Internet là một khoảng không gian vô tận, ở đây có đủ mọi thông tin mà chúng ta cần tìm, mọi thứ mà chúng ta chưa biết và đang muốn tìm hiểu.
Tất nhiên, cái gì thì cũng có 2 mặt của nó, trong vô vàn những nội dung hữu ích thì cũng có không ít những nội dung độc hại, gây tác động tiêu cực đến đời sống con người.
Vậy nên việc chọn lọc nguồn thông tin sạch, chính thống để tiếp cận là điều vô cùng cần thiết. Internet có thể giúp bạn trở nên thành công, có thêm tri thức nhưng nó cũng có thể giết chết cuộc đời bạn.
Cũng chính vì lẽ đó, để đảm bảo tính nhất quán cũng như tôn trọng bản quyền nội dung và người sáng tạo nội dung thì các chuyên gia đã đưa những chứng chỉ (hay giấy phép) để áp lên một nội dung nào đó.
Để từ đó, người đọc sẽ có thêm những thông tin cơ bản về nội dung mà họ đọc, cũng như thông tin bản quyền và tính pháp lý của nó.
Đây cũng là cách bảo vệ bản quyền nội dung cho người sáng tạo. Bởi như các bạn biết đấy, ở ngoài đời gặp mặt nhau còn ăn cắp ý tưởng, sản phẩm, nội dung một cách trắng trợn huống chi là trong môi trường Internet. Tất cả đều có thể ẩn danh !
Mục Lục Nội Dung
I. Có những loại bản quyền nội dung nào trên Internet?
Đọc thêm:
- Cách kiểm tra trùng lặp nội dung, check đạo văn cực chuẩn
- Tìm hiểu kỹ hơn về giao thức HTTP và HTTPs (rất dễ hiểu)
- Dark Web là gì? Deep Web là gì? Đọc ngay nếu bạn chưa biết
- Làm thế nào để bảo vệ bản quyền bài viết trên website/ blog?
#1. Fair Use (Sử dụng hợp lý)
Có thể thấy, đây là cụm từ được sử dụng khá nhiều hiện nay, nhất là trên Youtube (ziu tút) vậy nó có nghĩa là gì?
Fair Use thực ra là một điều luật sở hữu trí tuệ tại Mỹ, với mục đích cơ bản là để cho phép người dùng được quyền tiếp cận với một số tài liệu có bản quyền và được phép sử dụng chúng.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì đây là luật cho phép người dùng sử dụng tài liệu có bản quyền (một cách giới hạn) mà không cần sự cho phép của tác giả, nhưng cần phải tuân thủ một số quy tắc nhất định.
Nhìn chung thì quy tắc có khá nhiều phần, mình chỉ tóm gọn những ý chính, và đây cũng là những ý mà chúng ta hay gặp nhất.
- Nội dung mới tạo ra dựa trên nội dung gốc phải khác nhiều so với bản gốc, hay nói đơn giản là không được sao chép nguyên bản nội dung gốc.
- Các nội dung gọi là Fair Use khi nội dung gốc chỉ là một sự trích dẫn với mục đích là bàn luận, nghiên cứu. Nếu nội dung trích dẫn quá dài thì có thể không được gọi là Fair Use.
- Nội dung mới tạo ra không nhằm mục đích cạnh tranh trực tiếp với nội dung gốc, đây được xem là điều cực kì quan trọng.
NOTE: Bạn có thể tham khảo thêm trong điều 25 Luật 36/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhé.
#2. DMCA Protected (Digital Millennium Copyright Act)
Anh em nào hay lướt web thì chắc có lẽ không còn xa lạ gì với cụm từ này nữa rồi đúng không nhỉ 🙂 đây là một đạo luật được Mỹ ban hành vào ngày 28/11/1998 với mục đích là bảo vệ những nội dung có bản quyền trên website cá nhân hay tổ chức.
Bất kỳ trang web nào có chứng chỉ này đều có thể báo cáo trang web khác, khi họ nhận thấy trang web đó đang ăn cắp nội dung của mình.
Về cách thức hoạt động thì khi đăng ký, DMCA sẽ cho bạn một đoạn code và nhiệm vụ của bạn là nhúng đoạn code đó vào web của mình.
Khi phát hiện ai đó sử dụng nội dung của bạn trên trang web của họ, bạn có thể liên hệ trực tiếp với họ để trao đổi, nếu họ ngoan cố thì bạn có thể báo cho DMCA => họ sẽ có các biện pháp để xác thực cũng như là xử lý trang web vi phạm.
Blog Chia Sẻ Kiến Thức cũng đang sử dụng DMCA bản PRO, nên anh em nào tự ý copy mà không xin phép thì liệu hồn nhé 🙂
#3. CC Copyright (Tài sản sáng tạo công cộng)
CC là viết tắt của cụm từ Creative Commons, đây là một giấy phép khi áp lên nội dung nào đó thì có nghĩa là người dùng hoàn toàn có thể chia sẻ và sử dụng lại nội dung đó.
CC Copyright được ra đời vào ngày 16 tháng 12 năm 2002 của công ty phi lợi nhuận Creative Commons.
Ban đầu thì loại giấy phép này còn có một số mục nhằm giữ lại một số quyền cho tác giả như:
- Phi thương mại: Hiểu đơn giản là người dùng được phép sử dụng lại nội dung gốc một cách thoải mái, NHƯNG không nhằm mục đích buôn bán, kiếm tiền, chuộc lợi..
- Ghi nguồn bài viết: Người dùng được phép sử dụng thoải mái nội dung gốc, miễn là có ghi tên tác giả gốc.
Nhìn chung thì loại giấy phép này sẽ đi kèm với các điều khoản khác nhau trong từng trường hợp mà chúng ta không biết được và chúng cũng khá là rắc rối.
Nhưng theo mình thấy thì hiện nay, phần lớn những nội dung nào mà có giấy phép này thì đều có hai điều khoản như trên.
II. Lời Kết
Vâng, trên đây là ba loại bản quyền nội dung mà chúng ta thường thấy nhất trên môi trường Internet, nó có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền tác giả cũng như tính pháp lý của nó.
Chúng ta cũng đã nghe nhiều về câu “Luật lệ sinh ra là để lách” hay hiểu đơn giản là luật luôn có kẻ hở và ở một khía cạnh nào đó, nhất là ở Việt Nam chúng ta… những chứng chỉ và giấy phép này thường chưa mang tính pháp lý cao. Nhưng sẽ đến lúc thôi !
Để đảm bảo cho trong môi trường Internet luôn “xanh, sạch đẹp” thì bạn hãy tự trang bị (chủ động trang bị) cho mình những kiến thức cơ bản nhất về các luật bản quyền trên Internet nhé, đây cũng là cách để bạn tránh được những trường hợp không may có thể xảy đến.
Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn thành công !
CTV: Lê Đình Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com