Thế giới Internet như là một tảng băng trôi theo nguyên lý của Hemingway vậy, phần băng nổi ở trên mà chúng ta có thể thấy được, đại diện cho Public Web (Surface Web)..
Đây là những thứ mà chúng ta có thể tìm thấy thông qua Google Search/Bing và các công cụ tìm kiếm phổ biến khác, ví dụ như các website mà bạn vẫn truy cập hàng ngày như là: Blogchiasekienthuc.com, Vnexpress.net, YouTube hay ZingMp3…
Mục Lục Nội Dung
#1. Deep Web là gì?
Deep web (hay còn gọi là web chìm) không được hiển thị công khai với các công cụ tìm kiếm của Google.
Chiếm phần lớn của Internet là Deep Web (tới 90%), một phần của World Wide Web (WWW), bạn sẽ không thể tìm thấy các nội dung của chúng bằng các công cụ tìm kiếm thông thường như Google, Bing…
Vì những trang web này chủ động chặn các công cụ tìm kiếm index họ (bằng cách khai báo trong robot.txt hay là chặn hẳn IP của các “bot tìm kiếm”), bởi nội dung họ cung cấp mang tính bảo mật cao, chứa nội dung trả phí, luận án nghiên cứu, tài liệu y khoa, văn bản pháp lý, hồ sơ mật,…
=> Nói tóm lại thì những trang web được liệt vào danh sách Deep web sẽ không cho phép Google và các công cụ tìm kiếm lấy dữ liệu và công khai với người dùng.
Ví dụ như Gmail, Zalo, Facebook chat, tài khoản ngân hàng…. và tất cả những trang web mà yêu cầu bạn phải đăng nhập thì mới xem được nội dung ấy.
Còn những trang web mà bạn không cần tài khoản hay đăng nhập gì cả mà vẫn có thể xem được nội dung thì gọi là Surface Web (web nổi). Ví dụ như Blogchiasekienthuc.com chẳng hạn 🙂
Chúng ta hay nhầm lẫn Deep Web và Dark Web (thành phần cuối cùng của Internet – một phần rất nhỏ ở dưới cùng của tảng băng trôi), điểm khác biệt rõ nhất là Dark Web thường đi kèm với những scandal của giới tội phạm.
(Bài này mình sẽ không đề cập nhiều đến các web đen – Black Web, theo cách mình tự gọi, vì chắc hẳn bạn đọc rất rành về chúng, các trang 18+ người lớn).
#2. Dark Web là gì?
Dark web chứa khoảng 6% dữ liệu Internet, và nó cũng là một phần của Deep Web. Tuy nhiên, Dark web được thiết kế một cách rất bí ẩn, và người dùng cũng rất khó khăn để truy cập được vào đây.
Thế giới dark-web được dùng để mua bán và giao dịch trái phép, có thể là: ma tuý, súng đạn, trẻ em, vũ khí, credit card, rửa tiền, tài khoản game hay cả mua bán công cụ dùng để tấn công máy tính… nói chung là mọi thứ.
=> Đó là mặt tối của Dark Web !
Nhưng có nhiều người chọn Dark-web để duy trì những hoạt động hợp pháp mà đề cao tính riêng tư, không theo dõi người dùng, ví dụ như mở một trang web kín cho câu lạc bộ cờ: http://theches3nacocgsc.onion
Hay là mở hẳn một mạng xã hội: http://blkbookppexymrxs.onion
, các phóng viên, nhà báo quốc tế thường dùng mạng Tor này để xử lý tin bài nhạy cảm.
Để truy cập được vào Dark Web thì buộc bạn phải sử dụng những trình duyệt chuyên biệt và có tính bảo mật cao như: Tor/Brave+Tor, I2P và Riffle, trong đó trình duyệt web Tor là phổ biến nhất, các website Dark Web sử dụng phần mềm ẩn danh để không ai biết chủ web là ai, khách xem web là ai. Nói chung là mọi thứ đế ẩn danh !
Đây có lẽ là nơi để những hacker, những tổ chức tội phạm sừng sỏ nhất ẩn náu, bởi để vào được tầng Dark Web => rồi tìm ra được “Nickname” đã khó, huống chi nói đến việc lần ra danh tính thực sự ngoài đời thật của họ.
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể thử Google từ khóa what is my IP
bạn sẽ thấy kết quả tìm kiếm trả về là một địa chỉ vừa có số và chữ cái, dựa vào những con số này, người ta có thể truy ra thiết bị và vị trí tương ứng của nó.
Nhưng nếu hacker vào Dark Web, địa chỉ IP thật của họ sẽ được thay đổi, đó là cơ chế hoạt động của mạng Tor, chưa kể họ dễ dàng áp dụng các kỹ thuật ẩn thân cao cấp khác như VPN, Tunelling,…
Khi sử dụng trình duyệt web như Tor, nó sẽ tự động liên tục thay đổi proxy
để che dấu vị trí và danh tính thực của bạn => dẫn đến sự tự do hoạt động, khó bị kiểm soát và truy dấu vết từ các cơ quan chức năng.
Do đó Dark Web là nơi được các Hacker và giới tội phạm mạng lợi dụng cho các hoạt động phi pháp như buôn bán tiền giả, chất cấm, credit card, tài khoản mạng,…
Silkroad của Dark Web khét tiếng với việc cung cấp dịch vụ buôn bán vũ khí và ma túy quy mô lớn.
#3. Dark Web + Bitcoin
“Dark Web” không góp phần lớn vào việc thay đổi cách thức phạm tội hiện nay, nhưng nó cung cấp khả năng tiếp cận hàng cấm như: vũ khí, ma túy và credit card bị đánh cắp.
Nói không ngoa rằng, Dark Web cùng với tiền Bitcoin, đây là cặp bài trùng hoàn hảo cho giới tội phạm: Truy cập không ai biết, giao dịch chẳng ai hay.
Một sự thật đáng buồn là những công cụ được tạo ra để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn: tự do ngôn luận, giao dịch xuyên quốc gia nhanh chóng, bảo mật riêng tư người dùng (như Dark Web và Bitcoin)…, một khi bị biến tướng thì đem đến những hậu quả thật đáng sợ các bạn ạ !
“Dark Web” còn hỗ trợ đắc lực cho các băng nhóm tội phạm khi mở ra cả một ngành công nghiệp tấn công mạng.
Chúng có thể vào đây để mua bán các phần mềm/công cụ tống tiền (ransomeware), với giá của một phần mềm nhưng con số những máy tính và điện thoại bị tấn công là không giới hạn, thiệt hại cho người dùng là vô cùng khủng khiếp.
Trong khi các cơ quan chức năng như: FBI, CIA, Interpol,… càn quét Dark Web từng giây, từng phút thì thực tế vẫn rất “đắng”, các chợ đen trên Dark Web vẫn sống khỏe và đẻ ra hàng triệu USD mỗi năm, dĩ nhiên là chúng sẽ vẫn luôn tồn tại.
Để hạn chế truy cập vào những trang Dark Web giả mạo, lừa đảo thì theo lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, các bạn chỉ nên truy cập vào những website có chứng chỉ an toàn bảo mật HTTPs
, được giới thiệu bởi nguồn tin cậy, và tất nhiên là bạn nhớ cài trình diệt virus thật mạnh vào, không biết điều gì đang chờ bạn trong một đêm khuya thanh vắng đâu ^^
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com