Là một sinh viên sắp bước qua chặng đường đại học, đã có những trải nghiệm, kinh nghiệm mà đôi khi mình ước rằng mình có thể rèn luyện ngay từ những năm tháng đầu khi mình mới bước chân vào cánh cửa Đại học.
Bài viết này mình muốn chia sẻ đến những bạn tân sinh viên đôi điều mà mình chỉ muốn nói “giá như mình đã từng”…
Mục Lục Nội Dung
#1. Rèn khả năng tự chủ bản thân
Không phải tự nhiên mà mình lại để mục này lên đầu tiên, vì thành thật mà nói, bản chất của chúng ta là: Lười biếng, ích kỷ, tham lam.
Những tính xấu này sẽ luôn lấn áp và khiến bạn trì hoãn nếu như bạn không có bản lĩnh và làm chủ được chúng.
Ví dụ như quần áo thay vài ngày không giặt, cơm nấu một lần ăn hai ba ngày, được nghỉ học là ngủ nướng đến tận trưa, nhịn ăn sáng triền miên, mưa mà nhà xa trường là nghỉ học, chơi game thâu đêm – sáng nghỉ học để ngủ…
Lên đại học nhiều bạn phải học xa nhà, thuê trọ sống một mình hoặc cùng bạn. Và mình cá là chắc có nhiều bạn trong số đó từng trải qua những gì mình kể trên.
Mình cũng đã từng như thế, tất nhiên không phải tất cả những gì mình kể trên nhưng mình cũng đã từng bị “con ma lười biếng” làm cho khổ sở và lãng phí quá nhiều thời gian.
Cuộc sống là những trải nghiệm, mình chia sẻ với các bạn không phải để các bạn bỏ những thói quen đó. Mình chỉ chia sẻ với tư cách của một người từng trải qua và mình thấy sẽ thật tốt nếu mình từng chỉnh chu và làm chủ được bản thân hơn.
Nếu như sự lười biếng khiến bạn bị lùi lại so với xã hội, thì tham lam sẽ cám dỗ để bạn lùi lại theo cách tồi tệ nhất, và cuối cùng sự ích kỷ sẽ đẩy bạn xa cách với xã hội, bạn bè, gia đình… Tin mình đi, mình đã từng gặp những bạn như thế. Đáng thương mà cũng đáng trách lắm !
Rời xa khỏi vòng tay gia đình để bước vào xã hội với biết bao nhiêu cám dỗ, lừa lọc, có thể các bạn chưa tin đâu nhưng nếu phải đưa ra một lời khuyên thì mình chỉ khuyên đơn giản như thế này:
“Đại học – bạn có một cuộc sống tự do hơn nhưng hãy luôn biết cách tự chủ bản thân. Rồi một ngày bạn sẽ cảm ơn chính mình của ngày hôm qua.”
#2. Thay đổi phương pháp học tập
Nhiều bạn vẫn nghĩ lên đại học chỉ cần chăm chỉ bằng “một nửa” hồi cấp 3 là sẽ kiểu “auto học bổng”. Mình nghĩ cũng có ý đúng nhưng chưa đủ.
Sự thật là trên đại học hầu như các bạn tự học là chủ yếu. Việc học trên lớp, trên trường cung cấp cho các bạn “base” – nền tảng để các bạn nắm được cốt lõi vấn đề, chứ không thể dạy các bạn hết được.
Và hiển nhiên khi đó bạn nào chủ động tìm tòi, khám phá thì sẽ hiểu nhiều, biết nhiều hơn so với bạn không chịu tự tìm tòi, khám phá.
Và vấn đề về hai chữ “phương pháp” nằm ở chính hai chữ “tự học” đó. Cấp 3 các bạn gần như biết rõ mình phải học Toán, Lý, Hóa hay các môn tự nhiên để có thể đỗ vào Bách Khoa. Vì vậy chăm chỉ cày cuốc ít nhiều sẽ có thành quả.
Nhưng tự học trên đại học khác nhiều lắm. Đơn giản nhất là đôi khi bạn sẽ không biết mình phải học gì vì có quá nhiều cái để học, hoặc cũng có khi học rất nhiều nhưng lại chả học được gì?
Vì vậy mình khuyên các bạn để khắc phục được điều này thì nên xác định mục tiêu rõ ràng. Tập trung đi sâu vào lĩnh vực mình theo đuổi.
Rèn luyện khả năng tự học bằng cách đọc nhiều, quan sát, đặt câu hỏi : what? why? how. Học được gì thì nghĩ xem nó áp dụng vào đâu (học đi đôi với hành).
Ngoài ra, các bạn có thể rủ bạn bè thành các nhóm học, nhóm nghiên cứu. Một phần là nó sẽ giúp các bạn bớt cô đơn, tẻ nhạt và một phần chính là họ sẽ bổ sung những thiếu sót cho bạn cả về kiến thức lẫn kỹ năng.
#3. Thay đổi tác phong
Học đại học, bạn không còn quẩn quanh nơi phố huyện, sáng đi học, tối lại đi học. Mà khi học đại học, bạn sẽ được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn, làm quen với văn hóa nhiều vùng quê khác nhau. Bạn không thể giữ mãi tác phong của một cậu học sinh sáng tối chỉ biết đi học.
Nếu có thể, bạn hãy thay đổi từ hình thức bên ngoài trước. Ăn mặc không cần quá bảnh bao nhưng phải gọn gàng. Đầu tóc không cần xanh đỏ vuốt vuốt, nhưng cũng phải gọn gàng và gội đầu thơm tho.
Quần áo nên giặt thường xuyên, tránh để bị mùi cơ thể vì nếu có mùi cơ thể sẽ khiến cho mọi người có cảm giác không thoải mái khi ngồi gần bạn, thậm chí bạn sẽ tự ti sau mỗi lần như thế.
Nói chuyện nếu có thể hãy chú ý ngôn từ, tùy hoàn cảnh mà sử dụng từ địa phương, hay tiếng phổ thông để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt.
Hãy rèn thói quen dậy sớm, đúng giờ trong các cuộc hẹn, giữ lời hứa với người khác…
Và cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất mà mình muốn khuyên các bạn trong mục này đó là, phải luôn giữ cho mình một thái độ tích cực kể cả trong công việc và học tập. Vì sẽ có lúc bạn cảm thấy chán đời, chán học.
Tin mình đi, lúc đó bạn hãy suy nghĩ tích cực lên, bước ra bên ngoài và làm những điều mà bạn cảm thấy thích thú nhất, để refresh lại bản thân !
#4. Rèn thói quen chủ động
Hồi cấp 3 mình nhớ lớp mình khá là đông, nhưng cứ mỗi khi thầy cô gọi lên bảng kiểm tra bài cũ là cả lớp lại im phăng phắc, đến mức mà mình còn nghe thấy cả nhịp thở của đứa bên cạnh – chẳng đứa nào chịu giơ tay dù biết hay là không biết câu trả lời.
Lên đại học rồi mình vẫn cứ giữ thói quen đó. Giáo viên hỏi thì nói mà không hỏi thì thôi. Các bạn có biết điều kinh khủng nhất của việc không chủ động đó ở Đại học là gì không?
Cấp 3, cô hỏi hiểu bài chưa? Không thấy đứa nào nói gì cô biết và âm thầm giảng lại. Nhưng lên Đại học thì khác, “im lặng” đồng nghĩa với việc bạn đã hiểu bài và thậm chí sẽ có ngay một bài kiểm tra sau câu hỏi đó.
Mình từng quen những bạn ở Đại học họ rất chủ động trong học tập và công việc. Luôn chuẩn bị trước khi đi học, hỏi thầy cô rất nhiệt tình, lúc nào cũng xung phong làm lớp trưởng, hăng hái phát biểu bài.
Đổi lại các bạn ấy chẳng mất gì, cùng lắm là vài ánh mắt của mấy đứa cứ ngồi “thụ động”. Thậm chí còn được thầy cô quan tâm, giúp đỡ nữa.
Đó là trong học tập, còn trong cuộc sống thì bạn lại càng cần phải chủ động hơn. Thích bạn nào đó thì hãy chủ động tán chứ đừng có chờ đến lúc thấy người ta dắt tay thằng khác lại ngồi khóc. Chủ động lên kế hoạch cho các mục tiêu ngắn hạn, cũng như dài hạn…
Tóm lại là các bạn phải chủ động trong cả học tập và cuộc sống nếu muốn cơ hội đến với mình nhiều hơn.
#5. Học cách tiết kiệm
Tiết kiệm ở đây không chỉ là tiết kiệm về tiền bạc, mà bạn cần phải biết tiết kiệm cả về thời gian và những gì mình có.
Đầu tiên mình muốn nói về việc tiết kiệm thời gian trước. Người ta nói thời gian là vàng là ngọc. Mình thấy đúng lắm, càng trưởng thành các bạn sẽ càng cảm nhận được điều đó rõ hơn.
Có thể những năm đầu đại học bạn chưa nhận ra đâu, nhưng tin mình đi học cách tiết kiệm thời gian vì tuổi trẻ chỉ có một lần thôi.
Đừng vùi đầu vào những trận game thâu đêm, cũng đừng ngủ nhiều đến mức bỏ cả ăn sáng, ăn trưa.
Quản lý thời gian bằng cách lập kế hoạch cho công việc, giảm thời gian cho mạng xã hội và giành thời gian cho các việc khác nhiều hơn.
Có một câu nói hay tuyệt vời đó là” Tương lai KHÓC hay CƯỜI phụ thuộc vào độ lười của quá khứ”. Nhớ nhé các bạn !
Tiếp theo, mình muốn nói đến việc tiết kiệm tài chính, thực ra những năm đầu sinh viên chúng ta vẫn nhận tiền chu cấp của gia đình là chủ yếu.
Cũng có những bạn đi làm thêm để có thêm đồng ra đồng vào, nhưng hầu như việc quản lý chi tiêu vẫn còn rất kém.
Có một câu thần chú mà mình hay dùng như thế này trước khi quyết định mua gì: “Cái này là cái mình CẦN hay cái mình MUỐN”.
Nếu là cái mình MUỐN thì mình sẽ tạm gác lại cho đến khi nào đủ tài chính, còn nếu là cái CẦN thì mình sẽ mua. Còn “CẦN” hay “MUỐN” thì mỗi bạn tự có câu trả lời riêng nhé !
Đọc thêm bài viết:
- 5 điều nhất định phải thử khi trở thành một sinh viên
- Các khóa học miễn phí từ các trường ĐH hàng đầu thế giới
Còn rất nhiều điều mình muốn chia sẻ nhưng mình nghĩ cái quý giá hơn vẫn là trải nghiệm của các bạn. Những gì mình chia sẻ trong bài viết này chỉ là những kinh nghiệm cá nhân. Hi vọng nó giúp được các bạn có được những chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường sắp tới !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com