Vâng, như các bạn đã biết. Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.
Tết không chỉ là dịp mà mọi người nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, mà nó còn là ngày “đoàn viên” nữa. Ngày mà anh em người thân trong gia đình ngồi lại cùng nhau đón một năm mới và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Thế nhưng xoay quanh Tết luôn có những phong tục truyền thống mà nếu không nhắc lại thì lớp trẻ sau này đôi khi cũng khó mà biết được.
Vậy những phong tục truyền thống thường được diễn ra trong dịp Tết Nguyên Đán là gì? mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu cụ thể hơn ở trong bài viết ngày hôm nay nhé !
Đọc thêm:
- Tìm hiểu phong tục đón năm mới của Việt Nam, Trung Quốc, Thái..
- 5 phần mềm lịch vạn niên trên máy tính PC và Laptop năm 2021 tốt nhất
Mục Lục Nội Dung
#1. Cúng ông Công ông Táo
Cứ mỗi năm Tết đến Xuân về, vào mỗi đêm 30 thì chúng ta lại cùng với những người thân trong gia đình ngồi lại xem Táo Quân.
Để ông Táo về trời và báo cáo những thành tích cũng như các vấn đề dưới hạ giới thì mọi người phải chuẩn bị cũng như đưa tiễn các ông Táo về chầu.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm cũng là ngày mà ông Táo về trời để báo cáo mọi việc trong gia đình. Cũng chính vì thế mà vào ngày này, gia đình sẽ thu xếp, dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, chuẩn bị đồ cúng để tiễn ông Táo về chầu.
Và cũng trong ngày này, hành động thả cá phóng sinh sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt là cá chép.
#2. Cây nêu ngày Tết
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Từ xưa đến nay, cây Nêu được xem như là một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Thông thường vào ngày 23 là mọi người đã dựng cây Nêu trước nhà để chuẩn bị đón tết rồi.
Cây Nêu được trang trí rất lộng lẫy với vô số đồ trang trí và cả đèn nháy. Cho bạn nào chưa biết thì cây Nêu thường được làm từ cây tre dài khoảng 5 đến 6 mét, nó được chặt hết lá – chỉ để lại vài nhánh trên phần ngọn mà thôi.
Không những thế, cây nêu còn có một vai trò tâm linh hết sức đặc biệt, ngoài pháo ra thì cây nêu còn là vật dụng để xua đuổi ma quỷ trong dịp Tết.
#3. Gói bánh chưng
Bánh chưng có từ thời Vua Hùng và kể từ đó cho đến nay, bánh chưng được xem như là mặc định chắc chắn phải có của mỗi gia đình trong dịp Tết. Tết thiếu gì thì thiếu chứ bánh chưng là không thiếu được ◉◡◉
Thường thì vào những ngày cuối năm như 27-28-29 các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi lại với nhau và gói bánh chưng.
Vừa gói bánh vừa trò chuyện, kể về những điều xảy ra trong năm qua, thật là ấm áp phải không các bạn. Buổi tối sau khi gói bánh chưng xong, cả nhà lại quây quần bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, bếp thì khói lòi. Cảm giác thật là thích ᵔᴥᵔ
Thế nhưng giới trẻ ngày nay, ít ai biết gói bánh chưng, từ đó cũng có thể thấy được rằng sự quan tâm của giới trẻ về phong tục cổ truyền cũng đang vơi dần.
Và ngay cả những người lớn tuổi, phong tục gói bánh chưng hiện nay chỉ còn một số ít là duy trì được, thường ở vùng nông thôn. Còn không mình thấy, tết giờ người ta toàn đặt mua bánh chưng thôi, mua đủ để thắp hương trong những ngày tết.
#4. Chơi hoa dịp Tết
Tết đến xuân về, trăm hoa đua nở, nhà nhà đều chuẩn bị trang trí thật lộng lẫy cho ngôi nhà thân yêu của mình để đón một năm mới ngập tràn vui vẻ. Cũng chính vì thế mà thói quen chơi hoa dịp Tết của người dân lại rộ lên.
Đối với Miền Bắc và Trung thì cây Đào chính là loại cây chủ yếu để trưng bày, trang trí. Thế nhưng trong Miền Nam, cây chủ đạo đem lại tài lộc may mắn lại là cây mai. Chắc một phần là do khí hậu khác nhau 🙂
Bên cạnh đó, người dân cũng chơi nhiều loại hoa cũng như cây cảnh khác nhau. Ví dụ như cây quất, hoa Ly và nhiều loại hoa khác nữa…
#5. Dọn dẹp nhà cửa
Và cũng mỗi dịp Xuân về, “ám ảnh” dọn nhà lại quay trở về trong mỗi chúng ta :)) Theo quan niệm của người Việt Nam, năm mới thì cái gì cũng phải mới, thế nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ là điều hiển nhiên diễn ra để đón Tết.
Không những thế, việc dọn dẹp nhà cửa còn mang ý nghĩa như quét đi mọi dư âm, xui xẻo của năm cũ để chào đón năm mới vui vẻ, thành công hơn.
Ngoài ra, năm mới khách đến nhà chơi nhìn thấy căn nhà đẹp đẽ, thoáng mát, sạch sẽ thì gia chủ cũng mát mặt đúng không nào. Thế nên hãy cố gắng dọn nhà sạch sẽ để đón Tết nha anh em.
#6. Mâm Ngũ Quả
Những ngày bình thường, mỗi lần chúng ta cúng ông bà tổ tiên vào dịp trăng rằm thì chỉ cần một ít hoa quả, một vài gói bánh, nhà nào có điều kiện hơn thì số lượng nhiều hơn… thế thôi.
Thế nhưng vào dịp Tết, đồ cũng phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Vì là năm mới mà, tất cả mọi thứ phải chu đáo, đầy đủ thì mới cầu mong bình an được.
Thế nên mâm ngũ quả được xem như là lễ vật đầy đủ để mời ông bà, tổ tiên cũng như là để cầu mong được an khang, thịnh vượng trong năm tới.
Mỗi miền thì có mỗi loại quả khác nhau, nhưng đã gọi là Ngũ Quả thì bắt buộc phải có 5 loại nha các bạn.
#7. Tảo mộ
Tảo mộ hay còn gọi là thăm mộ tổ tiên, ông bà – đây được xem như là hành động báo hiếu hằng năm mỗi dịp Tết đến xuân về.
Thông thường, cứ vào ngày 25 âm lịch hoặc có thể muộn hơn thì con cháu trong nhà sẽ tập trung lại rồi cùng đến mộ của ông bà tổ tiên.
Cùng nhau dọn dẹp, phát quang cây cối gần đó, đồng thời cũng thắp cây hương và mời ông bà về đón Tết cùng con cháu.
Đây là hành động hết sức ý nghĩa thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với người sinh thành ra mình.
#8. Cúng tất niên
Đây là nghi thức rất quan trọng và cần thiết mà hầu hết người dân Việt Nam đều cần phải biết.
Cứ mỗi chiều 30 tết, nhà nhà đều chuẩn bị một mâm cúng thịnh soạn dâng lên ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ cho gia đình mình trong năm qua.
Đồng thời cũng thể hiện lòng thành kính, cũng như mời ông bà, tổ tiên và các vị thần linh về chào đón năm mới cùng gia đình.
#9. Đón giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Lúc này, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng đón giao thừa, cùng xem những tràng pháo hoa nổ rền trời, cùng dành cho nhau những câu chúc mừng năm mới.
Đồng thời đây cũng là thời điểm rũ bỏ hết mọi muộn phiền của năm cũ, chào đón một năm mới an khang thịnh vượng hơn.
#10. Xông đất, xông nhà
Ngày nay, khi xã hội phát triển, đồng thời cũng có ít người tin vào chuyện tâm linh hơn – nhưng truyền thống xông đất vẫn là một nét phong tục rất đặc biệt của nhân dân ta vào dịp Tết.
Xông đất được xem như là người đầu tiên bước vào nhà trong năm mới, cũng như là mọi may mắn của người đó cũng sẽ được trao cho ngôi nhà.
Vì thế nên để làm ăn phát đạt, nhiều nhà còn tìm đúng người hợp tuổi, tính tình vui vẻ, hợp vía để xông đất cho nhà mình.
#11. Chúc Tết và mừng tuổi
Trong những ngày Tết, người Việt chúng ta thường đi chúc tết những người thân, bạn bè, gia đình và hàng xóm. Những câu chúc mừng năm mới thật tình cảm, chúc cho mọi người được an vui, sự nghiệp như ý.
Vào ngày mồng 1, con cháu sẽ mừng thọ ông bà, và sau đó sẽ được ông bà, cha mẹ, cô gì chú bác mừng tuổi, những phong bao lì xì đỏ thắm mang đầy may mắn và hứa hẹn trong năm tới.
Trong bao lì xì đó không quan trọng về vấn đề tiền bạc mà nó nặng về tình nghĩa, nặng về những lời chúc dành cho nhau.
Nhưng ở xã hội hiện tại, mình thấy nhiều ông bố bà mẹ “quên” giáo dục con cái điều này sao á. Nhiều đứa trẻ không hiểu được ý nghĩa thực sự của phong bao lì xì, mà chỉ quan tâm đến “nội dung” bên trong nhiều hay ít thôi.
Nhiều đứa trẻ còn thể hiện rõ thái độ ra mặt, bĩu môi chê ít – thực sự rất phản cảm. Nó làm mất đi ý nghĩa thực sự của phong bao lì xì.
#12. Đi chùa đầu năm mới
Từ xa xưa, đạo Phật luôn gắn liền với đời sống nhân dân ta, và cũng từ rất lâu rồi đi chùa ngày tết là một trong những nét đẹp độc đáo trong phong tục đón tết của người dân Việt Nam.
Đi chùa đầu năm để cầu mong cho mình và những người thân yêu được mạnh khỏe. Không chỉ mỗi vậy, đi chùa đầu năm còn thể hiện tấm lòng thành kính của bản thân với đức Phật, tổ tiên…
#13. Lời kết
Năm mới đã đến rồi, chúc mọi người có một năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu triệu bất ngờ và ngập tràn hạnh phúc nhé.
Một câu chúc rất quen thuộc nhưng nếu đọc kỹ thì bạn sẽ thấy nó đã rất rất đầy đủ rồi. Và cũng đừng quên ghé thăm Blog Chia Sẻ Kiến Thức mỗi ngày để đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích khác nhé.
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com