Thời tiết trên cả nước bây giờ nhìn chung là nóng, đặc biệt là ở miền Bắc, có thể nói là nóng chảy mỡ luôn 😀
Và trong mùa hè này, việc sử dụng Smartphone có khá nhiều vấn đề mà bạn cần phải chú ý, nhất là vấn đề về nhiệt.
Smartphone bị quá nhiệt sẽ dẫn tới rất nhiều hậu quả xấu, chính vì vậy trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cho anh em cách chăm chút chiếc điện thoại của chính mình để sử dụng được an toàn hơn ha.
Mục Lục Nội Dung
I. Quá nhiệt trên điện thoại Smartphone
Quá nhiệt trên Smartphone là hiện tượng chiếc điện thoại đạt tới hoặc vượt qua mức nhiệt độ an toàn cho phép, điều này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần cứng bên trong của chiếc điện thoại. Lý do quá nhiệt thì có 3 nguyên nhân chính, đó là:
Đọc thêm:
- Hướng dẫn xoá các file trùng lặp trên điện thoại Android
- [Tuts] Ứng dụng tối ưu RAM cho điện thoại Android tốt nhất
- Cách khóa, đặt mật khẩu cho ứng dụng trên điện thoại Android
#1. Do cấu trúc của điện thoại và cách sử dụng phần cứng
Nhiệt độ của một chiếc máy Smartphone được tạo ra từ rất nhiều bộ phận phần cứng có bên trong máy, nhưng chủ yếu vẫn là do con Chip, hay cụ thể hơn là do SoC trên Chip tỏa ra.
Khi sử dụng máy thì đương nhiên là con Chip sẽ phải nóng lên rồi, nhưng nếu nóng nhanh quá, máy sẽ không kịp truyền nhiệt độ đó ra mồi trường bên ngoài (hay nói cách khác là không tản nhiệt kịp), làm nhiệt độ của máy tăng lên liên tục.
Các tác vụ quá nặng như xử lí hình ảnh, sử dụng công nghệ AR, hay chơi Game lâu…. là những lí do chính làm con chip bị quá nhiệt. Ngoài ra, máy quá nhiệt còn do Sạc Pin nữa. Với củ sạc công suất lớn, pin của máy cũng sẽ bị tăng nhiệt hơn so với bình thường.
Hoặc cũng có thể là do bạn sử dụng 3G/4G quá lâu, sử dụng 3G/4G sẽ nóng máy hơn so với khi bạn sử dụng mạng WiFi rất nhiều, vì đơn giản lúc này máy điện thoại của bạn sẽ phải làm việc với tần suất lớn hơn để thu tín hiệu sóng mạng.
#2. Do phần mềm được sử dụng trên chiếc máy đó
Kể cả không sử dụng các tác vụ nặng, những dịch vụ, tính năng chạy ẩn, chạy ngầm trên máy cũng sử dụng phần cứng và làm nhiệt độ tăng.
Hoặc tệ hơn là các Adware hay các loại Malware mà máy bị nhiễm làm tăng nhiệt của máy.
#3. Do nguồn nhiệt từ bên ngoài
Dùng máy ngoài trời nắng, để máy trong túi quần Jean, quần tối màu ngoài trời… sẽ làm máy nóng lên rất nhanh.
Một số người còn ngớ ngẩn hơn, họ để hoặc sử dụng máy gần bếp, lò vi sóng… hay chỗ nào đó tương tự như vậy 🙁
II. Hậu quả có thể xảy ra khi Smartphone quá nóng
Hỏng phần cứng ! Vâng, quá là điều hiển nhiên.
Đầu tiên là Pin !
Hiện nay, hầu hết các Smartphone vẫn đang sử dụng pin chuẩn Li – ion, rất nhạy cảm với nhiệt. Nó sẽ bị chai, phồng và giảm tuổi thọ khi quá nhiệt.
Tiếp theo là các phần dễ ảnh hưởng khác như: Màn hình bị váng hay ám màu, sơn máy bị bong, tróc, khung máy biến dạng, chết cảm biến Camera, máy bị chậm, giật lag, sạc Pin đếch vào,….
Nhưng do cơ chế máy hiện nay thì gần như những hiện tượng này không còn phải lo nữa. Dù sao thì cứ phòng là trên hết.
III. Cách khắc phục tình trạng Smartphone bị nóng
Nhìn vào cả 3 nguyên nhân làm máy quá nhiệt thì ta có thể đưa ra cách khắc phục như sau:
#1. Phần cứng
Về con Chip thì đơn giản là không nên sử dụng quá lâu với các tác vụ nặng.
Trên trải nghiệm thực tế các Smartphone hiện nay, 30 phút chơi game có thể đưa nhiệt độ của máy chạm ngưỡng 40 – 47 độ C, với điều kiện nhiệt độ phòng không có các phương pháp làm mát.
Đây tuy chưa phải là mức nhiệt gây khó chịu cho việc sử dụng và cầm nắm, tuy nhiên ở khoảng nhiệt độ này thì nó đã đạt đến ngưởng ảnh hưởng xấu tới Pin rồi.
Còn tất nhiên, nếu bạn có phương pháp làm mát cho máy, như sử dụng trong môi trường có quạt hay điều hòa thì có thể kéo dài thời gian chơi Game và sử dụng lên khá nhiều đấy.
Còn pin, máy sẽ sạc với cường độ rất cao từ 0 – 20 % đầu, không nên động vào máy trong khoảng thời gian này và bạn cũng nên tháo ốp lưng của điện thoại khi sạc Pin.
Vừa sạc vừa sử dụng cũng sẽ làm máy quá nhiệt. Nên sạc pin trong khoảng 20% trở lên, còn tốt hơn thì duy trì mức Pin luôn 50% sẽ làm Pin của bạn lâu chai hơn rất nhiều.
#2. Về phần mềm
Tắt bớt các dịch vụ không cần thiết, gỡ bỏ ứng dụng rác và diệt Malware nếu có. Điều này đồng thời cũng giữ chiếc máy của bạn ở trạng thái sạch hơn và mượt mà hơn.
Nếu như bạn là một người sử dụng phổ thông, thì khi có các phiên bản hệ điều hành mới được phát hành thì bạn đừng Update lên bản mới vội, mà thay vào đó hãy nghe ngóng trước ha.
Như iOS, rất nhiều bản Beta đã bị người dùng kêu ca là nóng máy, nhiều lỗi vặt và hao pin. Vì thế bạn hãy nghe ngóng cộng đồng trước, nếu có nhiều đánh giá tốt thì lúc này Update cũng chưa muộn.
#3. Về nguồn nhiệt bên ngoài
Đừng bỏ điện thoại vào túi quần jean hay quần tối màu và ra ngoài trời nắng quá lâu. Khuyên thật đó !
Máy bạn không thể hạ nhiệt trong môi trường như vậy đâu. Hạn chế sử dụng máy dưới trời nắng, nếu bắt buộc thì hãy tháo ốp lưng ra trước và đợi máy nguội trước khi sử dụng. Khi máy nóng, con Chip sẽ tự động giảm xung nhịp xuống nên máy sẽ có hiện tượng giật và lag khi bạn sử dụng…
IV. Các chức năng tránh nhiệt trên máy
Hầu như bây giờ máy nào cũng có rồi.
Đầu tiên, con chip của máy sẽ giảm xung nhịp toàn bộ các nhân khi quá nhiệt. Lúc này máy sẽ giật lag một lúc cho tới khi hạ nhiệt và tăng xung nhịp trở lại.
Các công nghệ sạc mới, làm tăng tuổi thọ pin, chia luồng điện năng và điều chỉnh linh hoạt công suất sạc, khắc phục sự tăng nhiệt độ trong quad trình sạc. Đơn cử là công nghệ Quick Charge trên chip Snapdragon của Qualcomm mà mình đã có bài viết trước đó rồi đấy.
Hạn chế về phần mềm khi quá nhiệt: Một số chức năng của máy không thể sử dụng khi máy quá nóng. Ví dụ như ứng dụng AR, Camera,….
Tuy những chức năng này rất hiệu quả, nhưng không có nghĩa là ta không cần tránh xa các nguồn nhiệt, và các hành động làm máy quá nhiệt.
Bổ sung tí: Máy nóng có nổ không ?
Nâu, nâu. Còn lâu mới nổ được !
Ít nhất nếu bạn là một người dùng bình thường, dùng chiếc máy bình thường, ở điều kiện bình thường. Nhiệt độ của máy sau 30p chơi game hay làm tác vụ nặng chưa tới 50 độ C như mình đã nhắc ở trên, và nó cách xa giới hạn 200 độ C để có thể nổ.
Và máy nào cũng có chức năng tắt nguồn khi quá nhiệt nữa. Dùng trời nắng, vừa sạc vừa chơi, cày Game liên tục,… thoải mái đi. Đương nhiên là vẫn hại máy, nên không khuyến khích đâu nhé.
Trên đây là chia sẻ của mình về hiện tượng quá nhiệt trên smartphone và những phương pháp hạn chế hiệu quả nhất. Hi vọng bài viết này có ích với bạn !
CTV: Nam Hoàng – Blogchiasekienthuc.com