Sau một khoảng thời gian dài nước ta tràn ngập điện thoại Trung Quốc ở mọi phân khúc, hiểu biết của hầu hết người dân về một chiếc smartphone đã tăng lên đáng kể, và đáng nói nhất là sự hiểu biết về hiệu năng.
Trước kia, người ta mua máy chọn Ram, Rom (bộ nhớ trong), hay là màn hình, nhưng bây giờ ra ngoài đường hỏi 10 người thì chắc phải đến 7 người chọn smartphone theo Chip.
Vậy chọn mua điện thoại theo Chip có phải việc nên làm? bạn sẽ được gì và mất gì khi mua điện thoại theo kiểu này? Hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn ở trong bài viết này nhé !
#1. Chip là gì? Tại sao lại là chọn chip mà không phải là bộ phận khác?
Chip trên smartphone mà mình nói ở đây là SoC của máy. SoC, tức là System on Chip, là một vi mạch (IC) được tích hợp các thành phần của một máy tính, hoặc là các hệ thống điện tử khác.
Hệ thống SoC có thể bao gồm các khối chức năng kĩ thuật số (digital), tương tự (analog), tín hiệu kết hợp (mixed-signal) và cả các khối tần số radio (RF).
SoC xuất hiện trong điện thoại di động – một thiết bị điện tử tiêu tốn ít năng lượng. Ứng dụng điển hình của các hệ thống SoC là các hệ thống nhúng.
SoC tích hợp một vi xử lí, tức CPU, với những ngoại vi như các bộ xử lí đồ họa, tức GPU, module WiFi, hoặc đồng bộ xử lí.
Trích nguồn định nghĩa từ Wikipedia !
Hiện tại, đa số SoC đều sử dụng kiến trúc ARM !
Vâng, theo như định nghĩa trên, SoC sẽ quyết định đến một phần lớn công nghệ của một chiếc máy, ví dụ: Camera, hiệu năng, hỗ trợ 5G, AR, quyết định độ phân giải tối đa của màn hình,…
Apple, Huawei và Samsung đều có cho mình những thương hiệu chip riêng là Apple A, HiSilicon Kirin và Exynos, còn lại hầu hết các OEM khác sẽ mua chip từ MediaTek hay là Qualcomm.
Qualcomm hiện tại đang là hãng được nhiều OEM hợp tác nhất, và có thể nói là gần hết các hãng trên thế giới, chỉ trừ Apple !
Và cũng chỉ trừ Apple, các hãng còn lại đều có chip cho đa dạng các phân khúc và đa thiết bị, từ giá rẻ, tầm trung, cận cao cấp, cho tới cao cấp và cả Gaming Phone nữa.
Tất cả các máy Gaming Phone có hiệu năng hàng đầu hiện nay đều sử dụng con chip Snapdragon của Qualcomm.
Khác với máy tính PC, smartphone gần như không thể “độ thêm” linh kiện, mà chỉ có thể thay thế nếu cần mà thôi. Điều đó có nghĩa là mỗi máy chỉ có một SoC và không thể thay thế, trừ khi bạn thay máy.
Cũng có nghĩa là những linh kiện vốn có thể tồn tại để độ smartphone như màn hình nét hơn, camera xịn hơn,… không tồn tại trên thị trường, vì chúng còn phải phụ thuộc vào SoC của máy nữa.
Thật ra thì có Snapdragon 652 và Snapdragon 653 có thể thay thế cho nhau vì cùng socket, nhưng mà do ít máy dùng, khả năng thay thế khó khăn và thông số chip khác nhau không nhiều nên cũng chẳng mấy ai biết về điều này.
Như những gì mình đã trình bày bên trên thì bạn có thể thấy được chip nó quan trọng và ảnh hưởng đến một chiếc smartphone như thế nào rồi đấy. Vậy có nên mua máy theo Chip không?
#2. Tiêu chí mua điện thoại theo Chip là đúng hay sai?
Giống như việc đánh giá một chiếc máy chỉ với mức giá của nó, liệu con Chip có nói lên bộ mặt của một chiếc máy hay không?
Xiaomi, Redmi, Realme, Meizu,… là những cái tên góp phần thay đổi suy nghĩ của thị trường ta về việc chọn smartphone.
Những chiếc Galaxy A gần chục củ của Samsung vài năm trước bị ghẻ lạnh, thất thế trước những chiếc máy chỉ vài triệu của Xiaomi, và từ đó, chúng ta nhận ra là máy rẻ nhưng chip xịn cũng sẽ hơn máy đắt mà chỉ được cái thương hiệu.
Redmi Note 4 với Snapdragon 625 và dòng Redmi Note 5 Serie chạy 2 con chip là Snapdragon 630 và 636 trở thành smartphone quốc dân. Samsung dần trở nên yếu thế ở phân khúc tầm trung do sự phế vật của dòng chip Exynos dưới 10 triệu.
Xiaomi Mi 6 chạy con chip Snapdragon 835, và Xiaomi Mi 6X chạy con chip Snapdragon 660 đem đến cho người dùng trải nghiệm chip 64-bit của Qualcomm – và nó lại tiếp tục rất HOT.
Rồi từ đó, những chip thủ (chiper), chuyên gia chip, nhà ngáo chip,… ra đời. Họ chọn máy chỉ nhìn vào con chip mà thôi. Họ phát ngôn kiểu : “ Giá này mà chạy chip này thì mua Xiaomi đê”, “ 10 triệu chạy chip này? Ngáo vê lờ”….
Vậy thì một câu hỏi đặt ra là liệu chỉ nhìn vào Chip để mua điện thoại như thế có tốt không? và có đúng không?
Đầu tiên, thử phân tích về những mặt tốt của việc mua điện thoại theo Chip trước đã !
Nếu họ có thể nhìn Chip và phán như vậy, ít nhất thì họ cũng đã biết về tương quan sức mạnh các con Chip rồi, còn ngáo táo thì bỏ qua.
Ví dụ, họ sẽ biết chip Snapdragon đầu 8 khỏe hơn đầu 7, và đầu 7 khỏe hơn đầu 6… Chíp Exynos của Samsung nóng và hao Pin, Chíp MediaTek thì nhanh tã… Họ sẽ có thể chọn được một chiếc máy có hiệu năng như ý, hoặc gần như ý.
Thường thì các công nghệ trên smartphone và công nghệ mà Chip hỗ trợ có sự tương quan với nhau. Ví dụ: Chip hỗ trợ đa camera thì máy có nhiều camera, chip có sạc nhanh thì máy có công nghệ sạc nhanh,…
Vì vậy, chọn Chip thì cũng có nghĩa là chọn được công nghệ mà máy đó đã tích hợp và sử dụng, mà không cần biết quá nhiều thông tin về chiếc máy đó.
Chọn chip cũng sẽ giúp tránh được việc máy dính các lỗi về nhiệt, kết nối hay camera. Ví dụ Snapdragon 835 bị drop WiFi, Snapdragon 810 và Apole A10 lỗi nhiệt, Exynos 990 lỗi lấy nét camera,…
Thế còn mặt không tốt và không hợp lý khi mua smartphone theo Chip là gì?
Đầu tiên, con Chip sẽ không bao giờ thể hiện hết toàn bộ những gì mà smartphone đó có. Ví dụ con Chip Snapdragom 810 hỗ trợ màn hình có độ phân giải lên tới 4K, nhưng chỉ mỗi hãng Sony dùng tới công nghệ này.
Snapdragon 865 hỗ trợ cảm biến camera chính lên tới 108MP, nhưng chỉ có hãng Samsung và Xiaomi dùng. Những công nghệ mới như camera ẩn dưới màn hình, hay màn hình gập… không do Chip quyết định.
Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào Chip để mua điện thoại thì bạn có thể sẽ hụt hẫng với những gì mà máy mang lại đấy, hoặc bỏ lỡ những công nghệ thú vị mà bạn không hề biết tới.
Chỉ có máy TÀU mới có chiến lược mức giá tỉ lệ thuận với cấu hình. Sony chip 630 vẫn bán gần 10 triệu, nhưng có chống nước, phần mềm tốt, màn hình tỉ lệ mới, hỗ trợ trải nghiệm nghe nhìn tốt, thứ mà hầu như chẳng chiếc máy chạy Snapdragon 630 nào có thể sánh vai…
Samsung sử dụng chip Snapdragon đầu 6, hoặc là chip Exynos cũng có mức giá 10 triệu, có màn AMOLED 2K, thương hiệu lớn, hoàn thiện tốt, phần mềm tốt… Đó là thứ bạn sẽ bỏ lỡ khi sẵn sàng bỏ qua những chiếc máy ấy chỉ vì con chip.
Chip khỏe, không có nghĩa là máy khỏe. Snapdragon 660 và 710 trên các máy khác nhau là những ví dụ rõ ràng nhất cho việc tối ưu phần cứng và phần mềm của máy.
Trong khi Xiaomi Redmi Note 7 hay Samsung A8 2018 làm khá tốt với con chip snapdragon 660 thì Lenovo Z6 Youth lại tỏ ra khá tệ hại trong khâu tối ưu máy, hay ví dụ như Snapdragon 821 của Google Pixel là quái vật, trong khi Xiaomi Mi 5 hay Sony Xperia XZs lại như một trò hề..
Đấy, không thể phủ nhận Chip là vô cùng quan trọng đến công nghệ và hiệu năng của một chiếc điện thoại. Nhưng nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tối ưu giữa Chip và phần mềm của từng hãng nữa…
Và khi chọn chip, bạn có thể sẽ bỏ lỡ những công nghệ mới. Có những công nghệ mà sẽ rất lâu nữa, hoặc mãi mãi chẳng thể nào xuất hiện trên các máy điện thoại tầm trung hay giá rẻ, điều này khiến cho việc chọn mua flagship cũ hay điện thoại tầm trung mới cũng phải cần cân nhắc khá nhiều.
Nhưng cũng có những công nghệ mới được phổ cập xuống những chiếc điện thoại tầm trung rất sớm, ví dụ như 5G chẳng hạn.
Bạn có thể sẽ chọn phải một chiếc smartphone chạy con chip Snapdragon 855 không có 5G, nhưng sẽ chẳng thể nào chọn được một chiếc máy sử dụng con chip Snapdragon 765 không có 5G cả. Các bạn hiểu ý mình muốn nói chứ 😀
Vâng ! Nhiêu đó lí do thôi chắc các bạn cũng biết cái lợi hay hại nhiều hơn khi chọn mua smartphone theo Chip rồi đúng không?
Còn bạn thì sao? Khi chọn mua điện thoại, bạn có bị con Chip che mắt không? Đâu là tiêu chí hàng đầu của bạn khi chọn mua một chiếc smartphone? Hãy để lại comment phía bên dưới bài viết này về quan điểm cá nhân của bạn nhé !
Đọc thêm:
- Những suy nghĩ sai lầm khi chọn mua điện thoại Smartphone
- iPhone tân trang có tốt không. Có nên mua điện thoại tân trang?
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com