Chào ngày mới, các bạn vẫn khỏe chứ? Mình rất vui khi chúng ta lại có cơ hội cùng nhau chia sẻ những kiến thức và kỹ năng bổ ích.
Ngày hôm nay mình sẽ đi sâu vào một chủ đề không mấy xa lạ với tất cả chúng ta, đó chính là CƠN GIẬN DỮ.
Nếu đã đồng hành cùng Blog trong một khoảng thời gian dài thì chắc hẳn bạn cũng đã từng đôi lần bắt gặp một bài viết về cách kiềm chế cơn giận của chính mình rồi nhỉ?
Okay, nếu chưa thì chúng ta có thể tìm đọc lại nha! Quay lại chủ đề chính, ngay sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn một kỹ năng mới – cũng là nghệ thuật xoa dịu cơn giận nhưng không phải của bản thân, mà là xoa dịu cơn giận của những người khác.
Không để bạn phải chờ lâu nữa, chúng ta bắt đầu thôi nào. Hãy cùng mình đến với 5 phương pháp xua tan cơn giận dữ của người khác nhé !
Mục Lục Nội Dung
#1. Duy Trì Sự Bình Tĩnh
Con người là một chủ thể phức tạp, bởi chúng ta sở hữu những cảm xúc rất đa dạng. Chẳng ai có thể vui vẻ hay dễ tính suốt cả ngày – ngay cả những người tích cực nhất cũng không ngoại lệ. Vì thế, cảm giác giận dữ hoặc nổi cáu với ai đó là một tình huống rất phổ biến.
Sự giận dữ, gắt gỏng của người khác đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta có một nguyên tắc chung để giải quyết chúng – đó là hãy giữ sự bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh.
Bởi bạn biết đấy, khi một người bị cơn giận chi phối, họ thường rất dễ bị kích động. Và nếu chúng ta đáp trả gay gắt ngay lập tức thì mình không chắc mọi chuyện sẽ tiến triển theo hướng tồi tệ đến mức nào đâu!
Bên cạnh đó, sự bình tĩnh của bạn cũng có khả năng điều chỉnh tâm trạng của người đối diện. Vì nếu đối phương cảm thấy sự gay gắt của mình không được phản hồi, họ sẽ tự động rút lui thôi.
Thêm nữa, nếu cả hai bên cùng giận dữ thì sự bất đồng vẫn sẽ tiếp diễn. Đó là lý do mà trong bất cứ mối quan hệ nào cũng luôn cần một người tỉnh táo và bình tĩnh đó!
#2. Bày Tỏ Lòng Cảm Thông
Yếu tố tiếp theo để dập tắt ngọn lửa giận dữ trong lòng ai đó nằm ở khả năng thấu cảm của bạn. Đứng trước một người đang gắt gỏng, tuyệt đối từng yêu cầu họ bình tĩnh.
Bởi khi ấy đối phương sẽ cho rằng mọi quan điểm của họ đều không đáng được tôn trọng, và mâu thuẫn lại càng khó giải quyết.
Nhẹ nhàng xử lí vấn đề là nhiệm vụ của chúng ta. Trước tiên, hãy mở lời bằng những câu nói như: ” bạn hoàn toàn có quyền cảm thấy như vậy” hay “mình cũng sẽ nổi giận nếu mình là cậu”.
Người ta thường rất khó khăn trong việc thông cảm với nhau và sự giận dữ không vơi bớt cũng là vì lẽ đó. Vì thế, trước bất cứ một cuộc tranh cãi nào chúng ta cũng nên bày tỏ sự thấu hiểu của mình với người đối diện.
Hãy khiến người khác thấy rằng họ được cảm thông và tôn trọng, đó chính là nền tảng để giải quyết mọi xung đột.
Khi cơn giận dịu đi, bạn có thể phân tích và làm rõ các vấn đề sau đó. Tuy nhiên, nhớ xử lí mọi việc thật chuyên nghiệp và khách quan nhé!
#3. Lắng Nghe Những Giãi Bày Của Người Đối Diện
Song song với sự cảm thông, khả năng lắng nghe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu cơn giận dữ của một ai đó. Vì như mình đã từng nhấn mạnh, mọi quan điểm đều xứng đáng được quan tâm và cân nhắc.
Bởi vậy, chân thành lắng nghe một người đồng nghĩa với việc chúng ta sẵn sàng đón nhận những khía cạnh tốt đẹp trong con người họ.
Và mình tin rằng mọi bức xúc của đối phương cũng sẽ được giải tỏa khi họ cảm thấy mình được lắng nghe và tôn trọng.
Thêm vào đó, quá trình lắng nghe giúp chúng ta có cơ hội thấu hiểu về nhau hơn. Từ đó những nút thắt sẽ được tháo gỡ dần dần và quá trình hợp tác đạt được hiệu quả cao nhất.
Vậy đấy, dù ảnh hưởng tiêu cực của cơn giận dữ là quá rõ ràng – thế nhưng xét ở một góc độ nào đó, chúng cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành tính kiên nhẫn và khả năng lắng nghe của mỗi người nhỉ? 🙂
#4. Chân Thành Xin Lỗi Nếu Bạn Là Người Sai
Trong trường hợp bạn là người có lỗi thì lời khuyên đúng đắn nhất mình muốn gửi gắm, đó là hãy nói với người đối diện một lời xin lỗi chân thành.
Đừng cố gắng biện minh cho những hành động của mình khi đúng sai đã rõ. Nếu cứ tiếp tục quanh co, bạn sẽ chỉ khiến cơn giận của người khác bùng nổ dữ dội hơn mà thôi.
Mình không hiểu lí do tại sao mà chúng ta cảm thấy khó khăn khi nói lời xin lỗi với ai đó. Có thể bởi lòng tự trọng của bạn quá lớn hay đơn giản chỉ là ta không biết mở lời như thế nào cho phải…
Tuy nhiên, giải pháp tối ưu nhất trong những tình huống như thế này, đó là mỗi người hãy hạ bỏ cái tôi của mình xuống và thẳng thắn đối diện với nhau.
Lời xin lỗi có sức xoa dịu rất lớn, chỉ cần bạn chân thành và tích cực sửa sai thì chắc chắn cơn giận của đối phương sẽ dịu bớt đấy!
#5. Tìm Kiếm Giải Pháp
Những trường hợp cáu giận vô cớ thì mình tạm chưa xét tới, thế nhưng phần lớn mọi cơn bực tức đều có nguyên nhân của nó.
Chẳng ai có thể vui vẻ nổi khi biết còn cả đống rắc rối đang chờ mình cả. Và nếu bạn lỡ là người gây ra mớ hỗn độn ấy thì bên cạnh việc nói lời xin lỗi, hãy giúp đối phương kiếm tìm giải pháp.
Bởi mục tiêu cuối cùng mà chúng ta hướng tới là mọi vướng mắc đều được giải quyết ổn thỏa. Và một khi các vấn đề tồn đọng biến mất thì cơn giận dữ cũng chẳng còn lí do gì để duy trì nữa.
Vì thế, chìa khóa quan trọng để đánh tan sự tức giận của ai đó nằm ở chính hành động của bạn. Hãy tạo niềm tin vững chắc nơi người khác bằng những việc làm cụ thể nhé! Tất nhiên, trong quá trình hợp tác tìm giải pháp luôn phải chú ý duy trì 4 yếu tố mình vừa nêu phía trên đấy!
Để rồi khi các vấn đề được gỡ rối, chúng ta sẽ không chỉ thành công trong việc kiểm soát cơn giận của người đối diện – mà còn tạo được ấn tượng tốt đẹp nơi đối phương nữa đó.
Đọc thêm:
- Chia sẻ 11 mẹo tâm lý cực hay mà có thể bạn chưa biết !
- 5 bài tập tâm lý giúp bạn giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh
#6. Lời Kết
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua 5 cách để xoa dịu cơn giận của người khác rồi đấy. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết ngày hôm nay.
Đừng quên phản hồi lại để giúp mình hoàn thiện hơn nữa trong tương lai nhé ◉◡◉, thank you !
CTV: Ngô Hoàng Mai – Blogchiasekienthuc.com