Có một sự thật hiển nhiên là hệ điều hành iOS lúc nào cũng nhanh và mượt hơn so với hệ điều hành Android !
Dẫu biết rằng phiên bản Android 10 đã ra mắt với rất nhiều cải tiến về hiệu năng, thế nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định về hiệu năng giữa 2 hệ điều hành này.
Và ở trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn một vài lý do khiến cho hệ điều hành iOS luôn mượt hơn Android nhé. Nếu bài viết còn thiếu sót gì thì mong rằng bạn có thể bổ sung để bài viết thêm phần đầy đủ ha !
Đọc thêm:
- iOS & Android: Nhiều điều lầm tưởng của người dùng !
- Có phải Android không mượt mà lâu dài như iOS không?
Mục Lục Nội Dung
#1. Nhà sản xuất smartphone đã nhồi nhét quá nhiều thứ vào Android
Như các bạn đã biết, Google làm ra Android để tương thích với hàng tỷ thiết bị, đến từ hàng trăm nhà sản xuất lớn nhỏ khác nhau.
Mà mỗi nhà sản xuất sẽ có cách tùy biến hệ điều hành riêng, nhằm tạo ra nét đột phá, thương hiệu, cũng như là làm đẹp cho hệ điều hành của chính họ.
Ưu điểm của việc này là sẽ làm cho hệ điều hành Android được tích hợp sẵn nhiều tính năng hay ho hơn, giao diện hiện đại hơn, dễ dùng hơn, nhưng nếu tối ưu không tốt thì nó sẽ làm cho cả một hệ điều hành trở nên nặng nề, phân mảnh hơn rất là nhiều.
Vậy nên Android (tùy biến) chậm hơn cũng là một điều dễ hiểu !
#2. Cách thức hoạt động của iOS khác so với Android
Sự khác biệt về hiệu năng không chỉ nằm ở việc các nhà sản xuất tích hợp quá nhiều thứ vào hệ điều hành, mà nó còn nằm ở việc xử lý các khối lượng công việc khác nhau nữa.
Đơn cử như là việc khi các bạn chạm vào màn hình cảm ứng, đối với Android, thì các tác vụ khác vẫn được xử lý đồng thời, còn đối với iOS, chúng sẽ được xử lý riêng biệt, và chỉ có một ứng dụng được chạy cùng lúc mà thôi.
Android cũng cho phép rất nhiều ứng dụng chạy ngầm, còn đối với iOS thì không.
Đối với iOS thì hệ điều hành này lại hoạt động theo kiểu: “Sandbox”. Có nghĩa là nếu như bạn chuyển sang một tác vụ khác, thì tác vụ trước đó sẽ phải dừng lại.
Còn đối với Android, thì chúng lại cho phép rất nhiều ứng dụng chạy ngầm, thế nên iOS mượt hơn cũng không phải là điều gì đó quá khó hiểu.
#3. Người dùng bị đánh đồng bởi hiệu ứng chuyển cảnh của iOS
Dù bạn có là fan của Android đi chăng nữa, thì chắc hẳn bạn cũng phải công nhận với mình một điều rằng, những hiệu ứng khi chuyển cảnh của iOS rất đẹp và rất mượt phải không ạ.
Có thể là tốc độ mở APP của iOS không bằng được so với Android, thế nhưng hiệu ứng khi mở ứng dụng lại rất đẹp và cảm giác rất mượt, hiếm khi gặp tình trạng Drop khung hình.
Chính vì những hiệu ứng chuyển cảnh của iOS nhanh hơn, mượt hơn, thế nên những người dùng phổ thông dễ bị đánh đồng bởi điều này.
Mặc dù trên phiên bản Android 10, Google đã cố gắng cải thiện cử chỉ, cũng như là hiệu ứng, tuy nhiên khi mở những ứng dụng “sát thủ phần cứng” thì iOS vẫn nhanh hơn so với Android.
#4. Bộ xử lý
Apple thực sự chú trọng về hiệu năng cho những con chip Apple A series của mình. Apple còn là đồng sáng lập nên ARM Holdings – một công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, vậy nên chắc chắn sẽ có sự tối ưu về hiệu năng cho những con chip Apple A series.
Mặc dù các sản phẩm iPhone không có những thông số như là RAM, ROM… nghe “khủng bố” như những máy Android, nhưng rõ ràng là Apple thực sự chú trọng về hiệu năng của những con chip phần cứng bên trong.
Bằng chứng là những con chip Apple dòng A luôn có một khoảng cách rất xa so với những đối thủ đến từ Samsung hay Qualcomm.
#5. Màn hình
Trong khi các nhà sản xuất Android luôn tập trung vào những thông số như là độ phân giải màn hình, HDR10+, tần số quét 120Hz… thì Apple lại tập trung vào những chỉ số như là Touch Latency (độ trễ màn hình), hay là Touch Sensing Rate (tần số lấy mẫu cảm ứng)…
Những thông số trên hầu như rất ít người biết đến, mà hầu như cũng chẳng ai quan tâm đến nó cả. Nhưng nếu các bạn cảm nhận kĩ thì sẽ thấy rằng sẽ có một độ trễ nhất định khi chuyển từ iPhone sang các mẫu điện thoại Android.
Mặc dù các nhà sản xuất Android cũng đã cải thiện nhiều thứ về màn hình, ví dụ như tần số quét, tần số lấy mẫu cảm ứng… Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa ai vượt qua được iPhone cả.
Tóm lại, những lý do kể trên hoàn toàn xuất phát từ bản chất. Android và iOS đều có những ưu, nhược điểm riêng và cả hai đều cố gắng để khắc phục những nhược điểm đó.
Đó là những quan điểm của mình, cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Nếu thấy hay thì nhớ chia sẻ cho bạn bè của bạn nữa nhé (>‿♥)
CTV: Trần Minh Quyết – Blogchiasekienthuc.com