Đà Nẵng được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, là thành phố đáng sống nhất Việt Nam với rất nhiều địa điểm tham quan kì thú, cảnh đẹp phong phú, và tất nhiên là không thể thiếu được văn hóa ẩm thực đa dạng với rất nhiều món ăn ngon, đặc sắc.
Ở trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn TOP 10 món ăn đặc sản của Đà Nẵng để khi có dịp đến đây, các bạn sẽ có cho mình những sự lựa chọn tuyệt vời nhất để thưởng thức. Okay, let’s go…
Mục Lục Nội Dung
#1. Bún chả cá
Bún chả cá là một món ăn nổi tiếng có ở Nha Trang, Quy Nhơn, nhưng bún chả cá Đà Nẵng có mùi vị rất khác biệt, chủ yếu là từ nước dùng. Nước dùng được nấu từ các loại rau củ nên có mùi thơm và vị thanh ngọt..
Nguyên liệu và các công đoạn để cho ra một tô bún chả cá thơm ngon hết sức đơn giản, mình có thể mô tả qua một vài công đoạn như sau:
Nước dùng trước tiên là ninh xương heo, sau đó cho bí đỏ, bắp cải, cà chua cắt múi, thơm lát (quả dứa thái lát), măng khô xé nhỏ ninh mềm, thêm chút nước của mắm ruốc cho vào nước lạnh, thêm vào các gia vị như nước mắm, cà phê, cà phê hạt nêm, cà phê đường.
Tiếp theo là thêm chả cá đã được chiên vào và ninh thêm khoảng 20 phút nữa là được. Cuối cùng là cho bún vào tô, chan nước dùng cùng với chả cá vào và bắt đầu thưởng thức ᵔᴥᵔ
Món Bún Chả Cá ăn nóng là tuyệt vời nhất, có thể thêm chút chanh, ớt để tăng thêm gia vị cho món ăn. Cũng như bao món bún khác, bún chả cá thường được ăn cùng với rau sống, giá sống,…
Vị ngọt thơm đặc trưng của nước dùng, vị ngon của chả cá kết hợp với bún tạo nên một món ăn tuyệt hảo, mùi vị không chê vào đâu được.
#2. Bánh canh ghẹ Đà Nẵng
Bánh canh ghẹ Đà Nẵng là một đặc sản không thể không nhắc đến khi đến với vùng đất này.
Nó có một hương vị đặc trưng mà không ở món ăn nào có được, đó là vị cay nồng của ớt, vị ngọt đậm đà của nước dùng, bánh canh mềm dai lại kết hợp với chút rau thơm làm dậy mùi món ăn, kích thích vị giác của thực khách ngay lần đầu thưởng thức.
Sau đây là các bước thực hiện để có được một tô bánh canh ghẹ như ý.
Trước tiên là sơ chế nguyên liệu: Rau sống, giá đỗ nhặt, hành lá rửa sạch rồi để ráo nước và cắt nhỏ, sả cắt khúc, đập dập, hành khô bóc vỏ và cắt lát mỏng.
Tiếp đến là xào hạt điều đỏ lấy màu, sau đó chắt bỏ hạt điều đỏ ra, và thêm hành khô vào phi thơm rồi cho ghẹ vào xào cùng.
Thêm nước (nước hầm xương gà hoặc xương heo càng tốt) cùng với sả vào, đun sôi nhẹ nồi nước dùng thì thêm gia vị, nêm nếm cho vừa miệng.
Bước tiếp theo, nước cốt dừa và một ít bột năng được thêm vào nồi nước dùng, vừa đun vừa khuấy đến khi có độ béo và sánh là được.
Cuối cùng là bánh canh nhúng vào nước dùng để ngấm vị, sau đó cho vào tô, thêm giá đỗ, hành lá, đặt ghẹ lên rồi chan nước dùng vào là bạn đã tạo ra được một món ăn bắt mắt với cách trình bày hợp lí.
Để làm ra một tô bánh canh ghẹ phải công phu như vậy đấy, nên mùi vị của món ăn chắc chắn sẽ không làm thực khách thất vọng đâu (•‿•)
Nó có vị ngọt thơm của nước dùng, vị ngọt đặc trưng của ghẹ, bánh canh mềm dai cùng các gia vị và rau sống ăn kèm tạo nên một món ăn tuyệt vời, hoàn hảo.
Đến với Đà Nẵng, đừng quên thưởng thức món bánh canh ghẹ này nha các bạn, bạn sẽ không phải thất vọng bởi hương vị của món này đâu, đảm bảo luôn ^^.
#3. Bánh kẹp
Đây là một loại bánh dân dã nổi tiếng của Đà Nẵng với tên gọi độc đáo. Xét về độ nổi tiếng và hương vị thơm ngon thì bánh kẹp Đà Nẵng không thua kém gì bánh tráng Hội An.
Nguyên liệu và cách làm thì tương đối đơn giản. Bánh tráng kẹp được làm từ bánh tráng mềm, mỏng. Thông thường, phần nhân sẽ được phết đều lên bánh rồi để nguyên hoặc gấp lại, sau đó tiến hành nướng giòn.
Cái hồn của món ăn là hương vị của phần nhân, gồm pate gan có tẩm gia vị, trứng cút, hành phi, cũng có thể thêm thịt bò khô xé sợi, mực hay trứng gà,… Tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích ăn uống của từng người mà có thể sáng tạo phần nhân.
Một điểm quan trọng không kém phần nhân đó là nước chấm. Có thể đơn giản chỉ là tương, tương cà. Phức tạp hơn chút thì là nước ruốc, nước bò khô rim hoặc nước sốt me.
Tùy vào khẩu vị của từng người mà chọn ra loại nước chấm thích hợp. Bánh tráng kẹp có sự kết hợp của hỗn hợp nhiều nguyên liệu cùng với nước chấm, tạo nên một vị thơm ngon mà chỉ có ở món ăn này.
Vỏ bánh giòn rộm, phần nhân thơm ngon khiến mọi thực khách phải cảm thán khi thưởng thức. Đến với Đà Nẵng mà không thưởng thức bánh tráng kẹp là một thiếu sót đấy nhé các bạn.
#4. Bê thui Cầu Mống
Đây là một đặc sản ở Đà Nẵng, rất được ưa chuộng bởi các du khách quốc tế cũng như người dân trong nước.
Bê thui Cầu Mống bắt nguồn từ một ngôi làng nhỏ ở Quảng Nam, trước kia, bê được thui bằng củi dâu, bây giờ thì người ta thui bê bằng than, nhưng mùi vị thì vẫn không khác là mấy.
Muốn món bê thui ngon thì bước đầu tiên là phải biết chọn bê, bê được chọn phải là bê mới lớn, nặng khoảng 40 – 50kg. Sau khi được làm sạch, bê được xiên vào một thanh sắt dài và gác ngang qua ngọn lửa than đang đỏ để thui.
Thui bê đúng cách thì phải cho ra được sản phẩm là thịt bê đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, da thì chín đến độ trong suốt, mềm giòn vừa phải, mang lại cho thực khách sự thú vị khi thưởng thức.
Bê thui thường ăn kèm với rau sống, dưa leo, chấm nước mắm – loại nước mắm cá cơm nguyên con, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ở vùng ven biển.
Bê thui được thưởng thức bằng cách cuốn bằng bánh tráng mỏng cùng với chút rau, chấm với nước mắm pha tỏi ớt, thêm miếng ớt xanh thì mới có thể cảm nhận đúng vị ngon của bê thui.
Vị ngọt của thịt bê, mùi thơm sau khi thui cùng với vị đậm đà của nước mắm, thanh mát của rau hòa quyện vào với nhau tạo nên một vị ngon chỉ có riêng ở bê thui Cầu Mống.
Món ăn để lại ấn tượng tốt đẹp cho hầu hết các thực khách sau khi thưởng thức, dư vị của món ăn còn đọng lại trên đầu lưỡi khiến ai cũng muốn có cơ hội thưởng thức lại phát nữa.
#5. Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo là một đặc sản rất nổi tiếng ở Đà Nẵng. Đến với Đà Nẵng là phải thưởng thức bánh tráng cuốn thịt heo.
Bánh tráng cuốn thịt heo đơn giản như tên gọi của nó vậy. Nguyên liệu chính gồm thịt heo, bánh tráng mỏng, bánh phở, bún tươi, bánh tráng mè trắng nướng, các loại rau, mắm nêm.
Bước đầu tiên khi chế biến bánh tráng cuốn thịt heo là bó thịt, dùng dây lạt hoặc sợi bông cuốn tròn khối thịt lại, rồi gói vào vải mùng. Sau đó luộc hoặc hấp thịt. Thế là đã hoàn thành món ăn rồi, hết sức đơn giản và dễ làm.
Khi ăn, lấy bánh tráng mỏng cùng với bánh phở cuộn lấy thịt và các loại rau thơm đã chuẩn bị từ trước. Thưởng thức cùng nước mắm hoặc nước chấm kết hợp bởi mắm nêm và chanh, sả.
Mùi vị của bánh tráng cuốn thịt heo thực sự hấp dẫn, khó có thể diễn tả bằng lời. Để có thể tự mình cảm nhận mùi vị ấy, khi đến với Đà Nẵng đừng quên tìm cho mình những địa điểm có bán món ăn hấp dẫn này để thưởng thức nhé.
#6. Bánh xèo
Đây là một món ăn đặc sản nức tiếng của Đà Nẵng. Bánh xèo phổ biến ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhưng bánh xèo Đà Nẵng vẫn được nhắc tới nhiều nhất bởi mùi vị riêng biệt và cách chế biến cũng khác.
Bánh xèo ngon hay không là do phần nguyên liệu bên trong bánh xèo. Bánh xèo Đà Nẵng gồm các nguyên liệu quen thuộc như bột chiên giòn, bột bánh xèo, tôm tươi, trứng gà, thịt xay, thịt bò phi lê hoặc thịt ba chỉ, hành, tỏi, một số gia vị cùng với rau sống, giá sống và rau thơm.
Tôm được rửa sạch, thịt bò được rửa sạch, cắt mỏng. Hỗn hợp bột được hòa từ bột chiên giòn, bột bánh xèo với lượng nước vừa đủ, thêm vài quả trứng vào và khuấy đều.
Tiếp theo là công đoạn tráng bánh xèo, bánh được tráng đều một lớp quanh chảo, cho tôm và thịt bò vào, tiếp đến là giá sống và đậy nắp lại, để lửa nhỏ để bánh không bị cháy. Đến khi bánh chín giòn là có thể thưởng thức rồi.
Bánh xèo muốn ngon, trọn vị thì phải làm được nước chấm chuẩn vị. Khi ăn, bánh xèo có thể ăn cùng rau sống, dưa leo.. sẽ càng tăng thêm vị cho món ăn.
Vỏ ngoài thì giòn, phần nhân thì mềm dai tạo cảm giác thích thú cho thực khách. Vị ngọt của tôm, thịt bò cùng với các gia vị phụ gia khác, kết hợp với nước dùng đặc trưng, tất cả hòa quyện vào với nhau đem đến cho thực khách một vị thơm ngon khó tả, ăn mãi không ngán ◔◡◔
#7. Gỏi bò khô ngũ sắc
Đây là một món ăn độc đáo ở Đà Nẵng. Nó độc đáo từ vẻ bề ngoài bắt mắt với 5 màu chủ đạo: Xanh, đỏ, trắng, vàng, tím.
Bò khô được sử dụng trong món ăn này là bò khô xé thay vì bò khô cục hay bò khô miếng. Bên cạnh bò khô, món này còn có chả lụa, cà rốt, bắp cải tím, xoài, húng lủi, chanh, vừng rang, gia vị gồm có đường, dầu mè.
Đầu tiên, bò khô được xé vụn, chả lụa thái sợi mỏng, bắp cải cũng được thái mỏng và để ráo, cà rốt cùng với xoài được nạo sợi.
Húng lủi (miền Bắc gọi là rau húng chó đấy các bạn) thì chúng ta nhặt lấy phần là và chồi non, rửa sạch, để ráo. Sơ chế nguyên liệu vậy là xong, bước tiếp theo là làm nước trộn gỏi.
Nước trộn gồm 1 thìa canh dầu mè, 1 thìa đường, 2 thìa canh nước cốt chanh, đây được coi là tỉ lệ vàng của nước trộn.
Bước cuối cùng trước khi thưởng thức là trộn đều bò khô, rau với nước trộn, sau đó rắc thêm vừng rang lên trên. Cũng có thể ướp cà rốt và bắp cải với chút nước trộn để khoảng 15 phút cho ngấm gia vị.
Khi ăn, gỏi bò khô ngũ sắc đem đến cho thực khách một vị chua ngọt, chút cay mặn, giòn ngon đặc trưng. Bên cạnh những nguyên liệu chủ đạo trên thì gỏi bò khô ngũ sắc có thể có thêm nhiều nguyên liệu khác, để có thể đáp ứng được khẩu vị của mọi thực khách.
Có cơ hội đến với Đà Nẵng thì hãy sẵn sàng tinh thần và tìm cho mình món gỏi bò khô ngũ sắc để thưởng thức và cảm nhận vị ngon đậm đà của món ăn này nhé.
#8. Mì Quảng gà
Mì Quảng gà là một món ăn phổ biến ở Quảng Nam – Đà Nẵng và đã trở thành món ăn đặc sản ở nơi đây. Mì Quảng gà có sự hòa quyện giữa sợi mì dai, thịt gà ngọt với nước dùng đậm đà đặc trưng.
Nguyên liệu làm ra một món mì Quảng gà ngon trứ danh gồm thịt gà, mì Quảng, tôm, trứng cút, đậu phộng rang, bánh đa nhỏ, một số gia vị như hạt nêm, mắm, đường, bột ngọt, bột nghệ, tỏi, gừng,…
Cùng với các loại rau ăn kèm như rau cải con, húng lủi, bắp chuối, ớt xiêm xanh. Tôm được ướp với ít hành tỏi băm nhỏ, hạt nêm, bột ngọt trong khoảng 20 phút.
Đồng thời, thịt gà cũng được tẩm ướp với củ hành tỏi băm nhỏ, nghệ tươi, hạt nêm, nước mắm và một chút bột ngọt trong khoảng 20 phút. Rau rửa sạch để ráo, trứng được luộc chín.
Sau công đoạn sơ chế là công đoạn chế biến, tôm được xào với hành tỏi, tiếp đến là xào thịt gà đến khi thịt gà săn thì cho nước vào cùng với trứng cút để trứng ngấm gia vị, sau đó, tôm đã xào trước đó được thêm vào.
Cuối cùng là nấu nước để trụng sơ mì Quảng rồi cho ra tô cùng với các nguyên liệu đã chế biến, thêm chút hành lá và đậu phộng rang để tăng kích thích vị giác của thực khách.
Khi ăn, thực khách nên ăn kèm với rau sống và bánh đa để cảm nhận được vị ngon hấp dẫn của món ăn này.
Vị đậm đà của nước dùng hòa quyện với vị ngọt của thịt gà, của tôm đã được tẩm ướp gia vị, độ giòn của đậu phộng rang, độ dai của sợi mì Quảng, cái thanh thanh của các loại rau sống ăn kèm, tất cả tạo nên một món ăn cực kì hấp dẫn và chinh phục được mọi thực khách khó tính nhất.
#9. Gỏi cá Nam Ô
Đà Nẵng là một vùng biển đẹp với rất nhiều món hải sản ngon hấp dẫn. Một trong số đó là món gỏi cá Nam Ô, được ví như một loại “sashimi” của Việt Nam vậy. Tên gọi của món này được bắt nguồn từ địa danh làng chài Nam Ô ở Đà Nẵng.
Gỏi cá Nam Ô gồm 2 loại là gỏi cá khô và gỏi cá ướt. Nguyên liệu chính thì giống nhau đều là cá trích, nhưng đương nhiên là cách làm sẽ khác nhau và hương vị cũng vậy.
Đối với gỏi cá khô, sau khi cá được sơ chế và để ráo nước thì trộn với thính, gừng rang, lạc rang, bánh tráng nướng giã nhỏ và một số gia vị đặc trưng khác. Còn gỏi cá ướt thì cá được ướp với gừng, riềng, tỏi và ới băm nhiễm rồi ngâm trong nước dùng pha với mắm.
Gỏi cá Nam Ô ngon hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nước chấm đặc biệt được làm từ nước ép cá với ớt, riềng, bột năng và nhiều gia vị khác. Đến khi ăn thường thêm vào hạt vừng và đậu phông rang giã nhỏ để tạo thêm độ thơm ngon, hấp dẫn hơn cho nước chấm cũng như món gỏi cá Nam Ô.
Khi ăn, không thể thiếu một rổ rau rừng tươi non như lá cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… Cũng có thể thay thế bằng các loại lá dễ kiếm như lá mơ, đinh lăng, xà lách, giá đỗ, tô, dưa chuột,…
Khi thưởng thức thì tùy theo sở thích của từng người mà có những cách thưởng thức khác nhau. Có thể là lấy bánh tráng cuốn các nguyên liệu lại rồi chấm với nước chấm, rồi cắn một miếng thật to và cảm nhận hương vị đậm đà của nước chấm cùng vị thơm ngon của gỏi cá. Tuyệt vời chưa 🙂
Bạn cũng có thể trộn đều các nguyên liệu vào với nhau, rồi thêm một ít nước và ăn kèm với bánh tráng nướng, tất cả nguyên liệu sẽ hòa quyện vào với nhau tạo nên một vị ngon khó tả, phải tự mình thưởng thức thì mới có thể cảm nhận hết được hương vị của món ăn này.
#10. Cơm gà Đà Nẵng
Đây là một món ăn phổ biến và rất ngon ở Đà Nẵng. Với cách chế biến đơn giản nhưng cơm gà mang đến một hương vị thơm ngon, khiến mọi thực khách phải cảm thán khi thưởng thức.
Cơm được dùng ở đây có thể là cơm trắng hoặc cơm chiên, cơm rang. Thịt gà thì thường là phần đùi gà hay cánh gà – một trong những phần ngon nhất của con gà.
Thịt gà có thể là gà chiên, gà nướng hay đơn giản là gà luộc. Nếu là gà luộc, thông thường thịt gà sẽ được xé ra để dễ ăn hơn. Món ăn này có nhiều cách chế biến, tuy nhiên mùi vị chủ đạo vẫn là cơm cùng với thịt gà.
Bên cạnh đó thì cơm gà thường được ăn kèm với một số loại rau sống tươi non. Cắn một miếng thịt gà rồi ăn cùng với một thìa cơm, thực sự là thơm ngon đấy (>.<)
#11. Lời kết
Vâng, trên đây là TOP 10 món ăn đặc sản ở Đà Nẵng mà mình muốn giới thiệu đến các bạn, nếu có cơ hội nhất định bạn phải thưởng thức những món ăn này đấy nhé (>‿♥)
Nếu thấy bài viết này hay và có ích thì đừng quên để lại một like và comment ở dưới phần bình luận nhé. Chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị khi đến với Đà Nẵng !
CTV: Đào Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com