt tài năng và khí phách của trẻ.
Nếu mẹ thường xuyên chỉ trích con tre, xoáy sâu vào những nhược điểm của con sẽ làm trẻ tự ti, ngại giao tiếp, nguy cơ tự kỷ, trầm cảm sẽ rất cao.
Mẹ hãy yêu thương và thấu hiểu trẻ, giúp con thoát khỏi mặc cảm, tự ti, tạo môi trường tốt nhất để con phát triển toàn diện. Hãy khoan dung với con giúp con phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
#4. Học cách kìm nén cảm xúc
Dù có bất cứ điều gì xảy ra thì mẹ cũng cần phải biết kìm nén cảm xúc của mình lại. Nhất là khi con mắc lỗi hoặc làm bài không tốt.
Khi con đưa mẹ ký bài kiểm tra bị điểm kém hay bản kiểm điểm cá nhân, mẹ đừng vội vã tức giận mà trút giận lên đầu con trẻ.
Tội nghiệp con lắm đó mẹ.
Khi con mắc lỗi đã bị thầy cô phê bình, khi đưa bài cho mẹ ký con đã phải suy nghĩ và lo lắng rất nhiều.
Vì vậy, thay bằng cáu giận, trách phạt, mẹ hãy bình tĩnh hỏi han con xem tại sao con lại làm như vậy, con đã nhận ra sai lầm chỗ nào chưa và đưa ra hướng giải quyết. Mẹ nên nhớ rằng mắng mỏ, đòn roi không phải là cách dạy dỗ tốt nhất.
Trong thực tế, khi con gặp bất cứ sai lầm nào mẹ cũng cần bình tĩnh, biết kìm nén cảm xúc của mình, tìm ra cách giáo dục con tốt nhất để con nhận ra sai lầm và biết sửa chữa sai lầm của mình.
Hãy tạo môi trường sống lành mạnh và giúp con giải tỏa mọi áp lực của cuộc sống để con tự tin phát triển toàn diện. Bởi suy cho cùng, hồi nhỏ bạn cũng mắc sai lầm như con của bạn hiện tại vậy, vì thế, hãy đồng cảm với cảm giác lúc đó của con để hành động cho phù hợp.
#5. Hãy mạnh mẽ đối mặt với những thất bại
Khi con gặp thất bại hay nản chí, mẹ hãy thể hiện bản lĩnh và nghị lực của mình, đừng bao giờ bỏ cuộc.
Mẹ hãy nói với con rằng thất bại hôm nay đang dọn đường cho những thành công trong tương lai, chỉ cần con nhận ra sai lầm, không để phạm sai lầm và biết cố gắng vươn lên là được.
Mẹ hãy nêu lên một số tấm gương gần gũi để con có thêm động lực phấn đấu và vượt qua.
Mẹ đừng tỏ ra quá lo lắng khi con thất bại hoặc bỏ cuộc. Mẹ hãy là tấm gương sáng để con học tập và noi theo. Đừng quá áp lực với con, hãy bình tĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hãy cùng con vượt qua mọi chông gai để đi đến thành công.
Như vậy tính cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ thói quen và tính cách của người thân trong gia đình.
Đặc biệt phụ thuộc vào tính cách và khí chất của mẹ, vì vậy một người mẹ tốt còn hơn rất nhiều một người thầy tốt.
Tương lai của con tươi sáng và tốt đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào người mẹ. Vì thế hãy là tấm gương tốt nhất để con học tập và noi theo nghe mẹ.
Đọc thêm:
- [Chia Sẻ] 10 điều mà cha mẹ nên dạy con về cuộc sống
- 3 dấu hiệu trẻ thông minh bẩm sinh: Con bạn có không?
CTV: Hoàng Thanh Tân – Blogchiasekienthuc.com