Như các bạn biết đó, trong một năm thì chúng ta có rất nhiều những ngày lễ lớn, lễ nhỏ khác nhau và chúng đều mang những ý nghĩa nhất định.
Nhưng đối với người dân Việt Nam nói riêng, hay với những người dân các nước sử dụng Lịch Âm nói chung thì không thể phủ nhận một điều, đó là: Tết Nguyên Đán chính là ngày lễ được nhiều người quan tâm nhất và nó cũng mang nhiều ý nghĩa nhất.
Trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu về nguồn gốc của Tết Nguyên Đán và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán, một ngày lễ được rất nhiều người mong đợi….
Mục Lục Nội Dung
#1. Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Âm Lịch) được người dân Việt Nam ta gọi với nhiều cái tên khác như Tết, Tết Ta, Tết Cổ Truyền. Đây là dịp lễ đầu năm diễn ra vào những ngày đầu tiên của năm mới được tính theo Âm Lịch (Lunar Calendar – Lịch mặt trăng).
Hay nói cách khác thì Tết là một lễ hội truyền thống của người dân Việt Nam ta. Đây là dịp để kỉ niệm việc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch âm lịch, Tết Nguyên Đán luôn diễn ra sau Tết Tây (tức là sau ngày 1 tháng 1 Dương lịch).
Điểm qua một chút về Lịch Mặt Trăng, thì đây là loại lịch dựa trên chu kỳ vị trí của Trái Đất và Mặt Trăng để tính ngày.
Trong số các loại Lịch Âm chỉ có lịch Hồi Giáo là sử dụng thuần túy âm lịch, còn các loại lịch khác (kể cả loại Lịch Âm mà nước ta đang sử dụng) được gọi chung là Lịch Âm Dương. Loại Lịch Âm mà Việt Nam ta đang sử dụng được gọi là Nông lịch.
Hiện nay vẫn còn một số ít các nước (đa số thuộc khu vực châu Á) vẫn còn sử dụng Lịch Âm như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ,…
Nhật Bản trước đây cũng đã từng sử dụng Lịch Âm nhưng theo thời gian và các biến đổi của thời đại mà ngày nay Nhật Bản không còn sử dụng loại lịch này nữa, họ đã thay thế hoàn toàn bằng Dương Lịch như các nước phương Tây.
#2. Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán là từ Trung Quốc?
Cho đến thời điểm mình viết bài này thì nguồn gốc của Tết Nguyên Đán vẫn là một bí ẩn và có rất nhiều giả thuyết được đặt ra.
Có một số ý kiến cho rằng Tết Nguyên Đán xuất phát từ người Trung Quốc, hay nói cách khác đây là Tết của người Trung Quốc. Nhưng nhiều người lại cho rằng đó là những ý kiến sai lầm và rất chủ quan.
Mặc dù không có ghi chép cụ thể về nguồn gốc chính xác của ngày Tết Nguyên Đán nhưng dựa vào những sự kiện, hay những câu chuyện được truyền lại từ ngày xưa thì chúng ta cũng có thể khẳng định Tết Nguyên Đán ở Việt Nam ta không phải là “ vay mượn” từ Trung Quốc.
Một trong những lý do khiến người ta có suy nghĩ rằng Tết Nguyên Đán là của người Trung Quốc bắt nguồn từ 1000 năm Bắc thuộc, nhiều người cho rằng trong 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ thì dân ta đã bị đồng hóa về văn hóa, trong đó có cả ngày Tết.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kĩ lại thì điều này không hề có ý nghĩa gì cả, vì từ vài ngàn năm trước, dưới thời của các Vua Hùng thì bánh chưng – bánh dày đã xuất hiện và được xem như đặc trưng cho ngày Tết Cổ Truyền của dân tộc Việt Nam ta.
Ngoài ra, Khổng Tử – một nhà triết học, giáo dục và chính trị nổi tiếng của Trung Hoa còn từng viết trong sách của mình “ Ta không biết Tết là gì” thì hỏi chăng Tết có thể bắt nguồn từ chính đất nước Trung Hoa hay không?
Thêm nữa, trong Giao Chỉ Chí do Khổng Tử ghi chép lại còn viết về một ngày lễ của người Nam Man (chính là ám chỉ người dân ta dưới thời Văn Lang ) khi cả người dân và quan Lang cũng đều tham gia các lễ hội ăn mừng cho một vụ mùa mới.
Tất nhiên, ngày lễ được nhắc đến ở đây chính là ngày Tết Nguyên Đán của dân ta. Điều này cho ta thấy Tết đã có ở nước ta từ trước khi bị người phương Bắc xâm lược và chính người phương Bắc mới phải tìm hiểu và “mượn” ngày Tết của chúng ta.
#3. Phong tục ngày Tết
Tuy là ở mỗi quốc gia ngày Tết sẽ có chút khác biệt: từ tên gọi, thời gian, hay các hoạt động diễn ra… nhưng nhìn chung thì vẫn có những điểm tương đồng.
Giống như những ngày lễ khác, khi bước vào những ngày Tết Âm Lịch thì các quốc gia đều sẽ cho người lao động hay học sinh, sinh viên thời gian nghỉ ngơi tương đối dài (trừ một số rất ít công việc đặc thù).
Trong kì nghỉ lễ đặc biệt này, người ta sẽ dành nhiều thời gian để mua sắm, dọn dẹp và trang hoàng lại nhà cửa để đón chào một năm mới sắp đến.
Các hội chợ Tết được mở ra để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, ngoài ra còn có các lễ hội được tổ chức và thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Vào những ngày này, người dân ở các nước thường sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống và ăn các món ăn truyền thống (có thể nói là đặc trưng) vào dịp Tết.
Đa số mọi người đều sẽ trở về với gia đình và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, cũng như cầu mong cho một năm mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn.
Đối với người Việt Nam ta, ngày Tết thường quan trọng ở 3 ngày đầu tiên của năm mới, khi tập trung nhiều hoạt động quan trọng. Những loài cây đặc trưng cho ngày Tết như Đào, Mai, Quất,.. được phần đa các gia đình lựa chọn để trang trí cho ngôi nhà của mình.
Khi tết đến thì mọi người sẽ có xu hướng dọn nhà đón xuân, sắm sửa đồ mới và nhất là lì xì cho các trẻ nhỏ và người lớn tuổi! Khi lì xì thì sẽ có kèm những lời chúc đến nhau thật ý nghĩa cho năm mới được suông sẻ bình an, nhiều niềm vui.
Những hoạt động như gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, đi lễ chùa,.. là các hoạt động truyền thống diễn ra thường xuyên vào dịp lễ Tết Nguyên Đán. Có thể nói đây là một phong tục thú vị và cần được duy trì ở Việt Nam ta.
Đọc thêm:
- Các loại bánh đặc trưng ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam
- Tìm hiểu phong tục đón năm mới của Việt Nam, Trung Quốc, Thái..
- Ý nghĩa mâm cơm tất niên ngày Tết và những điều bạn nên biết
- Những điều nên biết về mâm ngũ quả ngày Tết (Bắc, Trung, Nam)
#4. Ý nghĩa của ngày Tết
Tết Nguyên Đán có thể nói là một dịp hết sức ý nghĩa và quan trọng đối với mọi người, mọi nhà trên mọi miền của tổ quốc.
Không chỉ đơn giản là một ngày lễ để mọi người được nghỉ ngơi dài ngày, mà Tết Nguyên Đán còn có một vai trò rất lớn và ý nghĩa đối với người dân ở các quốc gia đón Tết này.
Khi Tết đến xuân về nghĩa là nhà nhà sẽ có cơ hội hợp mặt cùng nhau sau một năm làm việc mệt mỏi, áp lực… Đây cũng là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, tận hưởng sau những chuỗi ngày cố gắng trong suốt một năm qua!
Đây là dịp để mọi người quây quần lại bên nhau sau một năm làm việc vất vả, là khoảnh khắc đoàn tụ chia sẻ với người thân về một năm vừa qua. Đối với nhiều người thì đây là thời khắc quý giá nhất trong một năm để ở bên gia đình.
Tết Nguyên Đán còn như một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng nhờ dịp lễ này mà rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc được gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày nay.
Đây cũng là một kì nghỉ lễ thu hút rất nhiều du khách tham quan nước ngoài, bởi với những du khách đến từ các nước không sử dụng Lịch Âm thì đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và rất hấp dẫn.
Ngoài những ý nghĩa nêu trên thì trong văn hóa của một đất nước mà nghề nông vẫn còn chiếm một tỉ lệ lớn như ở Việt Nam thì Tết còn là thời khắc đất trời giao thoa, là dịp để người dân tưởng nhớ, cúng bái các vị thần linh, để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, đúng với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Tết đối với người Việt còn giống như một ngày “sinh nhật” thứ hai, khi mà mọi người quan niệm rằng đón Tết cũng đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ có thêm một tuổi mới.
Người lớn sẽ có tục mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để thay lời chúc các cháu khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn. Còn các cụ sẽ mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.
Năm 2019 -2021 là những năm của đại dịch Covid-19. Sự tàn phá của của dịch bệnh khiến cả thế giới lâm vào cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế cũng như những vấn đề y tế xã hội ngày thêm mệt mỏi.
Trong những năm đầu dịch bệnh, một cái Tết ấm no dường như là quá xa xỉ đối với nhiều người. Mặc dù không muốn nhưng chúng ta vẫn buộc phải “nghỉ tết dài” trong năm!
Nhưng với tình hình hiện tại, thời điểm này là cận tết. Mọi thứ dường như đang được quay trở lại guồng quay của nó. Nhà nhà đã chuẩn bị đón chào những đứa con xa quê trở về sum họp trong dịp năm mới.
Sự đoàn vui, niềm vui và hân hoan lộ rõ trên khuôn mặt mỗi người. Dù gì thì năm cũ cũng sắp qua, chúng ta lại đón chào một năm mới với niềm hi vọng bình an và mọi điều thuận lợi hơn.
#5. Cần làm gì để chuẩn bị cho Tết?
Nước ta có ba miền Bắc – Trung – Nam thì phong tục chuẩn bị ở mỗi nơi cũng sẽ có sự khác nhau chút ít.
– Ở miền Bắc thì mọi người khá chú trọng và trau chuốt cho các món ăn, mỗi nhà quan niệm thường mâm cao cỗ đầy thì cả năm mới úng túc trọn vẹn. Một số món ăn thường thấy vào dịp tết như: Bánh chưng, nem rán, các loại mứt làm từ sấu, cốm, dưa hành, chả…
Và đương nhiên là cũng phải có trái cây chưng tết nữa chứ. Đặc biệt là các loại cây chơi Tết với nhiều chủng loại khác nhau, nổi trội trong đó không thể thiếu là những cành đào chưng tết !
– Ở miền Trung thì sẽ ăn cay nhiều hơn ở miền Nam, nhưng về độ ngọt thì miền Nam cao nhất trong ba miền. Các món thường thấy dịp tết như là: Thịt kho trứng, dưa muối, dưa kiệu, bánh tét, các loại mứt, trái cây, lap xưởng, thịt nguội…
Hoa chơi tết ở miền Trung và niềm Nam thì thường là hoa Mai thay cho Đào ở miền Bắc. Ngoài ra còn có vạn thọ, cúc và các loại hoa khác nữa, miễn là có màu sắc rực rỡ. Trong những năm gần đây thì Lan cũng là một loại cây được ưa chuộng ngày Tết !
#6. Lời kết
Trên đây là những nét đặc sắc của ngày Tết Nguyên Đán mà mình muốn chia sẻ tới các bạn. Thông qua bài viết này thì bạn cũng biết được nguồn gốc của Tết Nguyên Đán, ý nghĩa của Tết Nguyên Đán cũng như phong tục trong những ngày Tết Nguyên Đán rồi ha.
Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc bạn có một cái Tết hạnh phúc bên gia đình và người thân nha ^^ !
Tham khảo thêm:
- [CẦN BIẾT] 12 phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam
- TOP 10 trò chơi dân gian ngày Tết ở Việt Nam, rất thú vị
CTV: Trần Quang Phú & Cao Trần Mỹ Dung – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn