Chào mừng 500ae đã quay lại với Blog Chia Sẻ Kiến Thức [dot] Com. Như anh em biết đấy, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, có nền kinh tế khá là nhỏ bé so với các cường quốc trên thế giới.
Thế nhưng, chúng ta đang sở hữu một món “hàng” khiến cho các ông lớn trên thế giới cũng phải thèm khát. “Món hàng” này rất quan trọng trong việc phát triển khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Vâng, thứ “hàng” mà mình đang đề cập đến đó chính là ĐẤT HIẾM. Nói đến đây chắc hẳn nhiều bạn sẽ cảm thấy khá là lạ đúng không, và có khi cũng không biết Đất hiếm là gì luôn ᵔᴥᵔ
Vậy nên trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giúp các bạn tìm hiểu kỹ hơn về “món hàng” mà các ông lớn trên thế giới đều thèm khát này nhé ! Okay, bắt đầu ngay thôi 😀
Mục Lục Nội Dung
#1. Đất hiếm là gì?
Đã gọi là đất thì Đất hiếm cũng là đất, thế nhưng nó được gọi là Đất hiếm thì chắc chắn cũng phải có lý do nào đó, phải có điều gì đó đặc biệt hơn so với các loại đất thông thường.
Đất hiếm (Rare Earth) có hàng loạt các nguyên tố hóa học được tìm thấy trong vỏ trái đất. Thật vậy, đất hiếm có các thành phần rất đặc biệt mà các loại đất khác không có, cụ thể hơn thì đất hiếm có 17 nguyên tố đặc biệt đó là:
xeri (Ce – 58), dysprosi (Dy – 66), erbi (Er – 68), europi (Eu – 63), gadolini (Gd – 64), holmi (Ho – 67), lantan (La – 57), luteti (Lu – 71), neođim (Nd – 60), praseođim (Pr – 59), prometi (Pm – 61), samari (Sm – 62), scandi (Sc), terbi (Tb – 65), tuli (Tm – 69), ytterbi (Yb – 70) và yttri (Y – 39).
Trong đó: xeri là tên Nguyên tố, Ce là ký hiệu hóa học, và 58 là Nguyên tử khối.
17 nguyên tố này rất hiếm, nhưng không phải hiếm do sản lượng trong tự nhiên ít, mà nó hiếm là bởi rất khó để có thể khai thác. Vậy tại sao nó lại khó khai thác khi mà các thiết bị máy móc hiện nay đã rất tân tiến và hiện đại rồi?
Câu trả lời là: đất hiếm không giống như các mỏ kim loại hay bất kỳ thứ gì mà con người thường khai thác. Nó không tập trung tại một điểm, mà nó phân bổ rải rác ở khắp nơi trên thế giới (phi tập trung).
Thử tưởng tượng mà xem, bạn đào cả tấn đất nhưng chỉ khai thác được vài gam đất hiếm – thế nên rất ít quốc gia khai thác được thứ đất hiếm này.
Còn một điều nữa, do việc khai thác đất hiếm sẽ có tác động rất tiêu cực đến môi trường, vậy nên các nước phát triển như phương Tây họ rất hạn chế cấp phép để khai thác.
Hơn nữa, trong đất hiếm có những nguyên tố vô cùng độc hại (có nhiều nguyên tố có tính phóng xạ). Vậy nên, nếu khai thác không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
=> Và tên gọi đất hiếm cũng bắt nguồn từ đó !
#2. Đất hiếm có tác dụng thế nào?
Chỉ hiếm thôi là chưa đủ, mà nó còn phải quý nữa, nó phải có giá trị thực sự thì các ông lớn trên thế giới mới “thèm khát” đến như vậy. Vậy cụ thể thì đất hiếm nó quý như thế nào?
Đối với các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh, nền kinh tế bền vững và sức mạnh quân sự tuyệt vời (ví dụ như Mỹ) thì đất hiếm lại càng quan trọng hơn nữa.
Bởi muốn phát triển khoa học công nghệ và tăng cường sức mạnh quân sự thì đất hiếm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.
Cụ thể hơn thì, trong lĩnh vực công nghệ – đất hiếm là một trong những nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất các thiết bị điện tử như máy tính, mạng, màn hình, Pin, thông tin liên lạc, năng lượng sạch, sức khỏe và nhiều thiết bị điện tử hiện đại khác..
Trong lĩnh vực công nghiệp thì đất hiếm dùng để sản xuất nam châm vĩnh cửu, vật liệu siêu dẫn, làm chất xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường….
Còn trong lĩnh vực quân sự thì Đất hiếm cũng là nguyên liệu cực kỳ quan trong để sản xuất radar, tên lửa, các thiết bị y tế và các vũ khí quân sự tối tân như tàu sân bay, máy bay, tàu ngầm…
Với việc hiếm và có giá trị sử dụng rất cao nên đất hiếm được xem như là loại quặng có giá trị cao và là một quân cờ rất quan trọng trên bàn cờ trong các cuộc chiến về công nghệ và thương mại trên thế giới.
Như vậy, nước nào càng sở hữu nhiều mỏ đất hiếm thì về lâu về dài sẽ càng có tiếng nói trên trường quốc tế đúng không nào 🙂
Chắc hẳn các bạn còn nhớ cuộc chiến tranh thương mại rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc rồi đúng không nào.
Và trong cuộc chiến gay gắt đó, phía Trung Quốc đã đưa ra một lời đe dọa rằng sẽ hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Mà như các bạn biết đấy, Mỹ là một cường quốc về công nghệ và quân sự, việc thiếu hụt nguyên liệu sẽ ảnh hưởng nhiều như thế nào?
Không chỉ như vậy, thứ “vũ khí” này cũng được chính Trung Quốc dùng để đe dọa Nhật Bản, khiến cho Nhật Bản phải cử các chuyên gia sang Việt Nam để nghiên cứu về loại nguyên liệu đắt đỏ này.
Thực ra không phải là Mỹ thiếu đất hiếm, sản lượng đất hiếm ở Mỹ cũng rất nhiều nhưng họ chưa muốn khai thác vì vấn đề khí hậu, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra thì nhân công ở Mỹ cũng đắt hơn rất nhiều so với ở Trung Quốc.
Nói túm lại, ĐẤT HIẾM là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị, cũng như linh kiện điện tử và hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống (giáo dục, giao thông, y khoa..).
Nếu thiếu đất hiếm thì chúng ta sẽ không thể sản xuất được các sản phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống hằng ngày. Lại càng không thể chếtạo vũ khí…
#3. Việt Nam có đất hiếm hay không?
Vâng, nếu như các bạn đã đọc qua phần đầu của bài viết thì chắc có lẽ cũng đã biết câu trả lời rồi đúng không :)) Hơn nữa, nếu như Việt Nam không có đất hiếm thì việc gì mà Nhật Bản phải cử chuyên gia sang đây để nghiên cứu đúng không ạ ᵔᴥᵔ
Cha ông ta thời xưa đã có câu: Việt Nam “rừng vàng biển bạc” quả đúng không sai tị nào. Rừng không chỉ có sản lượng gỗ quý hiếm, động vật phong phú, đa dạng mà còn có cả đất hiếm nữa, một thứ nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong việc phát triển đất nước sau này.
Theo ước tính của các chuyên gia, sản lượng đất hiếm có mặt trên toàn cầu là 120 triệu tấn. Trong đó Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam và Brazil với 22 triệu tấn.
Tuy nhiên, khác cái là các nước kia đã khai thác từ rất lâu rồi, còn ở Việt Nam chúng ta thì sản lượng hầu như còn nguyên, do chưa bị khai thác.
Như vậy, ngoài dầu mỏ ra thì nguồn tài nguyên đất hiếm của Việt Nam cũng vô cùng dồi dào, có thể được xem như là mỏ vàng nếu như biết cách khai thác hợp lý.
Thông tin thêm cho các bạn đó là, mỏ đất hiếm của Việt Nam tập trung ở Tây Bắc, mỏ đất hiếm lớn nhất ở Việt Nam và cũng là lớn nhất ĐNA nằm ở Tam Đường – Lai Châu.
Như vậy, đất hiếm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ như hiện nay. Đây được xem như là một cái đòn bẩy để giúp Việt Nam phát triển hơn trong tương lai, cũng như là một vũ khí cực kỳ lợi hại trên trường quốc tế.
#4. Lời kết
Okay, như vậy là qua bài viết này thì mình tin là bạn đã hiểu hơn về đất hiếm rồi đúng không. Qua đó thì chúng ta cũng thấy được Việt Nam chúng ta là một đất nước tiềm năng như thế nào, hãy cố gắng phát triển đất nước bằng cách không ngừng học hỏi mỗi ngày nha anh em (>‿♥)
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com