Tết nhất đến nơi rồi, các bạn đã chuẩn bị được những gì rồi?
Gần Tết cũng là thời điểm mà mọi người dần gác lại những công việc đang còn dang dở, thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình.
Mỗi năm chỉ có một lần, vậy nên Tết là dịp để mọi người trong gia đình sum họp lại với nhau cùng ăn cơm, cùng đón năm mới và dành cho nhau những câu chúc tốt đẹp nhất.
Và cúng Tất niên là một trong những nghi lễ/ thói quen/ phong tục không thể thiếu được của người dân Việt Nam chúng ta, vậy bạn đã hiểu được ý nghĩa của mâm cơm tất niêm ngày tết chưa?
Vâng, nếu bạn cũng đang muốn biết và muốn hiểu hơn về mâm cơm tất niên của 3 miền Bắc, Trung và Nam thì hãy theo dõi tiếp cùng mình nhé 🙂
Mục Lục Nội Dung
I. Ý nghĩa của mâm cơm Tất niên ngày tết?
Mâm cơm Tất niên là một phong tục được lưu truyền bao đời nay của cha ông ta vào dịp Tết đến xuân về, bữa cơm Tất niên thường được chuẩn bị và bắt đầu vào chiều hoặc tối ngày 30 Tết.
Lúc này, mọi người sẽ tụ họp, sum vầy về nhà ông bà hoặc bố mẹ để ăn tất niên. Cũng tùy vào từng vùng miền hay từng gia đình để quyết định xem có mời thêm khách hay không.
Đúng vào chiều 30 Tết, mâm cơm Tất niên sẽ được làm, chuẩn bị cho việc tổng kết năm cũ đã qua và đón một năm mới sắp đến.
Không những thế, theo phong tục tập quán ở nhiều nơi thì nhà nhà sẽ dựng một cây nêu (cây tre cao) trước sân để xua đuổi ma quỷ. Nhiều người còn vẽ trước sân nhà một bộ cung tên, kèm theo đó là ba hình vuông và bảy hình tròn. Theo đó là quan niệm:
Ba vuông sánh với bảy tròn
Đời cha liền với đời con sang giàu.
Sau khi đã chuẩn bị xong mâm cơm Tất niên, gia đình sẽ dâng lên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên.
Thông thường người con trai trưởng trong nhà sẽ đứng ra báo cáo về một năm cũ đã qua và cầu mong một năm mới sắp đến gặp nhiều an vui và làm ăn thịnh vượng.
Ngoài ra, trong mâm cúng còn mời ông bà tổ tiên trở về ăn Tết và phù hộ độ trì cho gia đình. Ngoài ra, còn mời ông Công, ông Táo, trở về trần thế cai quản việc bếp núc.
Trong mâm cơm Tất niên, tất cả mọi người sẽ cùng nhau ăn bữa cơm cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị cùng nhau đón năm mới.
Mọi người sẽ hỏi thăm sức khỏe của nhau, ông bà sẽ hỏi han con cháu về một năm đã qua làm ăn ra sao, học hành như thế nào, có gặp khó khăn hay trắc trở gì không..
Còn con cháu thì sẽ báo cáo về một năm cũ đã qua, để xem học tập có thành tích hay giấy khen gì không, hoặc trên con đường sự nghiệp đã đạt được những gì.
Mâm cơm tất niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam, đây không chỉ là bữa cơm tổng kết năm cũ, mà còn là dịp để con cháu xa quê trở về, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên thật ấm cúng, vui vẻ và đông đủ.
II. Cách chuẩn bị mâm cơm Tất niên ngày Tết
Mâm cơm cúng Tất niên là điều hết sức quan trọng và được cha ông ta truyền lại từ bao đời nay. Tuy nhiên, tùy theo vùng miền, cũng như phong tục tập quán của từng vùng mà mâm cơm tất niên có chút ít khác nhau.
Vâng, khác thì khác thế nhưng vẫn phải đầy đủ những thứ sau:
- Mâm ngũ quả.
- Hương hoa.
- Trầu cau.
- Bánh chưng.
Nhiều nơi còn có cả 2 câu đối đỏ, và cả gậy ông vải nữa. Dành cho nhiều bạn không biết thì gậy ông vải là 2 cây mía còn nguyên cả ngọn, lá tươi tốt, nhiều lá quá thì buộc lại với nhau hoặc ít thì để nguyên rồi dựng 2 bên bàn thờ.
Còn với mâm cơm, hay mâm cỗ dọn lên thì tùy theo từng vùng miền sẽ được chuẩn bị các món khác nhau. Cụ thể là:
#1. Miền Bắc
Cùng xem mâm cơm Tất niên ở miền Bắc gồm có những món gì nào: Mâm ngũ quả, hương đèn, trầu cau, bánh chưng, trà rượu.
Không những thế, cỗ mặn miền Bắc bao gồm:
- Bánh chưng/bánh tét
- Giò lụa
- Gà luộc
- Thịt đông
- Nem rán
- Miến xào lòng gà
- Canh măng hoặc (canh củ cải, xua hào, cà rốt nấu với xương sườn)
- Xôi
Nói chung thì mâm cỗ mặn này còn tùy thuộc vào từng gia đình chọn và chuẩn bị thế nào, nhưng theo mình thấy thì bánh chưng, gà luộc, giò lụa và cả xôi nữa là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Bắc.
#2. Miền Trung
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng đến với Miền Trung đầy nắng và gió để xem người dân ở đây chuẩn bị mâm cúng Tất niên gồm có những gì.
Đối với người dân Miền Trung thì mâm ngũ quả thường không được coi trọng quá mức. Không chuẩn bị tìm mua đúng các loại quả như người Miền Bắc hay Miền Nam, tuy nhiên mâm ngũ quả của người niềm Trung vẫn đầy đủ, vẫn sang trọng.
Hơn nữa, người dân ở đây rất coi trọng lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Còn đối với mâm cúng thì gồm có:
- Bánh chưng, bánh tét.
- Dưa món củ kiệu.
- Giò lụa.
- Thịt đông.
- Gỏi gà bóp rau răm.
- Măng ninh khô.
- Canh miến.
- Cá chiên hay ram.
- Cơm 3 bát.
#3. Miền Nam
Về phần lễ, hầu như người Miền Nam và Miền Bắc sẽ không có sự khác biệt. Bao gồm Mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu.
Còn về phần cỗ thì người dân Miền Nam thường chuẩn bị những món như sau:
- Bánh tét.
- Dưa giá củ kiệu.
- Thịt heo luộc.
- Thịt kho tàu.
- Gỏi cuốn.
- Gỏi tôm thịt.
- Măng tươi ninh.
- Khổ qua nhồi thịt.
- Cơm 3 chén.
III. Cách bày mâm cúng tất niên cuối năm
Sau khi chuẩn bị mâm cúng xong xuôi, chúng ta hãy cùng bắt đầu đến với phần bày mâm cúng lên bàn thờ. Cách bày mâm cúng lên bàn thờ cũng không có gì khó khăn, tuy nhiên nếu không biết thì cũng chẳng phải điều dễ dàng đâu 🙂
Đầu tiên là phần lễ bao gồm Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, bánh chưng, trầu cau, rượu trà sẽ được bày ở chính giữa bàn thờ hoặc là bàn thờ chính.
Còn mâm cỗ sẽ được bày ở bàn thờ phụ phía dưới hoặc nếu không có thì sẽ bày sang 2 bên bàn thờ.
Sau khi sắp xếp mâm cúng lên bàn thờ xong xuôi thì người con trai trưởng trong nhà sẽ đứng lên cúng và mời ông bà tổ tiên, cũng như ông Công, ông Táo về ăn Tết cùng gia đình.
IV. Lời kết
OK ! Như vậy là mình đã cùng các bạn tìm hiểu cơ bản về mâm cơm tất niên ngày Tết rồi ha và qua bài viết này thì chúng ta cũng đã hiểu được ý nghĩa của mâm cơm tất niên ngày tết rồi.
Những ai còn đang xa quê thì hãy chuẩn bị sắp xếp về quê đón tết cùng với ông bà bố mẹ đi thôi, chúc các bạn có nhiều sức khỏe để vui vẻ cùng gia đình và người thân nhé ^^
Đọc thêm:
- [CẦN BIẾT] 12 phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam
- Nên hay không việc “cấm” người dân về quê ăn Tết?
- Các loại bánh đặc trưng ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam
CTV: Đinh Tùng – Blogchiasekienthuc.com