Tết từ xa xưa đã luôn là dịp để những người thân trong gia đình đoàn tụ lại với nhau, để cùng nhau đón chào năm mới.
Đồng thời, ngày Tết cũng là ngày để chúng ta trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất, để cầu mong cho mọi người được bình an và làm ăn phát đạt…
Không những thế, từ trước đến nay, Tết luôn là dịp diễn ra rất nhiều những lễ hội truyền thống. Với thời tiết dễ chịu của mùa xuân thì khi Tết đến, dòng người đi lễ hội nườm nườm tạo nên một bầu không khí vô cùng sôi động và hào hứng.
Đọc thêm:
- [CẦN BIẾT] 12 phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam
- Cách xem các ngày lễ, tết của Việt Nam với Calendar trên Windows 10
Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian, mỗi nơi, mỗi địa phương đều có trò chơi riêng mang bản sắc của địa phương đó.
Và trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Blog chia sẻ kiến thức [dot] com tìm hiểu về những trò chơi dân gian thú vị vào ngày Tết nha. Okay cùng bắt đầu thôi nào 😀
Mục Lục Nội Dung
#1. Chơi đáo
Chơi đáo hay còn gọi là đánh đáo, đây là trò chơi dân gian phổ biến ở nhiều địa phương – nhưng chủ yếu là ở các tỉnh Miền Bắc là nhiều.
Trò chơi thể hiện tính khéo léo của người chơi, kèm theo đó là một vài sự tính toán, và thêm một chút ganh đua nữa. Vì thế mà Đánh đáo là trò chơi dân gian không chỉ thu hút trẻ em, mà còn cả người lớn nữa.
Chơi đánh đáo rất đơn giản, chỉ cần một bãi đất phẳng và Đáo là những dụng cụ dẹt, có độ giày vừa đủ, và những đồng xu mà thôi.
Khi chơi, các đồng xu được rải rác ở trong một khoảng nhất định, người chơi phải đứng cách xa vị trí xu một khoảng mà đã thảo luận từ trước .
Sau đó người đầu tiên sẽ ném Đáo của mình vào đồng xu khiến đồng xu bay ra khỏi vị trí an toàn là được nhặt đồng xu đó.
Cứ như vậy, ném trúng thì sẽ được chơi tiếp, trượt thì sẽ mất lượt, khi nào hết đồng xu trong ô thì kết thúc trò chơi. Người chiến thắng là người dành được nhiều xu nhất, đồng thời cũng là người nhiều tiền nhất.
Ngày Tết, trẻ em được người lớn mừng tuổi nên Đánh đáo là trò chơi ưa thích, thu hút bọn trẻ – nhất là ở các vùng dân tộc. Còn trẻ em thành thị thì không nói rồi, các cháu chỉ quan đến iPad với smartphone để vuốt vuốt mà thôi 🙂
#2. Đi cà kheo
Ở đây, chúng ta chắc hẳn ai cũng biết đến cái Cà kheo là gì rồi đúng không nào. Tuổi thơ đi học mà có chiếc cà kheo để đi thì oai lắm, đám bạn cứ đi theo xin mượn để đi thử, hết đứa này sang đứa khác, thời đấy phải gọi là “oai như cóc”.
Đi cà kheo hay còn gọi với cái tên khác là Mã Điếng, là một trò chơi dân gian được chơi rất nhiều ở các lễ hội trong dịp Tết.
Đi cà kheo đòi hỏi người chơi phải giữ được thăng bằng tốt. Không những thế, để đi nhanh và dành chiến thắng thì sự kết hợp uyển chuyển giữa tay và chân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
Ở mỗi làng, khi diễn ra cuộc thi đi cà kheo luôn luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cổ động viên nhờ tính bất ngờ, thú vị của trò chơi.
Không những thế, thắng giải trong cuộc thi ở làng mình sẽ cùng cổ động viên sang làng khác thi đấu, dẫn đến tính ganh đua hết sức thú vị.
#3. Đấu vật
Đấu vật là một môn thể thao thượng võ, đấu vật cũng là một trò chơi thường được chơi trong dịp lễ Tết ở làng quê Việt Nam.
Không chỉ diễn ra mỗi dịp lễ Tết, ở Việt Nam còn có nhiều làng đấu vật như Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động.
Không những thế, để khuyến khích mọi người chơi đấu vật, giải thưởng cho người chiến thắng cũng rất cao. Thông thường là tiền mặt, nhưng bên cạnh đó còn có cả nồi đồng, mâm đồng và nhiều vật dụng ý nghĩa khác nữa.
Luật chơi đấu vật thì rất đơn giản, 2 người chơi sẽ đi vào một khu vực gọi là sàn đấu. Để giành chiến thắng thì người này phải vật đối phương ngã ngửa ra đất hoặc khiến đối phương toàn thân hoặc 2 chân nổi khỏi sới.
Đấu vật là một trò chơi đòi hỏi rất nhiều sức khỏe, thế nhưng sự nhanh nhạy và mưu trí cũng góp phần rất lớn trong việc dành được chiến thắng.
#4. Kéo co
Nhắc đến kéo co chắc hẳn cũng chẳng còn xa lạ gì đối với chúng ta nữa rồi. Đây là một trò chơi dân gian rất phổ biến và được chơi nhiều trong các dịp lễ, hội – trong đó có cả dịp Tết.
Những làng trong một xã sẽ có 1-2 đội cùng tham gia tranh tài và giành lấy giải thưởng. Đây cũng là trò chơi rèn luyện tinh thần đoàn kết và nâng cao sức khỏe cho người chơi.
Cách chơi kéo co thì cực kỳ đơn giản, 2 đội sẽ chọn ra số người tùy theo quy định để tham gia thi đấu. Mỗi đội đều có phần sân nhà và sân khách, đội này giành chiến thắng khi kéo được 1 người bên kia sang phần sân của mình.
#5. Chơi cờ tướng – cờ người
Cờ tướng là một loại cờ trí tuệ đã có mặt rất lâu trên đất nước chúng ta. Đây là sự đấu trí dành cho 2 người, vậy nên mỗi ván cờ, mỗi thế trận đều mang lại sự kịch tính và thu hút nhất định.
Những nước cờ hiểm, chí mạng hay những thế thủ vững chắc đều thể hiện sự thông minh, tài mưu lược của người chơi. Vì được xem như là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam nên cờ tướng xuất hiện trong các lễ hội là điều hết sức bình thường.
Đặc biệt trong dịp lễ hội ngày Tết, cờ tướng được nâng cấp thành một phiên bản lớn hơn, chân thực hơn rất nhiều đó là cờ người.
Lúc này mỗi quân cờ trên bàn là một người, mỗi bên có 16 người chia thành các vị trí Tướng, Sĩ, Tượng, Pháo, Mã, Binh, Tốt…
Mỗi người tượng trưng cho một quân cờ thì được mặc các trang phục giống như các quân cờ đó, và được đeo biển để biết rằng mình là quân cờ nào.
Cuộc thi diễn ra, mỗi làng sẽ cử ra một cao nhân để trực tiếp đấu trí với người làng khác. Mỗi thế cờ, mỗi nước đi đều thể hiện sự tính toán kỹ lưỡng của người chơi.
#6. Lời kết
Như vậy là mình đã giới thiệu cho các bạn những trò chơi dân gian thú vị trong dịp Tết (phần #1) rồi ha. Còn rất nhiều trò chơi dân gian hay ho khác nữa mà mình sẽ giới thiệu ở phần sau, các bạn hãy cùng đón xem nha.
Ở quê bạn còn có trò chơi thú vị nào nữa, đừng ngại ngầnc omment phía bên dưới để mọi người cùng biết và tìm hiểu nhé (>‿♥)
- [ĐỌC TIẾP] bài viết: TOP 10 trò chơi dân gian ngày Tết ở Việt Nam (Phần #2)
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com