Chào mừng các bạn đến với Blog Chia Sẻ Kiến Thức, mình tên là Lê Xuân Hòa, đây là bài viết đầu tiên của mình trên Blog và cũng là bài viết đầu tiên trong serie hướng dẫn về cách sử dụng Elementary OS (một hệ điều hành mã nguồn mở) một cách cơ bản và đầy đủ nhất.
Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu cho các bạn sơ lược về hệ điều hành Elementary OS – một Distro Linux khá phổ biến hiện nay được rất nhiều người yêu thích và chọn lựa. Mình sẽ nêu ra những lý do mà bạn nên hay không nên sử dụng hệ điều hành này.
Okay, ngay bây giờ chúng ta sẽ vào phần nội dung chính của bài viết ngày hôm nay nhé !
Mục Lục Nội Dung
I. Giới thiệu về Elementary OS
#1. Elementary OS (eOS)
Elementary OS là một bản phối Linux dựa trên nền tảng Ubuntu (Distro Linux phổ biến nhất hiện nay) được phát triển bởi Elementary LLC, và OS này được phát hành lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 3 năm 2011.
Elementary OS có giao diện rất trực quan và cực kỳ bắt mắt, nhất là khi hệ điều hành này được thiết kế dựa trên ý tưởng của giao diện của MacOS trên Macbook của Apple.
Theo những gì mình đã trải nghiệm qua thì hệ điều hành này hướng đến sự hài hòa giữa vẻ đẹp và hiệu năng, vì thế không những giao diện bắt mắt mà hiệu năng cũng cực kỳ ổn định (trong quá trình sử dụng mình chưa gặp trường hợp bị giật, lag hay crash ứng dụng bao giờ).
#2. Các phiên bản Elementary OS
- Jupiter (eOS 0.1): Phát hành vào ngày 31 tháng 3 năm 2011, dựa trên Ubuntu 10.10.
- Luna (eOS 0.2): Phát hành vào tháng 11 năm 2012 dựa trên Ubuntu 12.04 LTS.
- Freya (eOS 0.3): Phát hành vào tháng 8 năm 2013 dựa trên Ubuntu 14.04 LTS.
- Loki (eOS 0.4): Phát hành vào ngày 9 tháng 9 năm 2016, dựa trên Ubuntu 16.05 LTS.
- Juno (eOS 5.0): Phát hành vào ngày 16 tháng 10 năm 2018, dựa trên Ubuntu 18.04 LTS
- Hera (eOS 5.1): Phát hành vào ngày 3 tháng 12 năm 2019, dựa trên Ubuntu 18.04 LTS
- Odin (eOS 6.0): Hiện tại phiên bản này đang chờ được thông qua, nó được xây dựng dựa trên Ubuntu 20.04 LTS
NOTE: Hiện tại các phiên bản eOS Freya (tức là bản 0.3) trở về trước thì đều đã ngừng hỗ trợ rồi nha các bạn. Và tiện đây thì mình cũng khuyến khích các bạn cứ bản mới mà dùng cho nó sướng, tội gì phải dùng bản cũ có đúng không ạ 🙂
#3. Những thông số cơ bản của OS này
- Họ hệ điều hành: Tương tự Unix
- Phương thức cập nhật: APT
- Hệ thống quản lý gói: dpkg
- Nền tảng: x86_64
- Giao diện mặc định: Pantheon
- Giấy phép: GNU GPL,
- Website chính thức: https://elementary.io
II. Ưu điểm của Elementary OS
+ Là một hệ điều hành mã nguồn mở nên tất nhiên là nó miễn phí 100%, hơn nữa hệ điều hành này cũng có một cộng đồng hỗ trợ rất đông đảo. Đây thực sự là một ưu điểm tuyệt vời của các Distro Linux phổ biến, vì thế chúng ta không cần phải bàn đến vấn đề này.
Cộng đồng hỗ trợ đông đảo sẽ giúp bạn trong những lúc bạn gặp khó khăn, một hệ điều hành có tồn tại được hay không phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng người sử dụng.
+ Giao diện đẹp và bắt mắt: eOS được thiết kệ dựa trên ý tưởng giao diện của macOS, vì thế giao diện của eOS có thể nói là cực kỳ đẹp mắt, sang trọng… cùng với những tùy biến về hiệu ứng, font chữ, icon … làm cho người dùng cảm nhận được một cách rõ ràng về vẻ đẹp của eOS.
Ngoài ra, với ba tính năng Multitasking View, Picture-in-picture Mode và Do not disturb thì eOS có thể giúp người dùng tập trung hoàn toàn vào công việc, cùng khả năng điều hướng dễ dàng.
+ Hiệu năng sử dụng: eOS mặc dù được chú trọng nhiều về thiết kế, xong hiệu suất sử dụng cũng cực kỳ ổn định, mình đã thử một số tác vụ nặng như Render Video với Openshot trên eOS và cảm thấy cũng khá hài lòng với hiệu suất của nó. Hơn nữa về tài nguyên, eOS cũng chỉ chiếm một lượng tài nguyên nhỏ khi mới khởi động.
Tuy không thể đem so sánh về yêu cầu bộ nhớ và tốc độ bộ vi xử lý so với các Distro Lightweight khác, nhưng eOS cũng là một sự lựa chọn tương đối ổn đối với những máy có cấu hình tương đối thấp.
III. Bạn có nên sử dụng Elementary OS không?
Mình đã đề cập với các bạn một số ưu điểm cơ bản của hệ điều hành eOS phía trên rồi đấy, nhưng liệu bạn có nên tiếp cận với Distro này không?
Vâng, sau đây mình sẽ đề cập đến một số bất lợi hay có thể nói là nhược điểm của Distro này mà mình đã gặp phải trong quá trình sử dụng:
Trong quá trình đầu sử dụng có thể gặp nhiều sự cố cần được xử lý (các bạn lưu ý sự cố ở đây không phải là lỗi của hệ điều hành mà là một số tùy biến chúng ta cần phải thực hiện) có thể nói đến đầu tiên là lỗi: “add-apt-repository command not found”.
Mặc dù được xây dựng dựa trên nền tảng của Ubuntu, tuy nhiên các ứng dụng của eOS có vẻ ít hơn hẳn so với Ubuntu (chỉ xét trong trung tâm phần mềm), và cách cài đặt một vài ứng dụng bên ngoài thì có vẻ lằng nhằng và phức tạp hơn.
OS này sử dụng hệ thống phím tắt khác so với Ubuntu, điều này sẽ gây ra một ít khó khăn đối với các bạn đã sử dụng quen Ubuntu và cả những bạn chưa từng sử dụng.
Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn vì hầu hết các Distro Linux khác nhau đều có hệ thống các phím tắt khác nhau để tạo nét khác biệt riêng mà.
IV. Review một số hình ảnh về Elementary OS
Thanh Dock cho ta một liên tưởng rất gì và này nọ về macOS ◉◡◉
Context Menu cũng mang hơi hướng của macOS (>‿♥)
Mức sử dụng RAM và CPU cũng có thể nói là tương đối thấp, tuy không thể so sánh với các bản Lightweight.
Trên đây là một số ảnh chụp màn hình của eOS để các bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của hệ điều hành này, đồng thời cũng nắm được một số thông tin cơ bản về nó.
Các bạn cũng có thể chạy thử hệ điều hành này trực tiếp: tại đây! Nhấn vào nút Start để bắt đầu nhé các bạn !
Đọc thêm:
- Hướng dẫn cài đặt Ubuntu Budgie 18.04 trên Laptop, PC
- Full hướng dẫn cài đặt Kali Linux chạy Dual Boot với Windows
V. Lời Kết
Vâng, như vậy là mình đã trình bày sơ lược cho các bạn về một số ưu và nhược điểm của eOS (Elementary OS) rồi ha, còn việc quyết định có nên dành thời gian để tiếp cận với hệ điều hành này hay không là ở các bạn.
Ở bài viết tiếp theo thì mình sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt eOS song song với Windows, để có thể sử dụng cùng lúc 2 nền tảng hệ điều hành nhé !
Hi vọng bạn sẽ thích bài viết này, chúc các bạn thành công !
CTV: Lê Xuân Hòa – Blogchiasekienthuc.com