Cuộc sống của mỗi người luôn được lấp đầy bởi các mối quan hệ. Chúng là một phần thiết yếu để bạn tương tác với thế giới và phát triển một cách toàn diện hơn.
Và như chúng ta đã biết thì các mối liên hệ có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình định hình tư duy cũng như nhân cách mỗi người. Nếu ở trong một môi trường lành mạnh với những con người tích cực, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều giá trị từ họ.
Thế nhưng mọi vấn đề đều tồn tại mặt trái của nó. Bên cạnh những điều tích cực, xung quanh chúng ta vẫn ẩn chứa sự toan tính nhỏ nhen mà các mối quan hệ độc hại đem tới.
Ở bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình nhận biết và rời bỏ những vòng tròn quan hệ độc hại qua 4 dấu hiệu phổ biến dưới đây nhé! Bắt đầu thôi nào…
Mục Lục Nội Dung
#1. Bạn Luôn Bị Điều Khiển
Thông thường, tình cảm gắn bó giữa người với người được xây dựng trên nền tảng của sự vô tư và bình đẳng.
Vì vậy nếu trong một mối quan hệ, bạn cảm thấy mình bị kiểm soát quá nhiều thì đã tới lúc nhìn nhận nghiêm túc rằng liệu mình có nên tiếp tục duy trì nó hay không?
Chúng ta đều có cuộc sống của riêng mình, đều có những vấn đề riêng cần phải giải quyết. Và việc ai đó muốn bạn làm theo ý họ là hoàn toàn vô căn cứ.
Bởi trong bất cứ một mối quan hệ nào, để sự hợp tác đạt hiệu quả cao nhất thì sự đồng thuận của cả hai bên chính là yếu tố vô cùng quan trọng.
Chịu sự điều khiển của người khác đồng nghĩa với việc bạn tự bó buộc chính mình trong những giới hạn chật hẹp, chấp nhận mất dần chính kiến và lối tư duy riêng biệt. Trả lời mình đi – bạn sinh ra đâu phải để làm con rối của ai đó, phải không nào?
Bởi vậy trong một mối quan hệ, nếu nhận thấy một vài người luôn cố gắng tước đi mọi sự chủ động của bạn thì đừng do dự tránh xa những cá thể độc hại ấy nhé !
#2. Bạn Không Được Là Chính Mình
Mỗi người đều mang trong mình những sắc màu riêng biệt. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trong một mối quan hệ, bạn luôn phải cố gắng che đi các khía cạnh thực sự của con người mình?
Để mình nói cụ thể hơn nhé! Bạn vẫn nhớ cảm giác khi ở bên cạnh những chiến hữu thân thiết chứ? Nếu dùng ngôn từ để miêu tả cảm giác ấy, bạn sẽ diễn đạt như thế nào?
Chắc chắn đó là tình cảm chân thành, vô tư cởi mở – và điều tuyệt vời nhất là chúng ta được sống với chính con người của mình.
Thế nhưng, vấn đề là không phải mối quan hệ nào cũng cho ta những xúc cảm đáng trân trọng như vậy. Sẽ có một vài người khiến bạn luôn phải kiềm chế phần cá tính trong mình để tránh những bất đồng không đáng có.
Thực ra thì mỗi người đều sở hữu sự riêng biệt nhất định, nhưng nếu bạn cảm thấy không thể dung hòa được với họ – hãy lựa chọn cách buông tay.
Bởi chúng ta không cần phải hòa nhập, điều mà cuộc sống cần là sự hòa hợp. Việc bạn gượng ép bản thân trở thành hình mẫu mà người khác mong muốn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới quá trình phát triển sau này đấy !
#3. Các Ranh Giới Bị Xâm Phạm
Ai cũng có những nguyên tắc của riêng mình và chúng xứng đáng được tôn trọng. Không biết các bạn cảm thấy thế nào nhưng mình khá là khó chịu khi các ranh giới cá nhân bị xâm phạm.
Và nếu điều này tiếp diễn quá nhiều lần thì rất có thể bạn đang là nạn nhân của một mối quan hệ không lành mạnh đó!
Chắc hẳn chúng ta đều đôi lần trải qua các tình huống khó xử như thế. Mặc dù chúng hơi nhỏ nhặt, giả dụ như ai đó đọc trộm nhật kí điện tử hay cầm máy và xem hình ảnh riêng tư của bạn khi chưa được phép – tất cả những hành động này đều rất dễ gây mất cảm tình, thậm chí còn bị xem là khiếm nhã.
Một mối quan hệ lành mạnh phải được xây dựng trên cơ sở của sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu cảm thấy tính riêng tư của bản thân không được đảm bảo, bạn hoàn toàn có lí do chính đáng để “say goodbye” với những con người độc hại ấy.
Bởi ngoài những toan tính nhỏ nhen ra thì chẳng có ai hứng thú với việc đi rình mò người khác cả. Đối với những cá nhân như vậy thì đừng nên lưu luyến làm gì bạn nhé ! (>‿♥)
#4. Những Lời Chỉ Trích Được Tuôn Ra Mọi Thời Điểm
Chẳng ai tránh được những vấp ngã sai lầm, điều này là không thể phủ nhận. Và tất nhiên sự đánh giá, góp ý từ người khác chính là động lực để chúng ta khắc phục nhược điểm, từ đó tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Thế nhưng phê bình hoàn toàn không có nghĩa là miệt thị hay chỉ trích ai đó một cách thậm tệ. Nếu làm việc cùng những người có tư duy phê phán quá nặng nề, khả năng cao là bạn sẽ chẳng tiến bộ thêm chút nào đâu.
Đừng hiểu sai ý mình. Mình sẽ nhấn mạnh lại một lần nữa rằng sự đánh giá khách quan luôn mang tới những mặt tích cực.
Thế nhưng ngược lại, nếu sự thất bại của bạn chỉ là cái cớ để ai đó không ngừng chỉ trích, đổ lỗi và trì triết thì liệu chúng ta có đủ mạnh mẽ để phớt lờ mọi ngôn từ cay độc ấy không?
Vì thế, giải pháp đơn giản nhất cho các tình huống kiểu này đó là dứt khoát rời xa những con người gây ảnh hưởng tiêu cực tới bạn. Mong rằng bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhé !
#5. Đối Phương Luôn Cho Rằng Họ “Đúng”
Dấu hiệu cuối cùng để xác định mối quan hệ của bạn có độc hại hay không, chính là ở thái độ của người đối diện khi tranh luận về một vấn đề nhất định.
Thông thường, mọi quan điểm đều nên được lắng nghe và cân nhắc. Tuy nhiên, nếu đối phương lúc nào cũng tìm cách bác bỏ tất cả luận điểm của bạn bằng những ngôn từ quy chụp và luôn cho rằng mình đúng, thì đã đến lúc bạn cần nhìn nhận chín chắn về việc có nên tiếp tục mối quan hệ ấy nữa không.
Bởi như mình đã nói ở trên, tính đúng đắn của một vấn đề nằm ở rất nhiều khía cạnh. Và cũng chẳng có gì gọi là TUYỆT ĐỐI SAI hay HOÀN TOÀN ĐÚNG ở đây cả. Việc ai đó cố gắng hơn thua với bạn chỉ chứng tỏ họ là một kẻ bảo thủ và hiếu thắng.
Đọc thêm:
- 5 cách xoa dịu cơn giận dữ của người khác rất hiệu quả
- Chia sẻ 6 trang web giúp bạn xả stress, thư giãn ngay lập tức !
Vả lại, chúng ta rất có thể sẽ bị phân tâm trong quá trình kiên định với chính kiến của riêng mình nữa. Vì thế cho nên hãy linh hoạt thanh lọc những người (hoặc những điều) có tác động tiêu cực tới sự phát triển của bản thân nhé !
Hi vọng bài viết này có ích với bạn, đừng quên chia sẻ quan điểm cá nhân bằng cách để lại comment phía dưới cho mình biết nha. Many thanks !
CTV: Ngô Hoàng Mai – Blogchiasekienthuc.com