Như các bạn cũng đã biết, hai hãng điện thoại Việt nổi tiếng nhất mà chúng ta có là Vsmart và Bphone. Tuy nhiên, hai hãng điện thoại này lại có quá nhiều điểm khác nhau: về cả quy mô, cũng như sự phát triển và đặc biệt là giá thành.
Nếu như Vsmart làm người dùng hài lòng với giá cả phải chăng thì Bphone lại hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều bạn thắc mắc là tại sao Bphone lại làm giá cao như vậy? Vậy thì trong bài viết này, chúng ta hãy cùng thảo luận thêm về vấn đề này nhé !
Đọc thêm:
- Liệu chúng ta có đang quá khắt khe với Bphone?
- Bphone và Vsmart: Bên nào là “chất xám của người Việt” ?
- Bphone vs Vsmart: cùng là hàng Việt, sao giá tiền chênh nhau nhiều vậy?
Mục Lục Nội Dung
#1. Định vị thương hiệu
Ngay từ khi ra mắt (trước cả Vsmart) thì Bphone đã xác định thương hiệu Bphone không phải là hãng điện thoại giá rẻ. Thứ họ nhắm tới là những mẫu smartphone cận cao cấp và thiên về khả năng bảo mật – thứ vốn là điểm mạnh của họ.
#2. Tự chủ nghiên cứu và hạn chế phụ thuộc
Cá nhân mình thấy đây là một chủ trương tốt của Bphone, nhưng có lẽ nó không hợp với thời điểm hiện tại nữa.
Nếu như bạn có thói quen theo dõi các bài viết về công nghệ thì chắc có lẽ cũng đã biết rồi, những mẫu điện thoại Vsmart ban đầu đều đi mua thiết kế từ bên thứ 3.
Đây là những công ty chuyên cung cấp thiết kế điện thoại với giá thành hợp lý, nhờ vậy mà Vsmart có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí nghiên cứu thiết kế.
Đọc thêm: Smartphone Việt giống smartphone Tàu, thực hư thế nào?
Còn về bản thân Bphone thì khác, họ tự nghiên cứu thiết kế, cơ khí và cả phần mềm cho Bphone nữa… gần như là họ tự nghiên cứu ra tất cả những gì mà họ có thể làm được.
Và để thực hiện được điều này thì buộc họ phải đổ ra rất nhiều tiền chứ không hề đơn giản, vậy nên sản phẩm mà họ đưa ra sẽ phải đẩy giá lên cao hơn.
#3. Bphone không đủ tiềm lực để cạnh tranh về giá
Nhìn rộng ra thì chúng ta có thể thấy, khi so Bphone với Vsmart hay bất kì một hãng công nghệ nào đang làm điện thoại hiện nay thì Bphone thực sự quá nhỏ bé về tiềm lực kinh tế.
Hãy nhìn qua Vsmart là một ví dụ điển hình, Vingroup chấp nhận bán lỗ xe Vinfast và Vsmart để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển thương hiệu, chiếm lấy thị phần.. Và tất nhiên, để làm được việc này thì họ có 2 thứ mà Bphone không có:
- Tiềm lực của Vsmart rất mạnh, đủ để họ có thể mạo hiểm bán lỗ trong một vài năm – để hướng tới mục tiêu là phát triển thương hiệu.
- Vsmart có Vingroup chống lưng với rất nhiều mảng kinh doanh, đặt biệt là bất động sản. Khoản lợi nhuận thu được từ bất động sản hay các mảng khác sẽ bù lỗ cho Vsmart.
Với cả hai điều kiện trên thì Bphone hay Bkav đều không có, mục tiêu của kinh doanh là phải có lãi, nên họ luôn hạn chế tối đa mức thua lỗ và giảm giá thành. Khi chi phí sản xuất cao thì bắt buộc giá cũng phải cao để bù cho phần nào chi phí bỏ ra.
#4. Chưa nhận được sự hẫu thuẫn tốt từ nhà nước
Đây là một lý do theo mình là khá quan trọng. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì đều nhận được những ưu đãi cực lớn: từ thuế, tiền thuê đất cho tới các thủ tục hành chính.
Còn đối với các doanh nghiệp công nghệ trong nước, ưu đãi mà họ mong muốn nhất chính là tiền thuế, và họ hi vọng nhận được sự ưu ái từ chính phủ.
Nếu như có được những điều kiện này thì có thể Bphone sẽ biết cách để khiến chiếc điện thoại của họ tiếp cận được với nhiều người dùng hơn.
Nhìn qua Samsung từ những ngày đầu phát triển, Samsung đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ Hàn Quốc.
Ở những quốc gia phát triển, thị trường nội địa là cực kì quan trọng, bởi vì thị trường này ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách của những quốc gia khác.
Nó sẽ giúp cho những doanh nghiệp công nghệ có thể vững bước trên con đường phát triển của mình. Tất nhiên rồi, ở nhà đã không được ủng hộ rồi thì sao dám ra ngoài thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, Bphone thực sự rất khó thu phục được thị trường nội địa nếu cứ tiếp tục như thế này, mình rất hi vọng trong tương lại họ sẽ có những thay đổi đáng chú ý.
Chúng ta đã mất đi thương hiệu Vsmart, và Việt Nam bây giờ chỉ còn duy nhất một hãng điện thoại Made in Viet Nam mà thôi. Vậy nên mình thực sự không muốn smartphone thương hiệu Việt sẽ biến mất trên thị trường đâu ⊙﹏⊙
Đọc thêm: Bạn có muốn biết lý do Vsmart từ bỏ mảng smartphone không?
Vâng, trên đây là những lý do mà điện thoại Bphone có giá thành cao hơn so với mặt bằng chung, nói ngắn gọn lại thì nó xuất phát trừ chi phí sản xuất, cách định vị thương hiệu…. của họ.
Như mình đã nói bên trên, hiện nay thứ mà người dùng mong muốn là Bphone sẽ thay đổi chính sách và hướng phát triển của họ. Có như vậy thì mới có được hi vọng thương hiệu Việt phủ sóng khắp cả nước, và có thể cạnh tranh được với những ông lớn khác.
Đó là những ý kiến cá nhân của mình, còn bạn thì sao? bạn thấy vấn đề này như thế nào? hãy chia sẻ góc nhìn cá nhân của bạn về vấn đề này để mọi người cùng thảo luận thêm nhé!
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com
Bác Quảng said: “Chúng tôi gọi đây là chất “NỔ”” :))