Tết đến đít rồi anh em cô gì chú bác ơi, mọi người đã chuẩn bị được gì để đón Tết rồi nào?
Đã sắm sửa cho mình những bộ quần áo mới để đi chơi Tết chưa, hay đã chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng chưa, hay đã có dự tính gì về các loại quả để soạn mâm ngũ quả cúng Tất niên thật hoành tráng chưa nào.
Có vẻ mới vào bài mà hỏi hơi nhiều nhỉ ^^
Nhắc đến mâm ngũ quả, nếu ai còn chưa hiểu rõ về ý nghĩa của nó, hay còn băn khoăn trong việc lựa chọn các loại quả sao cho phù hợp thì hãy để mình chia sẻ cho các bạn trong bài viết ngày hôm nay nhé !
Mục Lục Nội Dung
I. Ý nghĩa của mâm ngũ quả?
Từ xa xưa, mâm ngũ quả đã trở thành một trong những thứ không thể thiếu của mâm cúng Tất niên trong những ngày lễ Tết rồi.
Bày mâm ngũ quả lên bàn thờ là thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên, không những thế, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho thành quả lao động trong 1 năm vừa qua của gia đình.
Tuy là mỗi vùng miền trên cả nước có những cách lựa chọn và bày trí các loại quả khác nhau, tuy nhiên mâm ngũ quả đều mang 1 ý nghĩa chung đó là thể hiện sự tôn kính với ông bà, tổ tiên khi chọn những loại quả ngon nhất, đẹp nhất.
Không những thế, mâm ngũ quả còn thể hiện ước muốn bình an và hạnh phúc sẽ đến với gia đình vào năm tới. Trong phong thủy, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho sự mong muốn hòa thuận giữa âm và dương, vạn vật sinh sôi, nảy nở.
II. Ý nghĩa của từng loại quả trong mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến như là một loại trái cây 5 màu. Cũng chính vì thế mà Mâm ngũ quả có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau.
Từ ngũ trong tâm thức người Việt còn thể hiện ước muốn đạt được 5 điều đó là: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.
Dành cho những bạn nào chưa biết thì Phú có nghĩa là giàu, Quý mang nghĩa là sang, Thọ tức là sống lâu trăm tuổi, Khang trong từ An khang – thịnh vượng, còn Ninh mang nghĩa là bình an.
Ngoài ra, theo phật giáo, ngũ còn tượng trưng cho ngũ thiện căn, gồm có: Tín căn, tấn căn, niệm căn, đinh căn và huệ căn.
Chính vì thế mà mỗi loại quả trong mâm đều tượng trưng cho mỗi ý nghĩa khác nhau, cụ thể như sau:
- Bưởi, dưa hấu: Sự căng tròn, mọng nước của bưởi hay dưa hấu tượng trưng cho một năm mới đầy ngọt ngào và may mắn.
- Lê: Vị ngọt thanh của quả lê tượng trưng cho một năm mới việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, trơn tru.
- Lựu: Quả lựu có rất nhiều hạt, vì thế nó tượng trưng cho sự cầu mong con cháu của gia đình.
- Đào: Quả đào thể hiện mong muốn được thăng tiến của gia đình.
- Sung: Sung trong sung mãn, thể hiện cho sự sung mãn trong sức khỏe, làm ăn phát đạt, lên như diều gặp gió.
- Dừa: Dừa trong tiếng miền nam hay gọi là “zừa” tức muốn cầu mong sự đầy đủ, không thiếu thốn.
- Đu đủ: Đu đủ tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc và thịnh vượng.
- Xoài: Xoài tượng trưng cho sự tiêu xài, mang ý nghĩa đầy đủ, tiêu xài không thiếu thốn.
- Quýt, hồng: Màu đỏ, hồn của 2 loại quả này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt.
II. Cách bày mâm ngũ quả theo 3 miền Bắc – Trung – Nam
Cũng tùy theo từng vùng miền mà người ta có các cách sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau.
#1. Miền Bắc
Ở Miền Bắc thì người dân thường bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành với 5 màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng lần lượt tượng trưng cho 5 hệ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Cũng chính vì thế mà mâm ngũ quả của người dân Miền Bắc thường có 5 loại quả là Chuối, Bưởi, Quýt, Hồng, Đào.
Cách bày mâm ngũ quả của người dân Miền Bắc thường sẽ đặt nải chuối ở dưới cùng và ôm tất cả các loại quả còn lại. Tiếp theo là quả Bưởi (hoặc là trái Phật thủ) nằm ở chính giữa. Các loại hoa quả khác thì đặt xen kẽ ở những chỗ trống còn lại.
#2. Miền Trung
Do điều kiện thời tiết cũng như đất đai cằn cỗi thế nên người dân miền Trung từ xưa đến nay không quá chú ý đến việc chọn loại quả gì để bày lên mâm ngũ quả. Họ thường chú trong vào cái tâm, thành ý để dâng lên ông bà tổ tiên. Vậy nên có loại quả gì là họ bày lên cái đó.
Tuy nhiên, mâm ngũ quả ở Miền Trung thường có các loại quả như chuối, cam quýt, dứa, thanh long, đu đủ. Cách bày mâm ngũ quả thường theo hình tháp hoặc là long phụng 2 bên với 2 trái dứa làm tượng trưng.
#3. Miền Nam
Khác với 2 miền Bắc và Trung, mâm ngũ quả của người Miền Nam có sự chọn lọc hết sức kỹ lưỡng.
Người dân miền Nam sẽ không sử dụng chuối bởi vì nó đọc gần giống với từ “Chúi”, thể hiện sự đi xuống, tụt dốc. Đồng thời quả cam cũng không được bày lên vì họ quan niệm rằng “quýt làm cam chịu”.
Thay vào đó, mâm ngũ quả của người Miền Nam thường có các loại quả như Mãng cầu, Sung, Dừa, Đu đủ, Xoài. Để dễ nhớ hơn thì người ta còn đọc thành một câu đặc trưng của mâm ngũ quả Miền Nam:
Cầu sung vừa đủ xài.
III. Lời kết
Okay, như vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 niềm Bắc, Trung và Nam rồi ha.
Cũng rất thú vị đấy chứ nhỉ ^^, Tết đến rồi, chúc các bạn một năm mới bình an, dồi dào sức khỏe và thành công hơn nhé!
Đọc thêm:
- [CẦN BIẾT] 12 phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam
- Tìm hiểu phong tục đón năm mới của Việt Nam, Trung Quốc, Thái..
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com